Cô giáo khuyết tật quyết không bỏ học trò

(Dân trí) - Suốt 20 năm qua, dù phải di chuyển bằng nạng và sau đó là bằng xe lăn, cô Hu Xiuhua ở làng Jianshe (tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) vẫn dạy cho học sinh trong làng, nhưng bài học quan trọng nhất cô dạy cho học trò là tấm gương vượt khó của chính cô.

Bị mắc một chứng bệnh ở xương hông ngày càng trầm trọng, thoạt đầu cô Hu đi lại bằng nạng, và cuối cùng cô phải ngồi xe lăn. Tuy vậy, cô Hu không bao giờ để bệnh tật làm ảnh hưởng đến việc dạy dỗ học trò của mình.

Mỗi ngày, cô Hu đều cố gắng đến được cửa lớp học mà mình dạy tại Trường tiểu học Jianshe và cô không bao giờ có ý nghĩ từ bỏ công việc mà mình yêu thích.

Hồi cô Hu mới bị bệnh, các bác sĩ nói rằng phải mất tới 80.000 nhân dân tệ (tương đương 11.800 USD) thì mới có thể chữa chứng bệnh ở hông của cô. Lúc ấy gia đình cô Hu không kham nổi khoản tiền đó. Cô chỉ còn cách uống thuốc để bệnh đỡ phần nào. Nhưng những viên thuốc ấy rồi cũng không có tác dụng nhiều nữa, bởi vậy mà cô Hu chỉ uống thuốc giảm đau.

Cô giáo khuyết tật quyết không bỏ học trò - 1
Cô giáo khuyết tật Hu Xiuhua được vây quanh bởi học trò của cô tại Trường tiểu học Jianshe ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Chinadaily)

Hiện nay cô Hu 46 tuổi, mỗi tuần cô dạy khoảng 20 buổi, trong đó có môn Toán và môn Tiếng Trung. Để tránh gây phiền toái cho người khác, cô không bao giờ uống nước hay loại chất lỏng nào để cô không phải kéo lê thân mình với phòng vệ sinh.

Cô Hu vẫn thường mang về nhà hàng chồng bài tập về nhà để chấm sau một ngày làm việc ở trường.

Một trong những học trò cũ của cô Hu, Wang Liyan, hiện làm việc ở Thượng Hải, nhớ lại rằng cô Hu đã cực kỳ khó khăn khi di chuyển.

"Có lần cô Hu dành cả một ngày nghỉ cuối tuần để dạy bù bằng cách dạy tại nhà. Cô còn nấu ăn cho chúng tôi nữa”, Wang kể.

Leng Yanlin, hiệu trưởng Trường tiểu học Jianshe, cho biết cô Hu không để bệnh tật ngăn cản việc dạy học của mình.

Ông hiệu trưởng kể: "Lần đầu khi thấy cô Hu lên lớp bằng đôi mạng, tôi bảo với cô hãy tạm nghỉ ngơi và nhà trường vẫn trả lương cho cô. Cô đã khóc khi nghe tin đó và nói Xin đừng lo cho tôi. Chân tôi đau nhưng tôi có thể suy nghĩ sáng suốt. Tôi vẫn có thể đứng lớp".

Chỉ vào một chiếc ghế da đã cũ, hiệu trưởng Leng cho biết: "Trong vài năm qua cô Hu vẫn thường lên lớp bằng cách tựa vào chiếc ghế da đó. Bây giờ nó đã sờn rách rồi".

Năm ngoái, chính quyền địa phương đã tặng cô Hu một chiếc xe lăn và chiếc ghế tựa bằng da được nhà trường như lại như một vật lưu niệm.

"Cô Hu rất mực yêu thương học trò và trở thành một con người năng động mỗi khi cô lên lớp", hiệu trưởng Leng cho biết thêm.

Cô Hu có hai cô con gái, một người đang học đại học còn người kia lúc trước đã nghỉ học để kiếm tiền giúp mẹ chữa bệnh và giờ đang đi học trở lại ở trường cấp 2.

Liang Yue, con gái thứ 2 của cô Hu, kể rằng mẹ em bắt đầu đi dạy học bằng đôi nạng khi em khoảng 3 tuổi. Sau đó, em đã lén bố mẹ bỏ học và đến xin làm việc tại một cửa hàng cắt tóc để kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh.

Chồng cô Hu, anh Liang Zhengquan, kể rằng anh rất buồn khi vợ chồng anh đã thuyết phục được nhiều em bỏ học quay trở lại lớp trong khi chính con gái anh đã bỏ học gần nửa năm mà anh không hay biết.

Khi được hỏi tại sao bỏ học, Liang Yue đáp: "Bố em không có việc làm ổn định còn mẹ em lại bệnh tật như thế. Chị em thì đi học xa nhà. Bởi vậy mà em phải kiếm tiền giúp gia đình".

Hiện nay, gia đình cô Hu ở trong một căn hộ thuê bởi vì ngôi nhà của họ vốn lợp bằng cỏ tranh đã bị đổ sụp. Cả gia đình sống chủ yếu bằng thu nhập của cô Hu và một khoản thu nhập ít ỏi khoảng 3.000 nhân dân tệ/năm mà chồng cô kiếm được từ việc trồng hoa màu.

Gia đình cô Hu càng thêm khó khăn khi vài năm nay phải lo tiền cho con gái lớn học đại học trong khi chi phí chữa bệnh của cô ngày càng tăng.

Những nỗ lực vượt khó của cô Hu đã gây cảm hứng phấn đấu cho nhiều người. Năm ngoái, cô được chọn tham dự buổi lễ thường niên ở thành phố Cáp Nhĩ Tân (thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang) nhằm vinh danh những tấm gương vượt khó.

"Miễn là tôi có thể xoay xở di chuyển được, tôi sẽ không bỏ học trò”, cô Hu khẳng định.

Xuân Vũ
Theo Chinadaily