Cô giáo mang tình yêu lịch sử đến với học trò

(Dân trí) - Không rập khuôn giờ giảng với những kiến thức “cứng” trong chương trình giáo khoa, bằng cách lồng ghép kiến thức lịch sử trong giờ giảng các môn học khác, cô Trần Thị Kiều Trân (GV trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Đà Nẵng) đã khơi nguồn niềm vui học trong các học trò.

Cô Trần Thị Kiều Trân và HS lớp 4/1 trường TH Trần Văn Ơn (Đà Nẵng) do cô Trân làm chủ nhiệm.
Cô Trần Thị Kiều Trân và HS lớp 4/1 trường TH Trần Văn Ơn (Đà Nẵng) do cô Trân làm chủ nhiệm.

Với phương pháp giảng dạy sáng tạo trong bộ môn Lịch sử và với cả các môn học khác trong chương trình lớp 4, năm học 2012 - 2013, cô Trần Thị Kiều Trân được công nhận là Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp quốc gia.

Trăn trở làm sao để học trò hiểu và yêu lịch sử nước nhà hơn

“Kiến thức về lịch sử nước nhà của học sinh (HS) mình còn hạn chế lắm. Trong khi đó, các em lại biết về các triều đại, các nhân vật lịch sử của nước khác nhiều hơn. Điều này bắt nguồn chính từ việc các em xem nhiều bộ phim lịch sử của nước ngoài. Còn với chương trình lịch sử Việt Nam, các em chỉ được thu nạp kiến thức qua những bài học lý thuyết trong sách giáo khoa, học đó rồi quên đó vì các em chưa được khắc sâu kiến thức”. Với niềm trăn trở ấy, cô Trân đã tìm ra những biện pháp, phương pháp giảng dạy mới, hấp dẫn học trò, để các em yêu và am hiểu lịch sử nước nhà hơn.

Cô Trần Thị Kiều Trân và HS lớp 4/1 trường TH Trần Văn Ơn (Đà Nẵng) do cô Trân làm chủ nhiệm.
Với những sáng tạo hiệu quả trong phương pháp giảng dạy môn Lịch sử, cô Trân được công nhận là GV dạy giỏi Tiểu học toàn quốc năm học 2012-2013.

Không gói gọn việc giảng dạy môn Lịch sử trong giờ học riêng của bộ môn, cô Trân có một cách hay là lồng ghép kiến thức lịch sử trong giờ giảng các môn học khác có liên quan, để “bồi đắp” cho học trò thêm những hiểu biết về lịch sử. Chẳn hạn như giờ học môn Địa lý về đồng bằng Bắc Bộ, học sinh trong lớp lại biết thêm rằng ở đây từ thời nhà Trần, người dân đã biết cách đắp đê ngăn lũ. Hay khi giảng dạy học trò về lịch sử địa phương, các di tích chùa chiền ở địa phương, thì học trò lại được cô dạy thêm rằng trong thời triều Lý nước ta có nhiều công trình kiến trúc chùa chiền “khai sinh”…

Riêng trong giờ dạy Lịch sử, cô đã phân loại mục tiêu của từng bài học, như phân loại giữa bài học về sự kiện lịch sử, bài học về nhân vật lịch sử… để có giáo án riêng, cách dạy phù hợp với từng bài học lịch sử. Sau mỗi giờ giảng, thay vì “chốt” lại kiến thức “cứng” trong chương trình SGK, cô lại để học trò trong lớp tự tổ chức đố vui với nhau về bài học. Thêm vào đó, là những câu chuyện lịch sử, làm sao đó để học trò cảm thấy dấu ấn của lịch sử vẫn tồn tại ngay trong cuộc sống quanh ta. Với cách đó, HS được khắc sâu kiến thức, giờ học lịch sử trở nên sinh động, thú vị hơn.

“Người thầy cũng phải học không ngừng”

Không chỉ riêng giờ học môn Lịch sử, mà với các môn học khác, cô Kiều Trân vẫn luôn áp dụng những phương pháp giảng dạy mới và hiệu quả. Cô Trân cho biết, cô rất tâm huyết với phương pháp “bàn tay nặn bột”. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng trong giảng dạy các môn học tự nhiên. Theo đó, HS trong lớp chia thành từng nhóm học tập, tự tìm thí nghiệm, minh họa để chứng minh, tìm hiểu vấn đề mà bài học nêu ra và trình bày kết luận của bản thân.

giờ học ở lớp 4/1, trường tiểu học Trần Văn ơn luôn sinh động với sự hướng dẫn của cô Trần Thị Kiều Trân

Đưa phương pháp này vào giảng dạy cho HS ở trường từ năm học 2009 - 2010 tới nay, cô Trân nói chắc đó là một phương pháp hay và hiệu quả, khuyến khích tinh thần tự học cũng như phát huy khả năng sáng tạo của học trò. Cô nói: “Ví dụ như với bài “Tính chất của không khí”. Tôi để học trò tự tìm ra thí nghiệm hợp lý để chứng minh răng không khí là một chất không màu, không mùi… Các em đã tự tìm một bao bóng trong thổi phồng lên, nhìn vào bên trong bao bóng vẫn trong suốt, tính chất “không màu” được các em hiểu một cách trực quan sinh động, hơn nữa bằng chính cách thí nghiệm mà các em tự tìm ra. Với những giờ học như vậy, các em hào hứng lắm, nhất là với lứa tuổi HS tiểu học rất hiếu động và tò mò với mọi điều xung quanh".

Ngay trong lớp 4/1 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn do cô Kiều Trân chủ nhiệm, có một tủ sách riêng. HS trong lớp tự mang những quyển sách mình có có đến lớp, trao đổi với nhau để mỗi em đọc được nhiều hơn. Hàng háng, lớp tổ chức một cuộc thi đố vui về kiến thức các môn học. Khi học trò thắc mắc hay đã cùng nhau tranh luận mà vẫn chưa xác định được câu trả lời nào đúng, cô giáo sẽ ở giải đáp và phân tích đúng - sai.

Để giải đáp được những thắc mắc “vô cùng tận” của học trò, buộc giáo viên phải có kiến thức rộng. Lẽ đó mà theo cô giáo tiểu học có gần 20 năm đứng trên bục giảng thì: “Người thầy cũng phải học không ngừng, tiếp thu những phương pháp dạy mới, cập nhật những kiến thức mới”.

Khánh Hiền

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN