Cô giáo phải quỳ gối trước phụ huynh: Cách ứng xử đau lòng!

(Dân trí) - Sau khi áp dụng hình phạt quỳ gối với học sinh, cô giáo nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót nhưng không được phụ huynh chấp nhận lời xin lỗi. Sau đó cô giáo đã quỳ trước phụ huynh. Rất nhiều cảm xúc, trạng thái trước tình huống chát đắng này.

Sự việc xưa nay chưa từng có xảy ra tại Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An). Theo thông tin ban đầu, cô giáo của trường tên Nh. áp dụng hình thức phạt học sinh vi phạm bằng hình thức quỳ gối, dẫn đến nhiều em sợ không dám đến lớp. Một số phụ huynh có con em bị phạt đã đến trường làm cho rõ trắng đen.

Cô Nh. thừa nhận mình sai trong việc phạt các em quỳ gối và xin lỗi nhưng không được phụ huynh chấp nhận bỏ qua. Họ vẫn làm căng nên cuối cùng, cô đã quỳ xuống trước 4 phụ huynh.

Thật khó hình dung hình ảnh này và chắc chắn không một ai muốn hình thấy cảnh tượng này. Quá đau lòng!

Cô giáo áp dụng hình phạt với học sinh không phải là chuyện lạ, thưởng - phạt luôn là những việc song hành trong giáo dục. Trong trường hợp này, cô giáo làm sai quy định khi xử phạt học sinh theo cách bắt các em quỳ gối. Nhưng việc phụ huynh bắt ép người mang trọng trách giáo dục con mình quỳ gối không chỉ là sự chà đạp mà làm vỡ vụn giá trị tôn sư trọng đạo.


Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) - nơi xảy ra sự việc giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh. (Ảnh: Người lao động)

Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) - nơi xảy ra sự việc giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh. (Ảnh: Người lao động)

Chị Trần Ánh Dung, một phụ huynh ở Thủ Đức, TPHCM cho biết, chị đọc thông tin này mà đau lòng vô cùng dù biết rằng bắt đầu bắt nguồn từ việc cô giáo dùng hình thức xử phạt không đúng quy định. Trong dạy con, quan điểm của chị là việc tôn trọng thầy cô là nền tảng hàng đầu đối với nhân cách con trẻ. Thậm chí, sự tôn trọng của trẻ với thầy cô chị yêu cầu cao hơn cả với bố mẹ - mối quan hệ cha mẹ và con có nhiều trạng thái, cung bậc hơn.

Chị bộc bạch: "Để con tôn trọng giáo viên thì trước hết chính phụ huynh phải tôn trọng nhà giáo. Giáo viên cũng như mọi người khác, cũng lúc đúng lúc sai, do vậy phụ huynh cần hành xử một cách cảm thông, chia sẻ. Giáo viên sai, phụ huynh có rất nhiều cách để phản ảnh chứ không thể chà đạp người thầy như vậy được".

Là một giáo viên, thầy Vũ Hoàng Sơn, dạy học tại Trường tiểu học Bình Hòa, TPHCM bày tỏ, việc xử phạt học sinh của giáo viên trong tình huống này là sai quy định của ngành. Nhưng trên thực tế, mỗi lớp có 40 - 50 học sinh, mỗi em một tính, cá tính giáo viên vẫn phải tìm cách ổn định trật tự, nề nếp của lớp để đảm bảo chất lượng học tập, khả năng tiếp thu của các em học sinh. Và biện pháp cuối cùng, nhiều người vẫn phải áp dụng xử phạt.

Vậy nhưng, diễn biến sự việc sau đó thì đã đi quá xa khi phụ huynh gây ra áp lực lớn đối với giáo viên. Trong tình huống này phụ huynh nên gặp trực tiếp giáo viên, hỏi và nghe xem lý do vì sao cô phạt con mình, trao đổi thẳng thắn về cách giáo dục của cô để tìm ra giải pháp thì mọi việc sẽ theo chiều hướng tích cực.

Với cách hành xử này, theo thầy Sơn, sẽ tác động đến suy nghĩ của trẻ. Nếu trẻ biết cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh vì phạt mình thì không chỉ cô giáo này mà nhiều giáo viên khác sẽ rất khó để giáo dục bé. Các giáo viên khác sẽ mang tâm lý "sợ" học sinh và "sợ" cả phụ huynh.

Trong vai trò phụ huynh, thầy Sơn cho rằng, phụ huynh đừng vì quá nuông chiều và nóng lòng của mình mà cha mẹ làm xấu đi hình ảnh người thầy. "Cây non dễ uốn, từ những sai phạm nhỏ của trẻ nếu được "uốn" kịp thời sẽ giúp trẻ trưởng thành. Bản thân các em mang một "tấm lá chắn" từ phía cha mẹ như vậy sẽ rất khó để phát triển, hoàn thiện về nhân cách", thầy Vũ Hoàng Sơn nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống trường Việt Mỹ cho biết, ông vô cùng buồn khi đọc thông tin về sự việc "giáo viên quỳ gối". Không chỉ buồn về cách hành xử của phụ huynh mà chính cả cách hành xử còn "non" của giáo viên đã đánh mất vị thế của mình.

Ông Thịnh đồng ý, biện pháp giáo dục của cô giáo là sai với quy định của ngành và có thể bị coi là xúc phạm đến nhân phẩm học sinh. Cô giáo biết mình trong lúc không kìm chế được cảm xúc đã xử lý sai và đã có lời xin lỗi phụ huynh học sinh, đó là hành động đúng, xử lý hợp lý. Nhưng cũng phải nhìn nhận, cô đã tự đánh mất vị thế bản thân với hành động quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh khi một phụ huynh không đồng ý nhận lời xin lỗi.

Ông Phạm Phúc Thịnh cũng đặt ra tình huống, có thể giáo viên sợ bị kỷ luật thôi việc nhưng có những trường hợp, nếu cần thiết phải như vậy vẫn nên đương đầu chấp nhận. Ông bày tỏ quan điểm. "Là một giáo viên, hơn ai hết cần ứng xử thế nào cho đúng mực. Hơn ai hết, chính giáo viên phải giữ vị thế của mình, còn không làm sao có chờ xã hội tôn trọng đúng vị thế của giáo viên được?".

Phụ huynh quá đáng nhưng...

Chi Phúc Thư, một phụ huynh cho hay, trong tình huống này, phụ huynh chưa tìm hiểu kỹ con mình vì sao bị phạt mà lại quá nóng vội "xử lý" giáo viên khi bắt giáo viên phải quỳ. Đúng là phụ huynh quá đáng nhưng tất cả sự việc cần đặt đúng bối cảnh, có cái nhìn khách quan.

Theo chị Thư, sự việc sai bắt nguồn từ giáo viên, phạt đến mức học trò sợ đến trường, không dám đi học thì có đơn giản là quỳ gối răn đe hay không? Con chị Thư đi học vẫn hay về kể nay cô giáo véo tai, lấy thước gõ vào tay, úp mặt vào tường nhưng ở mức độ răn đe, có lý do thích hợp và có trao đổi với phụ huynh. Nhưng nếu trường hợp con bị phạt đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, sợ đi học thì chị cũng sẽ làm rõ.

Chị Thư cũng cho rằng, hiện nay nhiều giáo viên không xứng đáng đứng trên bục giảng, cư xử rất tàn nhẫn với học sinh. Và cũng có nhiều phụ huynh bao bọc con vô đối và tỏ ra ta đây có quyền hành một cách quá quắt. Cả hai trạng thái này ảnh hưởng vô cùng xấu đến con trẻ, đều cần phải lên án, đẩy lùi.

Hoài Nam