Cô giáo trẻ mang lời ca tiếng hát ra hải đảo

(Dân trí) - Ở xã đảo Tân Hiệp (Hội An, Quảng Nam) còn nhiều khó khăn vật chất, cách trở đất liền, cô giáo Lý Thị Mỹ Linh thông qua bộ môn Âm nhạc tác động vào thế giới tinh thần của học sinh với mong muốn giúp các em phát triển hài hòa trí tuệ và tâm hồn.

Cô giáo trẻ Mỹ Linh kiêm nhiệm công tác Đội bên cạnh dạy môn Âm nhạc.
Cô giáo trẻ Mỹ Linh kiêm nhiệm công tác Đội bên cạnh dạy môn Âm nhạc.

Sinh ra ở thôn Bãi Ông (xã Tân Hiệp, Hội An, tỉnh Quảng Nam), cô giáo trẻ Mỹ Linh vốn là cựu học sinh của trường Phổ thông cơ sở Quang Trung cả cấp 1 và cấp 2 (nay là trường THCS Quang Trung). Từ nhỏ, cô gái đất Quảng Nam đã có ước mơ trở thành một giáo viên dạy nhạc và về quê góp một phần năng khiếu của mình cho xã đảo nhỏ bé. Ước mơ lớn từng ngày, gia đình rất khó khăn nên ba mẹ Mỹ Linh chỉ cho con gái thi đại học ở địa phận tỉnh Quảng Nam hoặc Đà Nẵng cho gần nhà.

Ở TP. Đà Nẵng có một ngôi trường năng khiếu là trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng (nay là trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP. Đà Nẵng), cô gái Quảng Nam đăng ký thi một trường duy nhất và đỗ. Cô học Trung cấp 2 năm và ở lại Đà Nẵng học thêm bộ môn múa, đi làm chương trình văn nghệ…

Vừa tốt nghiệp thì nhận được lời gợi ý ra đảo Cù Lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) dạy học, Mỹ Linh hạnh phúc gật đầu ngay. Vất vả có, khó khăn có, nhưng nụ cười luôn nở trên môi cô giáo trẻ yêu nghề, yêu trò.

“Đến năm 2006, tôi nộp đơn xin việc vào Phòng GD&ĐT TP. Hội An nhưng một thầy ở bộ phận Tổ chức của Phòng GD&ĐT nói “Bây giờ Trường THCS Quang Trung ngoài đảo đang cần một giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy nghĩ nếu em có năng khiếu chắc sẽ làm được”. Thế là tôi được nhận vào ngay. Về trường, ngoài công việc chính là Tổng phụ trách Đội tôi còn được nhà trường phân công giảng dạy thêm bộ môn Âm nhạc. Thế là ước mơ của tôi đã thành sự thật!”, cô Mỹ Linh chia sẻ.

Thông qua bộ môn Âm nhạc, cô giáo 8X muốn bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh ở đảo.
Thông qua bộ môn Âm nhạc, cô giáo 8X muốn bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh ở đảo.

Ngôi trường cấp 2 ở xã đảo có 4 khối, 4 lớp, 84 học sinh. Số lượng học sinh rất ít nhưng vẫn phải đủ ban ngành, đoàn thể nên cô giáo trẻ kiêm nhiệm nhiều chức danh: giáo viên Tổng phụ trách Đội, giảng dạy bộ môn Âm nhạc ở tất cả các khối lớp, Chủ tịch công đoàn trường, Phó Bí thư Đoàn trường.

Cô Mỹ Linh tâm sự, vì là người con của đảo, lại về đảo công tác nên cô cảm thấy thật hạnh phúc khi được về lại quê hương của mình để gắn bó giảng dạy. Mỹ Linh còn nhớ như in thời gian đầu cô về trường công tác với vai trò Tổng phụ trách Đội.

“Sáng thứ 2 đứng trước cờ nhận xét về tình hình nề nếp, tác phong của học sinh, nói thật là tôi rất run… Những nội dung cần nói tôi đã chuẩn bị kỹ ở nhà rồi, thế mà đến lúc Sơ kết điểm tuần 1 lại vấp “lớp 8/3 thành lớp tám mươi ba” thế là được một phen học sinh toàn trường cười nghiêng ngả. Tôi thì mặt đỏ, nóng cả tai, không biết bám víu vào đâu cho đỡ quê”, cô kể.


10 năm công tác, cô Mỹ Linh (ôm hoa) luôn nỗ lực đạt thành tích cao trong giảng dạy.

10 năm công tác, cô Mỹ Linh (ôm hoa) luôn nỗ lực đạt thành tích cao trong giảng dạy.

Tình yêu học trò, sự quan tâm của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận xã; sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu nhà trường; tình yêu mến của các em học sinh là động lực để cô giáo 8X cống hiến hết mình. Đến nay, Mỹ Linh đã có 10 năm “bám đảo” và trong suốt 10 năm đó, cô đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, tham gia tốt Hội thi giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi cấp thành phố.

Trường nằm ở hải đảo, điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc giao lưu học hỏi kinh nghiệm và tham gia các cuộc thi của thành phố tổ chức còn nhiều hạn chế, nhất là vào mùa đông. Phụ huynh ở đảo đa phần ít quan tâm đến con cái mà thường phó thác cho nhà trường. Vì thế, thông qua bộ môn Âm nhạc, cô Mỹ Linh muốn bồi đắp thêm những cảm xúc đẹp cho thế giới tâm hồn học trò.

“Thật ra bộ môn Âm nhạc của tôi không cần phương pháp gì nhiều, chủ yếu nhằm tác động vào thế giới tinh thần của các em, giúp các em có sự phát triển hài hoà, toàn diện về nhân cách. Qua môn học này, học sinh có thể thấy được âm nhạc là một liều thuốc tinh thần, tạo sự hưng phấn trong học tập”, cô Linh chia sẻ.

Cô giáo Quảng Nam nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 2016 vì cống hiến cho công tác giáo dục ở vùng hải đảo.
Cô giáo Quảng Nam nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT năm 2016 vì cống hiến cho công tác giáo dục ở vùng hải đảo.

Nhớ ngày đầu được phân công giảng dạy bộ môn sở trường, vừa bước chân vào lớp học đầu tiên thì có một học sinh giơ tay phát biểu “Thưa cô, trước khi dạy cô có thể tặng cho lớp em một bài hát được không?”. Hơi bất ngờ nhưng rất thích thú với lời đề nghị của em học sinh đó, cô giáo trẻ liền hỏi: “Được rồi, các em thích cô hát tặng thể loại nhạc gì nào?”. Các em đồng thanh trả lời: “Nhạc về Quảng Nam đi cô!”. Cô Mỹ Linh liền hát tặng các em bài “Quê hương tuổi thơ tôi” và nhận những tràng vỗ tay thật to.

Buổi học đầu tiên ấy rất sôi nổi, hào hứng. Đó là những kỷ niệm cô giáo Âm nhạc không thể nào quên mặc dù đã qua thời gian hơn 10 năm công tác.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục