Gia Lai

Cô giáo trèo đèo lội suối mất việc viết tâm thư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

(Dân trí) - “Cháu đã phải đi những con đường đầy gian khổ và kiên quyết phải đi tiếp nhưng rốt cuộc chẳng có cánh cổng nào mở cho cháu, cháu bế tắc quá nên cháu đành liều viết thư cho Bộ trưởng, mong Bộ trưởng chỉ cho cháu một con đường đi”, đoạn tâm thư cô Ý viết.

Suốt 3 năm bám trường đầy gian khổ, nửa đêm phải băng rừng đi nhiều cây số để vận động học sinh đến trường, mưa lũ phải liều mình cõng học sinh qua suối, và rất nhiều gian khổ khác mà cô giáo Lê Thị Mỹ Ý (trú thị trấn Kbang, Kbang, Gia Lai) phải trải qua khi còn giảng dạy ở Trường PTDTBT Tiểu học Đăk Rong (Kbang)… Và hàng tháng, Ý cũng chỉ nhận được đồng lương hợp đồng ít ỏi.

Tuy nhiên, bỏ qua tất cả, Ý vẫn luôn kiên trì bám trường để mang kiến thức đến cho học sinh nghèo. Với lý do duy nhất- Ý quá yêu nghề giáo; Ý quá thương học sinh nghèo nơi đây và Ý khao khát, quyết tâm được giúp những học sinh nghèo thân yêu của mình…


 

Cô giáo Ý vào làng vận động học sinh, cõng các em qua ghềnh nước

Cô giáo Ý vào làng vận động học sinh, cõng các em qua ghềnh nước


Cô trò thân thiết như người một nhà

Cô trò thân thiết như người một nhà

Và rồi một ngày, quyết tâm đó của cô giáo trẻ bị đứt gãy. Sau 3 năm giảng dạy, Ý mất việc vì hết hợp đồng. Và hơn 1 năm nay, Ý khao khát, mơ ước được lại đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Ý tìm kiếm cơ hội khắp nơi để thực hiện ước mơ đó, nhưng tất cả đều thất bại.

Qua báo Dân trí, Ý đã gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bức tâm thư đẫm nước mắt về hoàn cảnh, về ước mơ cháy bỏng được làm cô giáo của mình.

Cô giáo trèo đèo lội suối mất việc viết tâm thư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - 3

Bức Tâm thư của Ý gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Kính thưa Bộ trưởng!

Khi viết lên những dòng chữ này cháu đã phải suy nghĩ rất nhiều, đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Cháu đã phải đi những con đường đầy gian khổ và kiên quyết phải đi tiếp nhưng rốt cuộc chẳng có cánh cổng nào mở ra cho cháu, cháu bế tắc quá nên cháu đành liều viết thư cho bộ trưởng, mong bộ trưởng chỉ cho cháu một con đường đi.

Cháu đang vô cùng chán nản và tuyệt vọng. Cháu chỉ là một công dân nhỏ bé trên đất nước Việt Nam này, 12 năm đèn sách đến trường sau đó dù gia đình cháu rất nghèo, mẹ lại đau ốm triền miên, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ dồn lên đôi vai gầy yếu của ba cháu. Nhưng ba cháu vẫn ráng vay mượn để có tiền cho cháu được đi học.

Cháu thương ba má lắm nên tự hứa với lòng mình: Phải cố gắng học hành chăm chỉ, ra trường sống thật có ích, giúp được nhiều học trò nghèo theo như ước nguyện của ba má.

Rồi 3 năm học Cao đẳng sư phạm tin học của cháu cũng hoàn thành đồng nghĩa gánh nợ của ba càng nhiều hơn. Cầm tấm bằng trên tay cháu mừng lắm vì từ giờ mình sẽ có cơ hội được đi dạy được giúp các em tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại qua máy vi tính rồi.

Sau khi tốt nghiệp, trong thời gian chờ xét tuyển giáo viên, cháu đã xin đi làm công nhân xưởng gỗ, công việc nặng nhọc và bụi bặm nhưng cháu vẫn cố gắng làm. Cháu tràn ngập hy vọng là mình sẽ được trúng tuyển giáo viên dạy tin học tiểu học. Nhưng cháu không được, cháu thất vọng và buồn lắm, rồi ba và mọi người động viên nên cháu cũng đỡ buồn.

Sau đó cháu xin được dạy hợp đồng tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đak Rong. Đây là những năm đầu tiên bộ môn tin học được triển khai tại trường, và đây cũng là ngôi trường tiểu học đầu tiên của huyện có đủ điều kiện cơ sở vật chất để đưa bộ môn Tin học vào giảng dạy. Là ngôi trường vùng sâu, vùng xa của huyện cháu ở, trường gần như hoàn toàn là con em đồng bào Ba Na. Cháu mừng lắm cho dù đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi.

Trường lại cách trung tâm thị trấn 60 cây số đường rừng, mỗi khi mưa đường xá trơn trượt ngã lấm lem là chuyện bình thường, có lần trên đường từ trường về cháu bị tai nạn phải nhập viện, tay phải bó bột, tay trái phải treo giữ cố định, ngay cả sinh hoạt cá nhân cháu cũng chẳng thể tự mình làm được. Gánh nặng trên vai ba vốn đã nặng nay lại càng nặng nề hơn, má cháu đau ốm phải cố chăm sóc cháu, cháu buồn lắm bác ạ!

Cháu tự trách Bản thân mình sao vô dụng quá, đã không phụ đỡ được gì cho gia đình lại càng khiến cho ba má mình phải lo lắng khổ sở nhiều hơn. Sau khi sức khỏe dần hồi phục, tuy cũng chưa bớt hẳn nhưng vì nhớ học trò quá nên cháu xin vào trường tiếp tục công việc. Học sinh ở đây khác nhiều so với thị trấn nơi cháu ở lắm bác ạ, cả tuần cháu ở lại trường đến chiều thứ 7 mới về được tới nhà, trưa chủ nhật lại vào trường để đi vận động học sinh đến lớp.

Nhà các em nghèo lắm, quần áo cũng không có mặc, mỗi khi đông đến mặc mỗi chiếc áo mỏng tan, co ro, run lẩy bẩy nơi góc nhà, cha mẹ lại kém nhận thức, sinh con ra vứt đó, có lần lên vận động mà bố mẹ chẳng muốn cho con đi học, rồi nhìn cái cảnh học trò mặt mũi lem luốc ngồi vét cơm cháy trong xó bếp mà cháu không thể kiềm nén được cảm xúc. Mỗi lần đi vận động phải đến từng làng, từng nhà, rồi lên nhà đầm, có hôm các em trốn thầy cô phải rình, mò, núp, đủ kiểu để đưa các em về trường học bất kể mưa nắng, bất kể đường xá trơn trợt lầy lội.

Khi về trường tất cả mọi thứ từ việc dạy cho các em biết cái chữ đến cả việc tắm rửa, giặt giũ, ăn uống, giúp các em tự chăm sóc bản thân rồi ngay cả khi đau ốm thuốc men giáo viên đều lo hết đó bác ạ. Hằng ngày nhìn các em học hành tiến bộ cháu thật sự hạnh phúc, các em học sinh gọi cháu là " cô giáo"nghe mới thân thương làm sao nhưng cháu biết mình chẳng phải là giáo viên thật sự, đau lắm bác ạ!

Suốt những năm tháng dạy hợp đồng ở đây, đôi lúc cháu thầm nghĩ bản thân mình tuy nhà nghèo nhưng được sống trong tình yêu thương che chở của cha mẹ còn các em như vậy càng thôi thúc cháu phải cố gắng nỗ lực hết sức mình để phần nào đó giúp đỡ được các em.

Thế nhưng hiện thực như một cơn mưa ập tới cuốn trôi sạch tất cả, đợi đến lúc xét biên chế, một lần nữa cháu lại thất bại, ba lô với hành lý trên vai là sự tủi hổ, buồn bã, thất vọng vô bờ, cháu phải rời khỏi nơi này, nhường chổ cho người mới để tìm kiếm công việc khác. Cháu làm tất cả mọi việc để có thể nuôi sống bản thân cùng mơ ước phụ đỡ cho cha mẹ già.

Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, ông trời thật tàn nhẫn, bắt cháu nhận tin " sét đánh", ba cháu bị ung thư gan. Cháu khóc hết nước mắt, rồi chạy đi khắp nơi tìm thuốc về cho ba uống, nghe ai nói bài thuốc nào hay, cháu cũng áp dụng cho ba, cháu lục tung trên mạng để tìm các bài thuốc hay cho ba, suốt mấy tháng trời ròng rã bên ba, cả đêm ngủ cháu cũng chẳng thể chợp mắt, cháu lo cho ba nhiều lắm.

Nhưng giờ đây ba cháu đã không qua khỏi căn bệnh ung thư hiểm nghèo mà ra đi mãi mãi. Chỗ dựa kinh tế đồng thời là chỗ dựa tinh thần của cháu đã mất. Cháu bị suy sụp và khủng hoảng tinh thần trầm trọng, cháu thương ba lắm, cháu chưa kịp báo hiếu mà ba đã ra đi rồi. Đã có lúc cháu nghĩ đến chuyện cháu và má vào chùa sống để thanh thản và cũng để cầu siêu cho linh hồn ba. Vì cháu thất vọng về cuộc sống này quá: Ra trường bao nhiêu năm mà không xin được đi dạy: Thất nghiệp và thất nghiệp... nhưng rồi mọi người và bạn bè bên cạnh an ủi động viên, nghĩ đến mẹ già đau ốm liên miên thôi thúc cháu phải đứng dậy và tiếp tục cố gắng.

Với suy nghĩ: việc gì cũng làm miễn kiếm tiền bằng sức lao động của mình là được. Cháu xin bán hàng cho một siêu thị nhỏ ở gần nhà, hằng ngày tất bật chăm chỉ với công việc của mình và chăm sóc má nhưng mỗi lần gặp lại các em học trò cũ, nghe tiếng gọi thân thương, câu hỏi ngây ngô : "cô ơi, sao cô không dạy tụi em nữa mà cô lại bán hàng ở đây? ". Cháu chẳng biết phải trả lời sao nữa, nước mắt chỉ chực tuôn trào, rồi mỗi khi nhìn thấy các cô giáo khoác lên mình bộ áo dài đi vào mua hàng là lòng cháu lại quặn thắt, cháu thật sự rất yêu nghề, cháu nhớ học trò lắm, cháu thèm khát được đứng trên bục giảng một lần nữa.

Nhưng cơ hội cho cháu là rất ít, rất ít bác Bộ trưởng ạ. Cháu lo sợ quá, chẳng lẽ với gần 3 năm đi dạy hợp đồng, cùng với niềm đam mê cháy bỏng được đứng trên bục giảng, được dìu dắt các em học sinh vùng sâu, vùng xa của cháu mãi mãi không thành sự thực hay sao? Cháu hoàn toàn bế tắc và thất vọng. Cũng có lúc cháu muốn xin tình nguyện ra đảo để giảng dạy cho các em nhỏ trên đảo, để có tiền thuốc thang cho má, cháu cũng ý định là sẽ đi làm công nhân ở Bình Dương, nhưng má cháu nay già yếu lại bệnh tật triền miên nên không thể được.

Còn công việc ở siêu thị thì sắp cắt giảm nhân sự rồi. Cháu thức trắng nhiều đêm để suy nghĩ nhưng cháu không tìm ra đường đi. Bây giờ chỉ có bác là người có thể giúp cháu được thôi. Cháu mong bác giúp cháu được sống với ước mơ, được công nhận là một người giáo viên thật sự bác Bộ trưởng ạ!

Cháu biết có rất nhiều thầy cô đã từng bị "mất dạy"... chứ không riêng gì mình cháu. Nhưng giờ đây cháu bế tắc quá cháu viết những dòng này xin thiết tha khẩn cầu bộ trưởng có thể đọc được. Và mong bác bớt chút thời gian quan tâm đến trường hợp của cháu. Cháu xin thành thật biết ơn bác!

Cuối cùng cháu xin kính chúc bác thật nhiều sức khỏe và mong bác sẽ mang lại những đổi mới và phát triển toàn diện cho nền giáo dục nước nhà.

Cháu Lê Thị Mỹ Ý

Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn kbang, kbang, Gia Lai.

Quê quán: Quế Xuân, Quế Sơn, Quảng Nam.

Thiên Thư (ghi)