Có hai bằng ĐH, vẫn về quê lập nghiệp

Rời giảng đường đại học, thay vì đi kiếm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp như hầu hết bạn bè cùng trang lứa, chàng kỹ sư Phạm Văn Thành (thôn An Lãng, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) lại lựa chọn cho mình cách đi riêng.

Hai bằng đại học... về quê

"Dễ tìm lắm, cứ đi thêm khoảng 200 mét nữa, khi nào thấy cái xưởng bên cạnh đường, tiếng máy may kêu rào rào thì đó chính là xưởng của Thành. Dân xã này toàn gọi cậu ấy là Thành "may" vì xưởng may của cậu ấy tạo được nhiều việc cho bà con trong xã". Người dân nơi đây có vẻ đều rất quen thuộc và ngưỡng mộ chàng kỹ sư trẻ Phạm Văn Thành, người sở hữu hai khu xưởng sản xuất khang trang, diện tích vài trăm mét vuông, cùng những chiếc máy may hiện đại.

Thành tâm sự, mỗi người có một cách làm giàu, nhưng với Thành thì "không gì bằng được khởi nghiệp ở nơi chôn rau cắt rốn". Cũng vì ý nghĩ như vậy, thời gian đầu, Thành bị không ít người cho là "gàn dở". Thành có trong tay 2 tấm bằng đại học (một của trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội và một của trường ĐH Kinh tế Quốc dân), song lại chọn nông thôn làm nơi khởi nghiệp. "Người ta đi học đại học để thành ông nọ bà kia, công việc nhàn hạ, bám trụ lại thành phố, chỉ có dở người mới vậy!", Thành từng bị rất nhiều kẻ từng dè bỉu như vậy. Ngay bố mẹ đẻ cũng không ủng hộ Thành, phần vì chưa tin tưởng, phần vì người nói vào, nói ra.
 
Có hai bằng ĐH, vẫn về quê lập nghiệp
Chàng kỹ sư Phạm Văn Thành (thôn An Lãng, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).

Trở thành ông chủ từ 5 chiếc máy may

Thiếu sự ủng hộ, Thành đành ra nội thành làm thuê cho một công ty may xuất khẩu. Trong thời gian làm việc ở đây, Thành nảy ra sinh ý tưởng sẽ mở xưởng may ở quê để tạo việc làm cho người dân trong thôn, xã. Sau khi học "lỏm" được chút kiến thức về nghề may, cuối năm 2008, Thành quyết định thôi việc, về làng mở xưởng. Thấy con quyết tâm, bố mẹ cũng đồng ý cho Thành mở xưởng. Số vốn vay ngân hàng, cộng với huy động từ bạn bè chỉ đủ mua được 5 chiếc máy may. Thời gian đầu là giai đoạn hết sức khó khăn, xưởng nhỏ, thiết bị ít, chẳng ai yên tâm khi đặt đơn hàng tại một xưởng sản xuất mini như vậy.

Không chấp nhận thua cuộc, Thành tìm ra các chợ lớn tại trung tâm thành phố tìm những mối hàng chợ để duy trì công việc. Máy ít, để bảo đảm giao hàng đúng hạn, có ngày, Thành phải thức cùng công nhân làm việc suốt đêm, đến 4 - 5h sáng lại chở quần áo ra thành phố để giao cho kịp hẹn.

Với sự kiên trì cùng với chất lượng may ngày một nâng cao, đơn hàng về xưởng nhiều dần. Đến nay, xưởng chủ yếu làm những đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, EU... Từ chỗ chỉ có 5 máy, hiện xưởng đã trang bị được hơn 60 máy may, chưa kể hàng chục máy đầu tư cho công nhân mang về làm tại nhà. Xưởng may của Thành tạo được việc làm cho hơn 80 lao động, tất cả đều là những công nhân xuất thân nông dân chính gốc, với thu nhập ổn định từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài xưởng may, Thành đang tiếp tục đầu tư xây dựng xưởng sản xuất giày da, bắt đầu đi vào hoạt động.

Không chỉ quan tâm làm kinh tế, hằng năm, Thành còn phối hợp với trường Trung cấp nghề Kiến An mở lớp dạy nghề ngay tại xưởng cho nông dân và những người khuyết tật. Sau khi kết thúc khóa học, Thành tạo điều kiện giúp họ được làm việc tại xưởng, thậm chí, đưa máy may đến tận nhà giúp họ có việc làm, tự nuôi sống bản thân...

Làm ăn có hiệu quả, mô hình sản xuất của Phạm Văn  Thành được thanh niên nhiều nơi trong thành phố và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình đến học hỏi kinh nghiệm. "Giúp được người khác làm giàu chính đáng cũng là giúp đất nước thêm giàu mạnh. Mình thường chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, biết đâu mai này, trong số họ, có người lại trở thành những ông chủ lớn, thành bạn hàng của mình", Thành tâm sự.

Tôi chọn quê tôi để lập nghiệp

Đào Thị Lụa (Hưng Yên) - trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội: Ngay từ những ngày đầu chọn học ngành Khuyến nông và Phát triển nông thôn, tôi đã xác định học xong sẽ về quê làm việc. Bước sang đại học năm thứ 3, tôi biết cơ hội để xin được việc làm đúng ngành đúng nghề ở quê là không cao nhưng có một điều tôi chắc chắn Hưng Yên là nơi thích hợp nhất để tôi làm việc sau khi tốt nghiệp. Dù công nghiệp đang rất phát triển nhưng ở quê tôi, tỷ lệ làm nông nghiệp vẫn chiếm khá cao. Bà con nông dân quê tôi làm nông vẫn sơ sài, năng suất vẫn chưa cao. Những kỹ sư khuyến nông cùng bàn bạc sinh kế, định hướng với bà con để trồng trọt và chăn nuôi có năng suất và chất lượng cao là cần thiết. Gia đình tôi có một trang trại chăn nuôi nho nhỏ đợi tôi trở về để phát triển. Với những kiến thức đã được học ở trường, tôi tự tin mình có thể làm tốt những công việc này. Vả lại, là con gái, tôi cũng rất mong muốn sau này được làm việc và xây dựng gia đình gần bố mẹ, anh em ở quê hương mình.

Nguyễn Hải Hà (Bắc Kạn) - trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam: Trở thành kỹ sư ngành Lâm học trong tương lai không xa, tôi thấy mình cần có trách nhiệm hơn với công cuộc bảo vệ và phát triển rừng tại quê hương mình. Sau khi học xong, tôi sẽ trở về Bắc Kạn làm việc và tôi thực sự muốn được làm những công việc liên quan đến ngành Lâm học tôi đang theo học. Mong ước của tôi đầu tiên là làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân về rừng. Khi thấy được lợi ích lâu dài của rừng mang lại, người dân sẽ không vì cái lợi trước mắt mà tàn phá rừng, nhất là những khu rừng nguyên sinh đầu nguồn. Giúp dân bảo vệ, phát triển và làm giàu với việc trồng rừng cũng là điều tôi muốn thực hiện. Xa hơn, tham vọng của tôi là gây dựng được một doanh nghiệp tại địa phương, vừa thu mua những sản phẩm từ rừng trồng, tạo đầu ra cho việc khai thác rừng hợp pháp vừa tạo công ăn việc làm chính đáng cho đối tượng lao động là thanh niên ở địa phương. Và tôi tin, ở Bắc Kạn, giấc mơ của tôi sẽ trở thành hiện thực!

Lê Văn Biên (Hải Dương) - trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Vừa tốt nghiệp loại khá ngành Khoa học và Công nghệ vật liệu của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi nhận ngay được lời mời của một doanh nghiệp khai khoáng tại Hải Dương. Mức lương hấp dẫn không kém gì các các doanh nghiệp ở các thành phố lớn cộng thêm những ưu đãi cho con em địa phương của quê hương tôi đã thôi thúc tôi từ bỏ giấc mơ đi đến những nơi xa xôi khác của đất nước. Là thanh niên, cuộc sống an nhàn, ổn định ngay sau khi ra trường có vẻ có đôi chút nhàm chán. Nhưng nghề của tôi thì làm việc ở đâu cũng có thể tha hồ tìm tòi, khám phá. Vậy thì cần gì phải đi đâu xa để thỏa chí vẫy vùng, trong khi, quê hương đang thực sự cần mình? Tôi đang nhanh chóng hoàn thành hồ sơ và thu xếp để trở về quê làm việc.

Nguyễn Thị Huyền Trang (Quảng Ninh) - du học sinh tại Nhật Bản : Tôi chọn du học ở Nhật để rèn rũa và nâng cao thêm tiếng Nhật. Dự định của tôi là sau khi học xong sẽ trở về Quảng Ninh và phát triển ngành du lịch tại Hạ Long quê hương tôi. Cần gì phải làm việc ở đâu xa khi chính quê hương tôi là nơi có nhiều cơ hội và tiềm năng nhất để tôi phát triển sự nghiệp. Tôi đã lên kế hoạch cụ thể với vài người bạn học du lịch và quản trị kinh doanh ở trong nước. Chúng tôi sẽ mở một công ty chuyên về du lịch tại Quảng Ninh, hợp tác chủ yếu với đối tác người Nhật. Làm giàu cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đem lại lợi ích cho quê hương là mong muốn của tôi. Và tôi tin, mình sẽ thành công!

Hoài Thương

 
Theo Phạm Cường
Sinh Viên Việt Nam