Cô học trò xứ Thanh đạt giải Nhì quốc gia môn Lịch Sử

(Dân trí) - Luôn là học sinh giỏi toàn diện thế nhưng em Trần Thị Hợi (học Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) lại chọn cho mình con đường đi theo môn Lịch Sử. Cô học trò đam mê Lịch Sử vừa giành giải Nhì quốc gia môn này.

“Cô đã thổi hồn cho em tình yêu Lịch sử”

Có dịp gặp em Trần Thị Hợi trong buổi sơ kết học kỳ I tại trường, ấn tượng về nữ sinh đạt giải Nhì Quốc gia môn Lịch Sử là đôi mắt đầy thông minh và cá tính.

Hợi sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo thuộc xã Quảng Nhân (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Là con út trong gia đình, ngoài giờ lên lớp em thường ra đồng giúp bố mẹ. Khó khăn là vậy nhưng suốt quá trình đi học, em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và học sinh giỏi. Đặc biệt, 3 năm học cấp ba, Hợi luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Niềm đam mê môn Lịch Sử của em Trần Thị Hợi bắt nguồn từ cách giảng bài của cô giáo.
Niềm đam mê môn Lịch Sử của em Trần Thị Hợi bắt nguồn từ cách giảng bài của cô giáo.

Chia sẻ về nguyên nhân học giỏi toàn diện nhưng lại chọn theo môn Lịch Sử, Hợi cho biết: “Cơ duyên” khiến em không chọn cho mình cách đi theo các môn tự nhiên đó là khi em được học môn Lịch Sử với cô giáo Vũ Thị Hồng. Cô đã “thổi hồn” vào môn Lịch Sử khiến càng ngày học với cô, em lại như đam mê hơn, yêu thích hơn môn học này. Chính niềm đam mê và yêu thích đó đã cuốn em theo". 

Từng có ý nghĩ nản lòng khi xác định cho mình theo các môn xã hội. Hợi bảo em nghe nói học những môn xã hội thì sau này ra trường rất khó xin việc nhưng cuối cùng niềm đam mê đã khiến em chiến thắng suy nghĩ ấy và em đã quyết tâm học môn Lịch Sử bằng tất cả niềm đam mê của mình.

Ngày được chọn tham gia đội tuyển quốc gia, Hợi đã được cô giáo đón lên tận nhà. Hai cô trò cùng miệt mài ôn luyện và đặt quyết tâm sẽ chinh phục bằng được môn thi này.

Nói về thành tích của mình, Hợi xúc động: “Nếu không có cô thì có lẽ em đã chẳng có niềm đam mê môn Lịch Sử đến như thế và cũng vì cảm động trước những gì mà cô đã dành cho em nên em đã hứa với bản thân cố gắng hết sức mình để không phụ lòng mong đợi của cô. Khi vào phòng thi, lo lắng và hồi hộp khiến em quên hết nhưng nhớ lại những giây phút hai cô trò chong đèn cùng nhau ôn luyện, em đã bắt đầu lấy lại tinh thân và cứ thế những kiến thức mà cô truyền đạt lại văng vẳng bên tai”.

“Học Lịch Sử không hề khó!”

Nữ sinh xứ Thanh đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử đã khẳng định như vậy. Hợi cho biết: “Lịch Sử cũng không hề khô khan và cũng không khó như nhiều bạn từng nghĩ. Cơ bản là các bạn tiếp cận môn Lịch Sử như thế nào, cách ghi nhớ ra sao thôi”.

Với Hợi, mỗi một mốc sự kiện em thường liên hệ đến những câu chuyện lịch sử để giúp nhớ nhanh và nhớ lâu. Em luôn vận dụng xâu chuỗi, kết nối kiến thức của nhiều bài. Sử không phải học thuộc lòng theo kiểu “học vẹt” mà cần phân tích, vận dụng tư duy. 

Những giai đoạn nào có nhiều sự kiện khó nhớ, Hợi thường viết ra giấy thành một hệ thống để dễ học. Em thường phải nghiên cứu tài liệu trước tiết học, nghe cô giáo giảng và hình dung ngay trên lớp cũng là cách giúp học hiệu quả.

Hợi cũng khẳng định việc hiện nay học sinh có đam mê môn Lịch Sử hay không còn phụ thuộc vào chính giáo viên dạy môn học đó. Và nếu có cách dạy Lịch Sử bằng phương pháp cho học sinh dã ngoại tiếp cận các di tích lịch sử sẽ khiến môn học không còn khô khan và biến nỗi ám ảnh môn Lịch Sử thành môn yêu thích của rất nhiều học sinh.

Niềm đam mê môn Lịch Sử của em Trần Thị Hợi bắt nguồn từ cách giảng bài của cô giáo.
Em Trần Thị Hợi cùng cô giáo hướng dẫn nhận phần thưởng khi em giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Lịch Sử.

Với thành tích đạt giải Nhì học sinh giỏi quốc gia, Hợi được chọn vào học một trường yêu thích thế nhưng cô học trò nghèo này vẫn quyết tâm thử sức mình với Trường ĐH Luật Hà Nội.

Chia sẻ về cô học trò đam mê Lịch Sử, cô giáo Vũ Thị Hồng - giáo viên hướng dẫn môn Lịch Sử của em Hợi cho biết: “Hợi là một học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt với môn Lịch Sử, em nhớ rất giỏi. Do học tốt các môn tự nhiên nên lối tư duy của em khá chặt chẽ khi áp dụng làm bài Lịch Sử. Em cũng là một học sinh có sự bứt phá mạnh mẽ. Trước đây, em chưa từng yêu thích môn Lịch Sử và cũng không biết mình có khả năng học được môn này thế nhưng khi tôi quyết định chọn em đi thi, em đã thể hiện hết khả năng của mình. Tôi thật sự không bất ngờ lắm khi biết tin em đạt giải Nhì vì với năng lực của em, tôi nghĩ em xứng đáng được như vậy”.

Nguyễn Thùy