Có nên “chạy trường” đầu cấp bằng mọi cách?

(Dân trí) - “Tôi không đồng tình với khái niệm chọn trường. Việc chọn trường được hiểu là chọn gì phù hợp với con chứ không phải chạy theo tiêu chí của xã hội”, một số chuyên gia chia sẻ ý kiến về việc chọn trường đầu cấp.

Ông Phạm Ngọc Tiến - Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Sở GD&ĐT TPHCM: “Không còn khái niệm trường điểm”

Theo tôi, hệ thống trường nhất là trường công lập hiện nay, chất lượng cũng tương đương nhau. Nếu chọn, ưu tiên số 1 là trường gần nhà và phù hợp lực học các em.

Tôi biết có nhiều trường điểm đầu vào thấp nhưng do đó các thầy cô ở trường rất cố gắng nỗ lực nâng cao việc dạy học nên có thể nói chất lượng các trường ở thành phố khá đồng đều nên không còn khái niệm trường điểm nữa. Đặc biệt, các trường có cơ sở vật chất yếu thì được ưu tiên đầu tư hơn nên cơ sở vật chất đang tiến đến đồng đều hơn.

Ông Phạm Ngọc Tiến Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học- Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh (ảnh: website Sở GD&ĐT TPHCM)
Ông Phạm Ngọc Tiến Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học- Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh (ảnh: website Sở GD&ĐT TPHCM)

Nếu cứ lao vào trường có sĩ số đông, sự quan tâm của giáo viên dành cho học sinh nhiều khi không bằng những trường có sĩ số thấp. Vì thế, cố mọi cách để vào trường không phù hợp năng lực, sau một thời gian theo không kịp lại thành ra lợi bất cập hại.

Năm nay, ở TP Hồ Chí Minh, tình hình tuyển sinh đầu cấp khá căng thẳng bởi tăng dân số cơ học khá cao. Theo thống kê, cứ năm sau, tỉ lệ lại tăng lên so với năm trước hàng triệu học sinh/cấp học. Trong khi đó, trường lớp không “nở” ra nhiều nên khá căng. Căng thẳng nhất vẫn là cấp mầm non, đến tiểu học và cuối cùng, cấp THPT dễ thở nhất.

TS Chu Cẩm Thơ (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): “Tôi không đồng tình với khái niệm chọn trường”

Tôi không đồng tình với khái niệm chọn trường. Việc chọn trường được hiểu là chọn gì phù hợp với con chứ không phải chạy theo tiêu chí của xã hội.

Ví dụ, một đứa trẻ tài năng, có thể phù hợp với trường chuyên lớp chọn nhưng có những đứa trẻ không ở mức độ đó mà cứ gò ép thì không phải biện pháp tốt nhất với chúng.

Bản thân mình cũng vậy, điều quan tâm nhất với tụi trẻ nhà tôi là sức khỏe và được đi học ở ngôi trường không quá xa. Hàng ngày các cháu đi bộ đi học nên không phải tham gia giao thông nhiều nên có điều kiện tham gia rèn luyện các hoạt động ngoại khóa...


TS Chu Cẩm Thơ - giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội.

TS Chu Cẩm Thơ - giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội.

Đến khi lên THCS, về việc chọn trường tôi muốn nói với các bố mẹ ở đây, khi con bước vào tuổi dậy thì, bố mẹ đã quan sát được khả năng của con nên quan điểm của tôi là tư vấn cho con phù hợp với cái gì. Chọn trường theo nghĩa đấy chứ không phải bằng mọi giá lao vào trường chuyên lớp chọn hoặc trường điểm.

Nếu nói về kiến thức, tôi nghĩ kiến thức của lớp nào cũng quan trọng, cấp nào cũng quan trọng và cái sau tiếp nối của cái trước. Tuy nhiên, có thể do tôi là người nghiên cứu nên quan điểm định hướng của tôi rất rõ ràng: Kiến thức không phải mục tiêu cuối cùng của giáo dục.

Mọi người không chỉ sống vì kiến thức mà bằng năng lực của mình, bằng những gì tích lũy được từ việc học và trong cuộc sống. Vì thế, nếu chỉ nói về kiến thức không thôi thì vô tình làm hẹp những gì mình phải có để tồn tại và phát triển.

Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, có 3 giai đoạn quan trọng để gieo hạt giống cho mỗi đứa trẻ. Giai đoạn đầu đời ở trong bào thai đến khoảng 4, 5 tuổi. Giai đoạn này, quan trọng nhất các con được chăm lo về sức khỏe.

Giai đoạn 2 là giai đoạn chuẩn bị cấu trúc tâm lý cho con trước khi hòa nhập với xã hội, đó là giai đoạn dậy thì. Và sau giai đoạn dậy thì là giai đoạn các con bước vào xã hội như một chủ thể, hay còn gọi là giai đoạn vị thành niên.

Khi phân tích theo diễn tiến này, các con có sự chuyển biến rất lớn qua các thời kì khi chuyển đổi môi trường sống. Vì thế, nói một cách toàn diện, bố mẹ không bao giờ được rời các con trong quá trình phát triển bởi giáo dục gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống phát triển của một con người.

Bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học- Sở GD&ĐT Đà Nẵng: “Học trường gần nhà sẽ có nhiều thời gian để phát triển các kĩ năng”

Quan điểm của tôi, phụ huynh nên chọn trường gần nhà để tiện việc đưa đón học sinh của cha mẹ. Điều kiện học tập không phải như nhau hết tất cả. Về điều kiện, phương tiện học tập hiện nay đều đã được quan tâm đầu tư rất nhiều nên có thể nói mặt bằng chung các trường gần như ngang nhau, nhất là khối trường tiểu học.


Bà Hồ Thị Cẩm Bình - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Đà Nẵng).

Bà Hồ Thị Cẩm Bình - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Đà Nẵng).

Tuy nhiên, do tâm lý phụ huynh học sinh vẫn thích vào trường điểm, trường danh tiếng nên mới có chuyện chạy trường, chạy lớp.

Với trường cấp 2, hiện trên địa bàn Đà Nẵng không còn trường chuyên nên tôi nghĩ ở khối học này, các em vẫn nên học trường gần nhà và phù hợp sức học là tốt nhất để tiện cho việc đi học.

Tôi làm việc ở lĩnh vực tiểu học, tuy nhiên với tư cách là cá nhân và cũng là một phụ huynh, tôi cho rằng học sinh không chỉ có học kiến thức không thôi. Các em có thể học ở đó với chương trình như nhau nhưng ngoài ra có thể đăng kí nhiều hoạt động khác bên ngoài để phát triển toàn diện. Và nếu các em học trường gần nhà, chắc chắn sẽ có nhiều thời gian để phát triển các kĩ năng ấy.

Mỹ Hà (ghi)

(Email:myha@dantri.com.vn)