Có “oan” cho những thí sinh làm 2 phần tự chọn?

(Dân trí) - Mặc dù trong đề thi tốt nghiệp quy định rất rõ về phần tự chọn, song không ít thí sinh vẫn làm một lèo hết cả hai. Sự “ngẫu hứng” hay sự cố ý này đều phải trả một giá đắt: Đó là sẽ bị huỷ bài thi môn đó, đồng nghĩa với việc trượt tốt nghiệp lần 1 và mất cơ hội dự thi ĐH, CĐ năm nay.

Để giải toả những bức xúc của nhiều bạn thí sinh cho rằng, nếu làm “mạnh tay” như vậy thì các em trượt tốt nghiệp THPT quá “oan”, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục:

Thưa ông, rất nhiều thí sinh đã làm cả hai phần tự chọn và sẽ bị trượt tốt nghiệp THPT lần 1. Như vậy liệu có “công bằng” cho các em?  

Tôi không đồng tình chuyện các em cứ “than phiền” về vấn đề “oan” trong việc mình “nhỡ” làm cả hai phần…

Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định và đã đăng tải công khai thông tin trên các báo, đài về việc thí sinh làm cả hai phần tự chọn sẽ vi phạm quy chế và bị huỷ bài thi.

Bên cạnh đó, trong ngày làm thủ tục thi dự thi, các giám thị đã phổ biến rất rõ điều này.

Do đó việc nhiều em làm cả hai phần tự chọn là lỗi của các em, nên các em phải chịu trách nhiệm với lỗi sai đó của mình chứ không có chuyện “oan” ở đây.

Liệu có phải là do đề thi không ghi rõ ràng nên các em vẫn bị nhầm lẫn không, thưa ông?  

Tôi có thể khẳng định, đề thi đã ghi rất rõ ràng không thể vì đề thi mà nhẫm lần được. Trong đề, ở phần tự chọn có ghi rất rõ và chắc chắn thí sinh biết điều đó.

Ví dụ ở đề thi toán dành cho học sinh Trung học phổ thông phân ban ở phần tự chọn dành cho ban KHTN có ghi: “Thí sinh ban KHTN chọn câu 5a hoặc câu 5b”.

Đề rõ ràng như vậy mà vẫn làm cả hai phần thì theo tôi đánh giá là do các em cố tình làm như vậy để gian lận chứ không phải là do “ngẫu hứng”. 

Vừa qua có thông tin một số Sở GD-ĐT gửi công văn xin Bộ GD-ĐT “nhẹ tay” với thí sinh làm cả hai phần tự chọn bằng hình thức: Không chấm phần tự chọn mà chấm phần chung để đảm bảo quyền lợi của các em, ông có ý kiến gì về vấn đề này?  

Tôi có thể khẳng định không có chuyện “nhẹ tay” ở đây và chắc chắn không thể chấp nhận giải pháp của các Sở đưa ra. 

Tôi xin nhắc lại, Bộ GD-ĐT hoàn toàn tạo điều kiện cho các thí sinh nếu các em làm đúng, còn đối với những thí sinh không làm đúng nguyên tắc thì chắc chắn sẽ bị xử lý.  

Sở dĩ tôi nói vậy là do có nhiều thí sinh làm đúng nguyên tắc nhưng có những sai sót ngoài dự kiến ví dụ ghi sai tên, quên ghi số báo danh… thì chúng tôi hoàn toàn tạo điều kiện cho các em bằng cách vẫn chấm điểm bài thi và sẽ hậu kiểm để đảm bảo quyền lợi cho các em. Tuy nhiên, việc hậu kiểm không phải lúc nào cũng thực hiện được. Chúng tôi không thể chạy theo cái sai của các em mà lỗi lại do chính các em gây ra. 

Ngay như cả chuyện thí sinh cứ đổ lỗi là do giám thị ghi thiếu, ghi nhầm… thì thật sự tôi không hiểu nổi. Các em là người dự thi thì phải có trách nhiệm trong việc kí nộp bài, ghi mã đề cho đúng... để đảm bảo quyền lợi cho mình chứ không phải lúc nào cũng dựa vào giám thí để biện minh cho sai phạm của mình.   

Như vậy, chắc chắn những thí sinh làm cả hai phần tự chọn sẽ bị trượt tốt nghiệp THPT lần 1, nhưng liệu các em có được tham dự kì thi tốt nghiệp THPT lần 2?  

Các thí sinh vi phạm vì lỗi làm cả hai phần tự chọn chắc chắn sẽ được tham dự kì thi tốt nghiệp THPT lần 2 vì quy chế thi không quy định làm cả hai phần tự chọn sẽ không được thi lần 2. 

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng
 (Thực hiện)