"Cò" phao thi

Sau 5 phút biến vào trong ngõ cùng với chiếc xe đạp cà tàng, ông trở ra với ba bộ phao ruột mèo giá 30.000 đồng một bộ mà theo ông là “giúp thôi chứ tôi chả được gì”.

Mùa thi đại học, cao đẳng năm nay, các địa điểm vốn nóng bỏng về tình hình mua bán phao thi như đường Tạ Quang Bửu, khu Đại học Kinh tế Quốc dân... dường như yên ắng hơn. Không còn cảnh mua bán tấp nập, chèo kéo khách đi đường nữa. Phải chăng, chợ phao đã hết thời?
 
Sau một hồi lòng vòng quanh các quán photo mọc dày đặc phía sau Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng hỏi mua phao thi, tôi đều nhận được những cái lắc đầu vẻ “không thèm bắt chuyện”.

Đinh ninh chợ phao đã bị xóa sổ, tôi chuyển hướng, ghé vào một trung tâm luyện thi trong ngõ 30 phố Tạ Quang Bửu hỏi một lớp ôn thi cấp tốc. Người phụ nữ ngồi bên bàn tuyển sinh liến thoắng giới thiệu tên tuổi các thầy cô uy tín đang dạy tại trung tâm này.

Thấy tôi giãi bày “có nhu cầu” mua phao sau khi ôn cấp tốc cho chắc ăn, người phụ nữ đon đả: “Em tìm đúng chỗ rồi đấy. 30.000 đồng một môn, lấy thì chị về lấy cho”.

Tôi chê đắt thì chị giải thích: “Đắt một tí nhưng yên tâm, toàn các thầy giỏi làm chứ chị có nghĩ ra đâu. Chị cũng phải đi lấy chỗ khác về, mỗi môn chỉ được cốc nước thôi. Chị bớt cho 5.000 đồng, giá “mềm” nhất rồi đấy. Em đi cả ngõ này, chả ai bán cho em đâu”. Phóng xe đi, tôi còn nghe tiếng chị gọi với theo: “80.000 đồng, mua không?”.

Ghé vào một quán trà đá, sau khi lân la hỏi chuyện, tôi được ông chủ quán chỉ đến một quán photo quen ở đầu đường Tạ Quang Bửu.

Người thanh niên trông cửa hàng sau cái nhìn dò xét liền lách mình chui vào trong chiếc quán với chiều ngang chỉ vừa đủ để một máy photo và một người chui qua. Sau vài phút lục lọi, anh ta lôi ra một bọc ni lông với đủ các loại phao.
 

"Cò" phao thi - 1

Phao khối A được photo thu nhỏ từ các sách lý thuyết và sách giải bài tập, bán với giá 20 nghìn một môn. Khối C là loại ruột mèo, bán với giá 25 nghìn một môn. Chủ quán nói thêm: “Nếu lấy nhiều thì ngày mai qua. Bây giờ phao bán ế ẩm nên bọn anh không tích trữ nhiều”.

Thấy tôi nhìn với vẻ dò xét, chủ hàng thanh minh: “Đây là số phao tồn sau đợt thi tốt nghiệp. Nếu muốn lấy hàng mới, “chuẩn” hơn, có cả phao trắc nghiệm cho khối A thì tuần sau đến mới có”.

Tại một quán trà đá khác gần khu bể bơi Đại học Bách khoa, ông chủ quán vẻ thành thạo nói với một sĩ tử cằm lởm chởm râu ria: “Muốn mua phao gì thì cứ đến đây, tôi lấy hộ cho, bao nhiêu cũng được. Vào cửa hàng photo hỏi thì đến bao giờ mới mua được”.

Sau 5 phút biến vào trong ngõ cùng với chiếc xe đạp cà tàng, ông trở ra với ba bộ phao ruột mèo giá 30.000 đồng một bộ mà theo ông là “giúp thôi chứ tôi chả được gì”.

Theo một người dân ở đây thì mấy năm trở lại đây, thi cử ngày càng chặt chẽ nên khách mua phao cũng ít đi, chợ phao có vẻ im ắng hơn. Khách mua hàng chủ yếu là những sĩ tử dày dặn kinh nghiệm chốn trường thi, nhưng kiến thức ngày càng “cùn”. Chợ phao năm nay hoạt động phần lớn thông qua các “cò” chứ không bán trực tiếp.

Khách có nhu cầu phao gì, bao nhiêu thường phải nhờ mấy người bán hàng nước hoặc bơm vá xe đi lấy hộ. Tuy nhiên, gần đến đợt thi tốt nghiệp hay thi đại học thì các “cò” mới xuất hiện nhiều, và mời chào khách đi đường.

Giá phao thi thì ngày càng đắt lên, phần vì “biến động theo giá cả thị trường”, phần do phải qua tay các “cò”. Phao bao diêm, đa số được photo thu nhỏ từ các sách giáo khoa, giá khoảng 20.000 đồng; phao ruột mèo, bé và tiện lợi hơn giá từ 25-40.000 đồng.

Cùng với vẻ bề ngoài lặng lẽ của chợ phao thì lực lượng an ninh địa phương cũng có vẻ im hơi lặng tiếng. Chợ phao cũng dễ dàng qua mắt những chiếc xe tuần tra thảng hoặc mới lượn qua.

Ông Lưu Quang Bá, Phó trưởng Công an phường Bách Khoa thì khẳng định: “Khoảng 2-3 năm nay, chợ phao phường Bách Khoa đã… tự tan rã do phương pháp ra đề thi mới theo hình thức trắc nghiệm và việc coi thi ngày càng gắt. Trên địa bàn phường Bách Khoa hiện không còn tình trạng mua bán phao thi nữa”.

Tuy nhiên, ông Bá cũng cho biết, nếu có hiện tượng lén lút như trên thì lực lượng an ninh cũng khó phát hiện và xử lý, do lực lượng còn mỏng và các các đối tượng mua bán rất kín đáo.

Rời một cửa hàng photo, với một bộ phao thi là một bản photo bằng khoảng 1/8 quyển sách giáo khoa, tôi mới biết, chợ phao vẫn “âm thầm” hoạt động. Và việc xóa sổ chợ phao không phải dễ nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt, triệt để.

Người chịu thiệt thòi nhất, có lẽ vẫn là các em học sinh, bởi phao thi có thể sẽ đưa được các em vào cổng trường đại học, nhưng liệu có nâng đỡ được các em trong trường đời đầy sóng gió?

Theo Hà Loan
An Ninh Thủ Đô