Cô sinh viên lớn lên từ Trung tâm bảo trợ trẻ em

(Dân trí) - Từ một cô bé cùng mẹ mót cá sống qua ngày, Lê Thị Hiệp đã trở thành cô sinh viên năm 2 ngành cử nhân tiếng Pháp (ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng). Không những thế, cô bé còn là một bí thư đoàn được thầy cô và bạn bè tin tưởng, yêu mến.

Nhà Hiệp ở Cầu Hai (Huế), bố bỏ mấy mẹ con đi theo người đàn bà khác. Mấy mẹ con Hiệp phải dìu dắt nhau vào Đà Nẵng kiếm ăn. Ban ngày mấy mẹ con đi mót cá ở chợ Bến Cá, bữa nào không có cá thì đi xin. Tối về trèo lên mấy tấm sạp bán hàng của người dân bán ở chợ để ngủ. Bữa nào may mắn thì có ăn, còn không thì phải nhịn đói.

“Những ngày đó cực lắm chị ạ. Nhiều khi nghĩ lại mà tủi. Nhiều hôm đang ngủ ngon lành phải loạng quạng chạy trốn vì sợ công an bắt”, Hiệp tâm sự.

Thế rồi bố Nguyễn Rân (Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố) đã tìm thấy Hiệp đưa em về trung tâm, cho ăn cho học. Những năm học phổ thông, năm nào Hiệp cũng là học sinh giỏi. Ban đầu em học ngoại ngữ là tiếng Anh nhưng đến lớp 12, bắt đầu thấy thích tiếng Pháp nên chuyển qua học tiếng Pháp. Tuy thời gian học ngắn ngủi nhưng Hiệp đã đậu vào trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng ngay từ năm đầu.

Năm học vừa rồi kỳ nào Hiệp cũng được nhận học bổng loại giỏi. Ngoài giờ đi học Hiệp còn nhận dạy gia sư. “Em đi dạy kèm mục đích vừa kiếm thêm thu nhập nhưng cũng để trau dồi kiến thức cho mình”.

Ở lớp, Hiệp là một cô bí thư hoạt động năng nổ, tích cực được nhiều thầy cô biết đến, bạn bè trong lớp ai cũng tin tưởng và ủng hộ. Hiệp khoe: “Hồi học phổ thông em đã từng làm bí thư nên bây giờ cũng quen việc”.

Ngay khi vào đại học, Hiệp đã viết giấy đề nghị lên khoa, cho phép Hiệp thành lập một nhóm sinh viên giúp đỡ các em ở Trung tâm bảo trợ trẻ em và được khoa đồng ý. “Em muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ các em mình. Mong cho bọn trẻ có điều kiện học tập để sau này có được việc làm tốt khỏi khổ”. Mỗi khi rảnh rỗi là Hiệp dạy cho các em học bài. Bọn trẻ trong nhà đứa nào cũng quý chị Hiệp.

Hiệp còn nhận dịch thư từ tiếng Pháp qua tiếng Việt của các tổ chức từ thiện nước ngoài gửi về cho các em nghèo, mồ côi, trẻ em đường phố… và ngược lại. Hôm tôi đến Hiệp đang dịch thư của những người trong Tổ chức Xuân (Pháp) gửi cho các em mồ côi ở Huế.

“Dịch thư vừa làm cầu nối cho mọi người có thể hiểu nhau hơn, làm cho những tấm lòng, những con người từ thiện và chúng em càng gần gũi nhau hơn. Hơn nữa em lại có thêm điều kiện để làm quen với nhiều từ mới. Mỗi lần dịch như thế sẽ nhớ lâu hơn. Em rất thích công việc này”, Hiệp cười.

Hai tháng hè vừa qua Hiệp vào TPHCM làm cho một công ty dịch vụ lễ tân theo phong cách Pháp và được mọi người trong công ty đánh giá cao. Mới vào nhưng Hiệp cũng tự mình “mày mò” với công việc chứ không có ai bày dạy cả. “Em thấy làm thế nào đúng là em làm. Mãi hai tuần sau chị giám đốc đi công tác nước ngoài về rồi mới hướng dẫn cho em”. 

Công việc của Hiệp là đại diện cho công ty đi ký kết các hợp đồng. “Em thấy hình thức kinh doanh của công ty này rất hay. Các nhân viên được đào tạo bài bản theo phong cách Pháp chứ không như một số nơi khi cần nhân viên lễ tân thì thường thuê sinh viên ngoại ngữ đi làm, họ chưa được đào tạo nhiều nên hiệu quả không cao”.

Tiếp cận với môi trường kinh doanh, Hiệp đã làm quen với thế nào là cổ phiếu, thế nào là chứng khoán. “Em bắt đầu thích kinh doanh. Hè sang năm lại vào TPHCM để làm tiếp. Sau khi ra trường em sẽ tiếp tục làm một thời gian để tích luỹ vốn. Có ít vốn em sẽ ra lại Đà Nẵng mở công ty đưa các em ở trung tâm vào làm”.

Khánh Hồng