Cô sinh viên mồ côi ham học

(Dân trí) - Mỗi ngày trôi qua đối với Hoàng Thị Phượng, cô SV năm thứ 2 khoa Văn trường ĐH Sư phạm Huế là chuỗi vật lộn với cuộc sống khó khăn. Nhưng cô bé mồ côi ấy luôn nỗ lực vươn lên, gắng học hành giỏi giang để đền đáp sự chia sẻ của bao người.

Tuổi thơ buồn khó

Phượng sinh ra trên vùng quê quanh năm gió Lào cát trắng ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cha bỏ đi từ khi Phượng còn rất nhỏ, tuổi thơ của cô bé không có vòng tay nâng đỡ mạnh mẽ của cha, lại phải chịu tiếng nói móc “đồ không có bố” của xóm làng, bè bạn.

Mẹ Phượng quyết định không đi bước nữa để lo cho con. Là nông dân nghèo, mẹ Phượng dù cố gắng làm lụng cũng không lo đủ cho gia đình. Lớn lên trong nghèo đói, thiếu thốn lại hay đau ốm, cô bé Phượng nhỏ choắt bị đặt biệt danh “Phượng còi”. Hàng ngày, một buổi “còi” đi bộ mấy cây số cát bỏng đến trường, một buổi ra đồng giúp mẹ.

Sống trong cái khổ, Phượng luôn ý thức học để thoát nghèo. Suốt 12 năm học, Phượng luôn đạt học sinh giỏi, thi năm nào cũng đạt giải huyện. Năm lớp 9, Phượng đạt giải ba văn cấp tỉnh và được chọn vào trường chuyên văn Hà Tĩnh. Đây là ngày tháng Phượng phải sống xa nhà 40 km và thiếu thốn đủ bề, cô vẫn gắng học và nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn trên quê nhà.

Nhưng khi Phượng lên lớp 11, đang dốc sức cho thi đại học thì mẹ cô bắt đầu bị bệnh ung thư phổi. Nhà nghèo, mẹ Phượng chỉ uống thuốc nam cho qua và giấu không cho con biết bệnh tình của mình. Khi bệnh mẹ phát nặng, Phượng mới hay biết và đã định nghỉ học theo người bà con xa đi làm. Thương con, mẹ xin chuyển về nhà chữa kéo dài. Thế là Phượng vừa chăm mẹ ốm vừa gắng ôn thi đại học.

Khi Phượng nhận giấy báo nhập học trường Đại học Sư phạm Huế cũng là lúc mẹ cô nằm liệt giường. Vào học hai tuần chưa ổn chỗ, ổn lớp thì Phượng hai lần phải đi về vì mẹ quá ốm. Lúc mẹ ra đi, trăng trối duy nhất là mong Phượng dù thế nào cũng đừng bỏ học.

Cô sinh viên mồ côi ham học - 1

Khi rảnh, Phượng lại về chùa Kim Quang xin tình nguyện bốc thuốc từ thiện và quét chùa. (Ảnh: Văn Đình).

Học vượt lên hoàn cảnh

Lúc này, người thân duy nhất của Phượng chỉ còn người bà 90 tuổi bị đãng trí nặng, tài sản là căn nhà cũ nát. Bà con góp được ít tiền cho Phượng vào Huế, thầy cô, bạn bè động viên Phượng đi học lại.

Rồi may có cô giáo Tình Nhi nhờ mối quen đã liên lạc được cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là công nhân may trong TPHCM nhận cấp cho Phượng mỗi tháng ba trăm ngàn tiền học. Được sự nâng đỡ này, Phượng quyết tâm nắm lấy cơ hội vượt lên số phận.

Số tiền không đủ mưu sinh giữa thành phố, Phượng tìm mọi cách làm thêm để có thể trụ học. Các bạn cư xá đã quen lịch đi sớm, tối ăn cơm muộn của Phượng. Sáng đi gia sư ở ngoại thành, chiều học xong lại đến quán làm và tối mịt mới về. Khi rỗi, Phượng lại về chùa Kim Quang xin tình nguyện bốc thuốc từ thiện và quét chùa.
 
“Em làm ở quán cà phê lương ít lắm. Nhưng em cố làm mong được đồng nào đỡ đồng nấy. Đến mùa thi thì em phải nghỉ. Làm gia sư cũng chỉ được 200.000 đồng/tháng vì giờ cũng lắm người dạy gia sư”, Phượng tâm sự.

Kỳ vừa rồi nhận tiền học bổng và trợ cấp thấy tạm đủ cho việc học, Phượng bớt làm thêm để dốc sức cho học hành dẫu biết sẽ rất khó xoay xở khi sống giữa thành phố mà giá cả ngày một tăng với nguồn tiền ít ỏi này.

Mong ước giờ đây của Phượng là gắng học thật tốt và ra trường để về làm giúp bà. Bà Phượng đã yếu lắm. Và Phượng còn mong có ngày được gặp mặt cô Mỹ Hạnh, người âm thầm trợ giúp mình học hành.

“Nhiều người khen, động viên em có tinh thần vượt khó. Nhưng trong lần nhận học bổng vượt khó của công ty bia Huda, em thấy nhiều bạn có hoàn cảnh rất cơ cực nhưng họ vẫn gắng học, vươn lên. Học là con đường duy nhất với em. Em sẽ học thật tốt để thỏa nguyện ước mong của mẹ và không phụ công ơn giúp đỡ của mọi người”, Phượng thổ lộ quyết tâm của mình.

Vân Đình - Đắc Thành