Cơ sở liên kết nhập nhằng đánh lừa người học

(Dân trí)- Theo như thông báo tập trung của Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên, hàng trăm học sinh tại cơ sở liên kết ở TP Vinh cứ tưởng mình đang được học hệ CĐ chính quy. Thế nhưng vào học gần 1 tháng, các em mới tá hỏa khi biết mình bị lừa.

Cơ sở liên kết nhập nhằng đánh lừa người học - 1

Thông báo tuyển sinh của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên tuyển hệ cao đăng chuyên nghiệp chính quy xét tuyển kết quả học tập cấp 3

Cao đẳng xét tuyển bằng học bạ(!)

Trong Giấy báo tập trung không ghi số, không ghi ngày tháng năm của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật (thuộc ĐH Thái Nguyên) gửi học sinh ghi rõ: Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, ĐH Thái Nguyên; Căn cứ chương trình liên kết đào tạo giữa Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật với Trung tâm Đào tạo nâng cao thuộc Liên hiệp khoa học Miền Trung; Căn cứ hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật, ĐH Thái Nguyên trân trọng thông báo anh/chị đúng 8h ngày 24/9/2011 mời anh/chị có mặt tại cơ sở liên kết của nhà trường theo địa chỉ 121 đường Lê Hồng Phong - Tp Vinh - Nghệ An (tầng 4 nhà C) để hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục nhập học hệ cao đẳng chính quy đào tạo 2 giai đoạn của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên.

Thời gian học: giai đoạn 1 học 2 năm, giai đoạn 2 học 1,5 năm. Sau mỗi giai đoạn sẽ tổ chức thi theo quy định của Bộ GD-ĐT. Khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân cao đẳng chính quy. Mặt sau của giấy báo tập trung là kinh phí đào tạo khi nhập học, gồm: học phí kỳ I: 350.000 đồng x 5 tháng = 1.750.000 đồng; thẻ, phù hiệu HS-SV 60.000 đồng/khóa học; BHYT sẽ thu theo quy định của BHYT TP Vinh.

Cầm Giấy báo tập trung trên tay, những học sinh vừa thi trượt CĐ-ĐH hết sức vui mừng vì nghĩ rằng mình đã đỗ và được học cao đẳng. Em Đ.V.T (quê Hà Tĩnh) cho biết: “Em thi đại học được 11,5 điểm không đỗ vào trường nào cả. Đọc tờ rơi của trường thấy có tuyển sinh hệ cao đẳng chuyên nghiệp chính quy, thấy điểm thi ĐH của mình đủ điều kiện nên em đến nộp giấy báo điểm cùng học bạ cấp 3. Cán bộ tuyển sinh của trường thu tiền rồi bảo thứ 2 đến học. Đến hôm nay là học 20 ngày rồi nhưng em vẫn chưa có giấy báo tập trung hay giấy báo nhập học gì cả”.

Cơ sở liên kết nhập nhằng đánh lừa người học - 2

Giấy báo tập trung ghi rõ "hệ cao đẳng chính quy đào tạo 2 giai đoạn".

Rất nhiều học sinh nhận được giấy báo tập trung là do nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ cấp 3. Em L.T.H. nói: “Điểm thi ĐH của em không đạt yêu cầu, thấy trường thông báo tuyển sinh hệ cao đẳng chuyên nghiệp chính quy mà chỉ cần xét tuyển học bạ nên em đăng ký vào. Đi học gần cả tháng nay rồi mà chỉ thấy học nội quy với học thể dục nhịp điệu thôi”.

Nhưng dù sao H. vẫn cầm trong tay giấy báo tập trung để đến trường, rất nhiều học sinh nhận được thông báo tập trung qua điện thoại đi động, đến nộp tiền và ung dung nghĩ rằng mình đang được học hệ cao đẳng chuyên nghiệp chính quy. “Bọn em không hiểu hệ cao đẳng chính quy đào tạo 2 giai đoạn là như thế nào cả, cứ thấy ghi cao đẳng chính quy là nghĩ mình đang học hệ cao đẳng rồi. Nếu biết trước đây thực chất là đào tạo trung cấp rồi liên thông lên cao đẳng thì em học bên Hà Tĩnh cũng được, tội chi phải sang đây rồi thuê trọ ở cho đắt”, L.T.H. cho biết thêm.

Chúng tôi không lừa học sinh!”

Đem những băn khoăn trên của học sinh tới gặp người có trách nhiệm của Trung tâm đào tạo nâng cao, chúng tôi được một người xưng là Nguyễn Thị Hà - nhân viên của trung tâm mời vào tiếp chuyện. Bà Hà cho biết Trung tâm đào tạo nâng cao thuộc Liên hiệp khoa học sản xuất phát triển Miền Trung thuộc Tổng hội địa chất Việt Nam.

Mặc dù không thể trả lời được hình thức đào tạo cao đẳng 2 giai đoạn được thực hiện theo quy định nào nhưng bà Nguyễn Thị Hà vẫn khẳng định: “Chúng tôi không lừa học sinh. Trong thông báo tập trung chúng tôi đã ghi rõ là giai đoạn đầu học trung cấp 2 năm, giai đoạn 2 học cao đẳng 1,5 năm”. Thế nhưng trên thực tế, trong giấy báo tập trung hoàn toàn không xuất hiện cụm từ “trung cấp”.

“Nếu học trung cấp thì học phí phải theo mức quy định của trung cấp, sao lại áp dụng mức thu học phí cao đẳng cho sinh viên?” - chúng tôi đặt câu hỏi, bà Hà giải thích: “Đây chỉ là mức thu tạm thời thôi. Không ghi chữ tạm thời vào giấy báo tập trung nhưng khi học sinh đến nộp tiền chúng tôi đều giải thích đây là mức thu tạm thời, khi có mức thu học phí mới sẽ trả lại cho các em.

Hiện tại chưa học sinh nào có giấy báo nhập học cả, đây mới chỉ là giấy báo tập trung để chúng tôi giữ chân học sinh thôi. Còn việc một số em nhận được thông báo tập trung qua điện thoại là do các em chưa hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, lại không gọi được điện thoại nên chúng tôi nhắn tin thông báo để các em đến hoàn thiện hồ sơ”.

Nói như bà Hà thì hiện tại hàng trăm em học sinh đang có mặt tại trường chưa chính thức trở thành sinh viên của Trường CĐ kinh tế - Kỹ thuật (vì chưa có giấy báo trúng tuyển) thế nhưng đơn vị này vẫn cấp giấy xác nhận để học sinh làm thủ tục vay vốn ưu đãi. Giấy xác nhận này có đầy đủ các thông số: ngành học, hệ đào tạo: cao đẳng, khóa học, loại hình đào tạo: CQ (chính quy - PV), tên lớp, số thẻ (để trống), khoa, ngày nhập học, thời gian ra trường, thời gian học tại trường và mức học phí 350.000 đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Mận - giám đốc Trung tâm đào tạo và nâng cao trả lời thẳng tưng: “2 giai đoạn hay 3 giai đoạn là chuyện của trường. Tôi không thể tham gia vào việc này, người ta cho cái nào thì mình làm cái đó, cho cao đẳng nghề thì làm cao đẳng nghề, cho 2 giai đoạn thì làm 2 giai đoạn. Tôi không tự tạo ra 2 giai đoạn hay 3 giai đoạn.

Cơ sở liên kết nhập nhằng đánh lừa người học - 3

Ông Hồ Xuân Mận - Giám đốc Trung tâm đào tạo nâng cao: "2 giai đoạn hay 3 giai đoạn là chuyện của trường"

Đó là chuyện của trường, em liên hệ với trường xem chỉ tiêu này Bộ GD-ĐT cho như thế nào. Cái này hỏi tôi thì tôi chịu. Chúng tôi được Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên phân bổ cho 480 chỉ tiêu và hiện đã có 479 hồ sơ đăng ký. Ngày hôm qua tôi mới đưa hồ sơ ra ngoài đó để họ xét duyệt, em nào đủ điều kiện thì sẽ có giấy báo trúng tuyển”. Vậy hàng trăm học sinh đang có mặt tại trường nếu không đủ điều kiện sẽ không được nhận giấy báo trúng tuyển và sẽ không được học tại đây mặc dù đã nộp học phí và thuê trọ ở TP Vinh cả tháng trời nay để đi học?

Để khẳng định đơn vị của mình có chức năng giáo dục, đào tạo, ông Hồ Xuân Mận đưa ra công văn đồng ý liên kết của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên với Trường Trung cấp du lịch Miền Trung gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở GD-ĐT Nghệ An và một công văn không số đề ngày 20/8/2011 của Trường Trung cấp du lịch Miền Trung ủy quyền cho Trung tâm này được phép tuyển sinh, tiếp nhận, hướng dẫn học sinh hoàn thiện hồ sơ, thu lệ phí xét tuyển và tổ chức phổ biến cho học sinh về nhà trường, ngành học, hệ học, kinh phí đào tạo và nội dung khác liên quan đến việc đào tạo.

Sáng ngày 2/11/2011, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Anh - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: “Ngày 18/10 chúng tôi có nhận được công văn đề nghị liên kết của Trường Trung cấp du lịch Miền Trung và công văn đồng ý liên kết của Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên. Do chưa có thời gian giải quyết hơn nữa phải kiểm tra các trường này có đủ điều kiện liên kết hay không nên đến ngày hôm nay (2/11) chúng tôi chưa có ý kiến về vấn đề này”.

Cơ sở liên kết nhập nhằng đánh lừa người học - 4
Gần 1 tháng tập trung, các sinh viên chỉ được học nội quy và tập thể dục.

Còn về cụm từ “hệ cao đẳng chính quy đào tạo 2 giai đoạn”, ông Nguyễn Đình Anh cũng khẳng định là không có trong thuật ngữ của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên theo ông Anh dùng cụm từ “hệ cao đẳng chính quy đào tạo 2 giai đoạn” là không sai, đây chỉ là cách thu hút học trò. “Dùng thuật ngữ này tức là ý muốn nói họ có khả năng đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Đây là ý đồ tốt để tuyển sinh, chỉ là dùng thuật ngữ không minh bạch thôi”, ông Nguyễn Đình Anh cho biết thêm.

Rõ ràng chưa có sự đồng ý của UBND tỉnh Nghệ An và Sở GD-ĐT Nghệ An về vấn đề liên kết đào tạo nhưng Trường CĐ kinh tế - Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên và Trung tâm đào tạo nâng cao vẫn tổ chức tuyển sinh, thu học phí và tập trung học sinh khi chưa có giấy báo trúng tuyển. Cùng với đó là sử dụng thuật ngữ không có trong hệ thống các văn bản pháp quy của Bộ GD-ĐT gây nhầm lẫn cho người có nhu cầu học để tuyển sinh.

Mặt khác, theo Quy chế 42 ban hành kèm theo Quyết định số 42/2008/QĐ-GDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ GD-ĐT thì Trung tâm đào tạo nâng cao cũng không được liên kết với Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật thuộc ĐH Thái Nguyên để đào tạo trung cấp và cao đẳng như trong thông báo tập trung đã ghi. Những sai phạm này cần phải được kiểm tra và xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học.

Hoàng Lam