Có sự khủng hoảng đang xảy ra ở hoạt động Sư phạm?

(Dân trí) - Cô giáo lên lớp không giảng bài; cô giáo phạt học trò uống nước giặt giẻ lau; học sinh nhảy lầu tự vẫn vì áp lực học tập... theo cựu nhà giáo, nhà văn Vũ Đức Sao Biển, đang có sự khủng hoảng ẩn sâu bên trong hoạt động Sư phạm hiện nay.

Trong buổi ra mắt cuốn sách "Ơi, cái tuổi trăng tròn" tại Đường sách TPHCM ngày 15/4, cựu nhà giáo Vũ Đức Sao Biển đã dành nhiều quan tâm đối với học trò, các bạn trẻ ngày nay với một sự thương cảm. Ông cảm nhận, các em ở độ tuổi học sinh đang sống trong một tâm trạng phập phồng, bồn chồn, vào lớp cũng lo lắng, về nhà cũng lo lắng với những áp lực rất tội nghiệp.

Nhà giáo, nhà văn Vũ Đức Sao Biển cho rằng hoạt động Sư phạm đang có sự khủng hoảng từ bên trong
Nhà giáo, nhà văn Vũ Đức Sao Biển cho rằng hoạt động Sư phạm đang có sự khủng hoảng từ bên trong

Từng là một nhà giáo, ông quan sát kỹ sự bất an ở con trẻ trong môi trường học đường. Thực tế, thời gian qua diễn ra rất nhiều chuyện đau lòng trong ngành giáo dục như cô giáo không giảng bài, em học sinh uống nước bẩn, thầy đánh trò... Đi cùng các sự việc, nhiều học sinh cần được quan tâm như em Phạm Song Toàn - người phản ánh việc cô giáo lên lớp không giảng bài, cậu học trò tự vẫn ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM)...

Theo cựu nhà giáo Vũ Đức Sao Biển, ngành Sư phạm là một ngành nghề rất đẹp, dù không nhiều tiền, giàu có về vật chất nhưng là một ngành cao quý. Thế nhưng, học trò lại đang chịu tổn thương trực tiếp xuất phát từ những người làm công tác sư phạm.

Đối với sự việc cô giáo lên lớp nhiều tháng không giảng bài, nhà giáo Sao Biển nói rằng, người thầy có giận dỗi, có mặc cảm, tị hiềm gì đi chăng nữa thì công việc của họ vẫn là dùng lời nói để giảng dạy, giao tiếp với học sinh. Cô cư xử như vậy, rất tội nghiệp học trò, các em tổn thương và bị mất quyền lợi về học tập - quyền lợi về học kiến thức và học từ hình ảnh người thầy.

"Ngành giáo dục xử lý sự việc của cô giáo không giảng bài đến đây có thể nói là được nhưng đừng quên sự tổn thương đối với hàng chục học sinh, với em Song Toàn là rất lớn", ông nói.

Còn về sự việc nam sinh ở Trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự vẫn hết sức đau lòng, ông Vũ Đức Sao Biển nêu quan điểm: chết vì học tập chính là chết vì thành tích. Người lớn chạy theo thành tích, theo kỳ vọng làm mất đi ý nghĩa thực sự của giáo dục.

Ông bày tỏ: "Tôi cảm thấy đang có một sự bất ổn nào đó trong sử dụng nhân sự ngành Sư phạm. Chúng ta không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hoạt động Sư phạm. Tất cả những gì đang xảy ra cho thấy có một sự khủng hoảng bên trong ngành Sư phạm".

Ông cũng nói thêm, ngày trước người thầy đứng lớp được lựa chọn rất kỹ về kiến thức, đạo đức, lời ăn tiếng nói, tác phong nhưng gần đây thì với một số trường, đầu vào ba điểm một môn đã... thành thầy, tiêu chuẩn về đạo đức, nhân cách cũng không được coi trọng.

Ông thở dài bày tỏ, Việt Nam là một dân tộc nhân hậu, đầy lòng yêu thương. Vậy mà sao bây giờ lại xảy ra những chuyện người đối với người rất khủng khiếp, đáng sợ?

Thầy giáo trẻ Trần Trinh Tường, giáo viên tiếng Anh bày tỏ, người trẻ ngày nay quá tội nghiệp khi không gian sống rất chật hẹp, bó buộc. Các em chìm ngập trong quảng cáo, thế giới mạng với những thông tin tiêu cực, thiếu những chất liệu làm giàu cho tâm hồn, sự nhân ái, yêu thương từ bên trong.

Thầy Tường nhấn mạnh, bố mẹ Việt Nam hãy hạn chế việc bắt học con kiến thức, kiến thức bị "ép" vào người nhiều quá càng làm bào mòn tâm hồn con trẻ. Cha mẹ có thể dạy con đọc sách, cho học học một môn nghệ thuật nào đó, chơi thể thao, tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, tương tác với cuộc sống thật nhiều vào để "bồi bổ" lòng yêu thương ở con trẻ.


Theo thầy giáo trẻ Trần Trinh Tường, trẻ bị ép học kiến thức vào người nhiều quá nên bào mòn về mặt tâm hồn

Theo thầy giáo trẻ Trần Trinh Tường, trẻ bị ép học kiến thức vào người nhiều quá nên bào mòn về mặt tâm hồn

Là người khởi nghiệp từ những khốn khó, thiếu thốn, anh Tường cho rằng, đối với kiến thức, những người lập nghiệp giàu có quay đi quay lại cũng chỉ dùng đến 4 phép tính. Vậy nhưng, họ thành công vì họ có chỉ số cảm xúc, đời sống tâm hồn rất phong phú.

Đối với việc học, anh Trần Trinh Tường khẳng định, học rất vui. Nhưng con trẻ ngày nay ám ảnh vì việc học do nhà trường, bố mẹ đã làm các em sợ học vì chạy đua, dò bài, kiểm tra, bắt học thuộc, chạy theo điểm số, bảng xếp hạng...

Hoài Nam