Coi học sinh như con

(Dân trí) - Học sinh như con của thầy cô giáo. Trong mọi gia đình, không thể ai cũng luôn gặp những đứa con ngoan hiền, “người cha, người mẹ” phải biết tâm lý từng đứa, từng độ tuổi để giáo dục, uốn nắn các em bằng một thái độ bao dung rộng lượng…

Năm 1975 khi nước nhà mới vừa thống nhất, chúng tôi tình nguyện vào vùng nông thôn giải phóng cũ dạy học.

Giáo viên ngày ấy chỉ hưởng vài đồng trợ cấp hằng tháng, nhờ địa phương vận động phụ huynh góp gạo nuôi. Lúc ấy nhiều gia đình phụ huynh còn đói nhưng thương giáo viên “thắt lưng buộc bụng” nhường cơm.

Năm đó ở trường có một học sinh nam ngỗ ngược, hay gây sự với bạn, giáo viên chủ nhiệm uốn nắn không nổi báo lên ban giám hiệu. Chúng tôi gọi em đến xử. Em phản ứng dữ dội và công khai đòi số gạo đã góp! Chúng tôi đồng ý trả lại gạo, chỉ khuyên em cố gắng học tập, có đạo đức tốt. Em không chấp nhận, tự ý bỏ lớp tuyên bố nghỉ luôn…

Chúng tôi họp Hội đồng giáo viên, quyết định đến gặp gia đình em trình bày, động viên em trở lại lớp, phụ huynh đồng tình cam kết… Sau đó vài ngày em trở lại tiếp tục học…

Gần tròn 38 năm, em học sinh ấy giờ trở thành “ông nội ông ngoại” của một gia đình mới, là một công dân mẫu mực như bao người  khác ở địa phương, gặp chúng tôi rất mừng và giữ lễ phép như một đứa học trò nhỏ.

Lâu rồi chúng tôi không còn đứng trên bục giảng nhưng kỷ niệm về cậu học trò ngỗ ngược đòi gạo thầy cô trong giai đoạn ai cũng đói cần ăn để tái tạo năng lượng là một kỷ niệm thấm đậm, lắm khi nhớ lại lòng xúc động đến rưng rưng.

Độc giả có thể chia sẻ các ý kiến, bài viết của mình tới mục Giáo dục, báo điện tử Dân trí  qua địa chỉ email dantri@dantri.com.vn Trân trọng cảm ơn!

 

 

 

 
Chúng tôi tự rút cho mình một bài học để làm vốn quý: Học sinh như con của thầy cô giáo. Trong mọi gia đình, không thể ai cũng luôn “có phước” gặp sẵn những đứa con ngoan hiền, nghĩa cả nuôi con rất nặng nhọc và gian truân…, “người cha người mẹ” phải biết tâm lý từng đứa, từng độ tuổi để giáo dục, uốn nắn các em bằng một thái độ bao dung rộng lượng. Trẻ thơ không em nào vĩnh viễn bất trị, gạt chúng ra khỏi gia đình hay môi trường đào tạo tốt vì một chứng bệnh nào đó đồng nghĩa với việc người lớn đầu hàng vai trò “làm cha làm mẹ”, dễ bị trẻ thơ đánh giá là trả thù vụn vặt. Đưa những “thiên thần bé nhỏ” ra khỏi cộng đồng giáo dục dù là những “thiên thần ngỗ ngược” có khi là một tội ác nếu vài thiên thần ấy tìm đến địa chỉ xấu dễ sụp chân xuống địa ngục!
 
Nguyễn Thành Nam
(Cần Thơ)