Con bạn thông minh theo kiểu gì?

Mỗi đứa trẻ đều có trí thông minh theo kiểu của riêng mình, chỉ là ngay cả bố mẹ cũng có thể chưa hiểu được con mình thông minh như thế nào để tìm được cách định hướng phù hợp cho trẻ trong học tập cũng như trong cách xác định giá trị của bản thân.

Mỗi đứa trẻ đều có trí thông minh theo kiểu của riêng mình
Mỗi đứa trẻ đều có trí thông minh theo kiểu của riêng mình.

Từ câu chuyện đi tìm trí thông minh của một nghệ sỹ

Cái tên Đặng Châu Anh có lẽ không xa lạ gì với những người xem truyền hình cả nước trong vai trò là một MC duyên dáng, một Ban giám khảo dễ thương và yêu trẻ hết mực trong các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, chị còn là một nữ giảng viên, một nhạc trưởng thành công khi đã đưa được hợp xướng của Việt Nam ra Thế giới và đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Khi nhìn vào một Thạc sĩ – Nghệ sỹ Đặng Châu Anh bây giờ, ít ai có thể ngờ được cô học trò Châu Anh ngày xưa đã từng bị coi là một học sinh... “dốt”.

Có bố mẹ là những người tài giỏi đôi khi cũng là một áp lực, nên cô bé Châu Anh từ nhỏ đã nhút nhát, học hành chẳng có gì nổi trội, đến nói cũng không sõi vì sợ đám đông. Cô theo học đàn piano chuyên nghiệp nhưng cũng không có tài năng đặc biệt, cho đến khi cô may mắn gặp được một người thầy giáo đã phát hiện ra ở cô khả năng về cảm thụ và diễn giải âm nhạc. Chính thầy đã giúp cô mạnh dạn từ bỏ con đường học đàn mười mấy năm để chuyển sang chuyên ngành phù hợp hơn là học để trở thành một giảng viên lý luận và một nhạc trưởng. Từ đó, cô tìm được sự tự tin và niềm đam mê thực sự của mình trong học tập, trong hoạt động nghệ thuật và trở thành một người thành công.

Câu chuyện "đi tìm trí thông minh" này, được Châu Anh vui vẻ chia sẻ trong một buổi hội thảo tư vấn của Trường Phổ thông liên cấp Vinschool gần đây trong vai trò là Giám đốc Nghệ thuật, để giúp các bậc phụ huynh tham dự có thể thấy được bằng chứng sống về việc tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Con bạn thông minh theo kiểu gì?" quan trọng như thế nào.

Dù giáo dục nước ta có trải qua bao lần cải cách thì theo quan điểm của một bậc phụ huynh vẫn luôn là muốn con khi đi học được vào trường chuyên lớp chọn, được điểm cao chót vót. Trong đó, vững dạ nhất nếu con mình học giỏi Toán và các môn tự nhiên, vì đó là biểu hiện của một trí óc thông minh cũng như đảm bảo về sau sẽ đỗ đạt ở những trường đại học uy tín. Nhưng con mà học giỏi văn, bố mẹ có khi tự hào thì ít mà lại lo sợ đầu óc con "treo ngược cành cây", sau này tương lai chỉ làm anh nghệ sĩ nghèo.

Vậy bạn đã khi nào nghĩ rằng chính những quan niệm có phần áp đặt của mình đã khiến trẻ không thể phát huy hết tiềm năng của mình chưa? Bạn đã bao giờ thực sự trân trọng khả năng của trẻ và tìm cách biến khả năng đấy trở thành kim chỉ nam để giáo dục trẻ? Bởi vì sự thực đã chứng minh rằng trí thông minh của mỗi đứa trẻ là một điều bí ẩn mà ngay cả bố mẹ gần gũi hằng ngày chưa chắc đã có thể nhận ra.

Từ "Tôi có thông minh không?" thành "Tôi thông minh như thế nào?"

Học thuyết Đa trí thông minh lần đầu tiên được nhắc tới trên thế giới vào năm 1983, phát triển bởi một giáo sư Đại học Harvard tên là Howard Garner và ngay lập tức nhận được sự chú ý của tất các các chuyên gia giáo dục. Nếu như trước đây người ta quan niệm thế giới chia làm hai nửa: Có trí thông minh và Không có trí thông minh. Thì với Học thuyết đa trí thông minh, mỗi người không phải tự trả lời "Tôi có không minh không?" mà là "Tôi thông minh như thế nào?". Nếu như con bạn không phải là học sinh giỏi Toán, thậm chí còn khá chật vật trong việc ghi nhớ các công thức toán học khô khan, thì vẫn là một đứa trẻ thông minh bởi rất có thể môn chúng có thế mạnh nhất lại là Thể dục. Ai bảo Khả năng vận động không phải là một loại hình thông minh?! Ai cho tấm bằng Đại học Thể dục thể thao không phải là một bằng cấp có giá trị?! Ai nói rằng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp không phải là thành đạt?!

Mỗi đứa trẻ đều có trí thông minh theo kiểu của riêng mình
Tám loại hình trí thông minh: Ngôn ngữ, Logic Toán, Giao tiếp, Tự nhiên, Vận động cơ thể, Âm nhạc, Hình ảnh và Nội tâm.

Với Học thuyết này soi sáng, trước hết sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ tư duy của nhà giáo dục trong việc xây dựng các hạng mục kết quả đánh giá từ đó ảnh hưởng tới việc thiết kế chương trình giáo dục. Học thuyết này từ đó tác động lớn tới việc hình thành và lựa chọn các phương pháp dạy học để xác định được loại hình trí thông minh thế mạnh của học sinh và để tìm ra các phương pháp phù hợp khiến trẻ có thể hứng thú ngay cả với những môn học có vẻ không phù hợp với loại hình thông minh của mình.

Ví dụ như trong môn Ngữ Văn, theo sự chia sẻ của một giáo viên ngữ văn Trường Phổ thông liên cấp Vinschool, không phải học sinh nào cũng hứng thú với bộ môn đủ để thích những giờ giảng chỉ đơn thuần thầy giảng trò chép. Những em hiếu động, có trí thông minh về khả năng vận động thì cần áp dụng phương pháp sân khấu hóa, nơi các em sẽ tự đọc tác phẩm, phân tích tác phẩm và viết kịch bản rồi hóa thân thành các nhân vật. Hay những em có trí thông minh về hình ảnh, các cô đã chuyển hóa đề tài rất "văn học" thành "hội họa", ví như “Hãy vẽ lại tên của chính em” để bắt đầu dạy về nghĩa từ Hán Việt. Tương tự với 6 loại hình thông minh còn lại là Trí thông minh Ngôn ngữ, Logic Toán, Giao tiếp, Nội tâm, Âm nhạc và Tự nhiên; sẽ có những phương pháp dạy học riêng để khiến các em bắt đầu khám phá tri thức ở môn Ngữ văn theo những cách khác nhau, phù hợp với loại hình trí thông minh của mình.

Học sinh minh họa bài thơ “Mưa” - Trần Đăng Khoa bằng tranh vẽ
Học sinh minh họa bài thơ “Mưa” - Trần Đăng Khoa bằng tranh vẽ.

Không như một số các trường hiện nay mới chỉ thí điểm học thuyết này trong một số môn học quy tụ các giáo viên giỏi, Vinschool đã đưa Học thuyết Đa trí thông minh lên thành tôn chỉ trong việc xác định phương pháp dạy học ở tất cả các bộ môn. Mỗi giáo viên của Vinschool đều thấm nhuần học thuyết này, để có thể tự tin làm chủ các phương pháp dạy học và dẫn dắt học sinh trên hành trình khám phá tri thức theo cách phù hợp, hiệu quả nhất với mỗi em. Ở đó, các em đều được phát huy sở trường, khai phá trí thông minh tiềm năng và tìm được sự tự tin để đón nhận tri thức. Sự tự tin vào bản thân sẽ khiến các em không chỉ giỏi ở một môn học mà sẽ tạo tiền đề cho việc tiếp thu toàn bộ chương trình và vận dụng kiến thức vào thực tế một cách linh hoạt.

Học, đôi khi không chỉ là những kiến thức khô cứng mà còn là để làm một người tự do trong cách tư duy. Bố mẹ có thể trao cho con mình chiếc chìa khóa ấy ngay từ bây giờ nếu có thể tự tin tìm được đáp án của câu hỏi: "Con bạn thông minh theo kiểu nào?".