Con chữ mùa xuân

(Dân trí) - Nếu như trước đây, ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Hữu Khuông là những đêm xuyên rừng để gọi trò tới lớp, những buổi học xen lẫn bữa chạy cơm của thầy và trò thì giờ đây, mọi thứ dần thay đổi, bước chân đến trường đã bớt chênh vênh.

Gian nan gieo chữ ở xã vùng lòng hồ

Còn nhớ mấy năm trước, chúng tôi đến trường PTDTBTTHCS Hữu Khuông, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An được chứng kiến cảnh các thầy xuống tận bến đò để đón từng em học sinh. Đó là những học sinh sống rải rác ở các cụm dân cư trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Cách đây hơn mười năm, gia đình các em phải di dời về các huyện như: Thanh Chương, Quế Phong, Quỳ Châu để nhường đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ. Nơi ở mới không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, nên bố mẹ lại quay trở về quê cũ làm ăn, các em lại phải theo cha mẹ, như ngày xưa vẫn nằm trên lưng mẹ lên nương vậy. Các em ở Chà Lâng, Huồi Pủng, Tủng Hốc, Pủng Bón, Huồi Cọ, Bản Xàn… đã phải tất bật vượt rừng, vượt núi để đến trường.


Nhiều lớp học phải dùng nến hoặc đèn dầu làm ánh sáng để học.

Nhiều lớp học phải dùng nến hoặc đèn dầu làm ánh sáng để học.

Ông Cụt Đình Xuyên - Bí thư chi bộ bản Huồi Cọ cho biết: “Ở bản Huồi Cọ, em nào cũng tất bật theo “thời khóa biểu” riêng: tờ mờ đất đã loay hoay chinh phục trên 10 km đường núi để đến trường, em nào không học thì lên nương để phụ cha mẹ nấu cơm. Các em phải len lỏi con đường mòn trên núi, leo lên từng bậc đá đầy rong rêu, rồi lại thả xuống dốc đứng mới đến bến đò, theo thuyền đi thêm 3 km nữa mới đến trường… Khó khăn như vậy, nên học sinh đến trường bữa đực, bữa cái, thậm chí nhiều em đã bỏ luôn cả chuyện học hành để theo mẹ lên nương gần hơn, có em đi làm phu vàng ở tận Quảng Nam, việc vận động các em ra lớp chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

“Cho nên giữ vững được sĩ số lên lớp là tốt lắm rồi, chứ đâu dám nói đến việc nâng cao chất lượng” - thầy Nguyễn Tất Thi - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.

Rồi đến chuyện đi dạy của thầy, cô. Trong những cuộc trò chuyện với họ, tôi nhận ra, họ trân trọng từng kỷ niệm quý giá. Tất cả giáo viên của trường này đều là người địa phương khác, có người ở dưới xuôi chưa quen với cuộc sống trên núi, có người ở Tam Quang, Tam Đình, Thạch Giám hay Tam Thái nhưng chưa từng sống với núi ngày nào… Câu chuyện họ kể chúng tôi nghe chất chứa đầy cảm xúc: Những ngày đầu chật vật chạy xe lên bến thượng lưu ở trên đập thủy điện Bản Vẽ, gửi xe lại đó với giá 10.000 đồng/ngày đêm, rồi đi thuyền gần vài ba tiếng đồng hồ mới lên đến trường.

Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Còn bây giờ kể từ ngày trường THCS Hữu Khuông chuyển đổi thành Trường PTDTBTTHCS Hữu Khuông, mọi thứ đã thay đổi, đã có chính sách cho học sinh, các em có thêm chỗ ở, có thêm bữa cơm hằng ngày, tấm áo che thân cũng lành lặn và đẹp hơn… nên an tâm học tập, ít em bỏ học hơn. Dẫu chưa thật sự ổn định, nhưng 2 năm lại đây, trung tâm xã Hữu Khuông đã có điện lưới để sinh hoạt, có sóng điện thoại di động, có mạng internet để liên lạc…

Khó khăn chính là thước đo về cái tâm của nhà giáo

Cô Vọng Thị Thương, giáo viên dạy bộ môn Sinh - Hóa, quê ở xã Tam Thái nói với chúng tôi mà như tự nhủ với chính mình: “Khó khăn chính là thước đo về cái tâm của nhà giáo. Nếu mọi thứ đều bằng phẳng, làm sao biết được nỗ lực của bản thân mình đến đâu. Nếu ai cũng ngán ngại dạy học ở nơi khó khăn như thế này thì các em học sinh ở đây sẽ được học với ai?”.

Thầy Nguyễn Tất Thi - Hiệu trưởng bộc bạch thêm: “Tình cảm mộc mạc của bà con, sự chăm ngoan lễ phép của học sinh… là động lực níu bước chân chúng em ở lại trường, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giờ đây, ở xã Hữu Khuông có nhiều thế hệ học sinh thành đạt, các em hiện giữ các trọng trách quan trọng ở xã, nhiều em đi công tác, làm ăn ở xa nhưng vẫn nhớ về nguồn cội. Ngày 20/11 năm nào, các em đều là những người đầu tiên chúc mừng thầy, cô cũ ở trường”.


Học sinh chăm sóc vườn rau của trường để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Học sinh chăm sóc vườn rau của trường để cải thiện bữa ăn hằng ngày.


Giờ học thể dục trong ngôi trường mới khang trang.

Giờ học thể dục trong ngôi trường mới khang trang.

Con chữ mùa xuân - 4

Còn nhớ, trước khai giảng năm học 2017-2018, Tổng Công ty may 10 thông qua báo Dân trí và Quỹ Khuyến học Việt Nam hỗ trợ tiền để xây dựng cầu dân sinh mang tên Dân trí (ở bản Chà Lạt) đã tạo điều kiện giúp nhà trường thu hút học sinh đến trường. Từ ngày có cây cầu Dân trí - Khuyến học, bước chân các em đến trường đều hơn, bữa cơm hằng ngày của các em bán trú cũng ngon hơn bởi các em không còn lo lũ về. Ngày khánh thành được đón Phó Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Tuấn Anh và cô Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đến thăm trường. Và vui biết mấy, khi đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cũng đã đến dự khai giảng năm học 2017-2018, tặng quà cho học sinh, giáo viên và phát biểu chúc mừng năm học mới. Thầy trò ở đây có thêm chỗ dựa tinh thần, thêm nghị lực mới để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Những ngày cuối năm 2017, chúng tôi trở lại trường để dự sinh hoạt chi bộ và chúc mừng nhà trường vừa đạt thành tích lớn trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện vừa qua. Gọi là thành tích lớn, ấy là để so sánh với lịch sử hình thành nhà trường, với những khó khăn vất vả mà thầy và trò đã trải qua để có kết quả như hôm nay. Gần 50 năm từ ngày thành lập, trải qua bao thăng trầm, với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng chưa khi nào nhà trường có được một em học sinh giỏi cấp huyện.

Ấy vậy mà, kỳ tích đã được thiết lập trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2017-2018. Năm nay, nhà trường đưa 12 em dự thi ở 15 lượt (có 3 em dự thi 2 môn), kết quả có 6 em đạt giải, trong đó có 1 giải Nhất môn Giáo dục công dân, đặc biệt có em Và Y Mỵ, dân tộc Mông ở bản Chà Lâng đạt giải môn Sinh học.

Thế hệ nhà giáo của Trường PTDTBTTHCS Hữu Khuông hôm nay đã làm nên một kỳ tích mới, thỏa lòng mong ước của hàng chục thế hệ nhà giáo đã từng dạy học ở mái trường này, thỏa lòng mong đợi của cấp ủy, chính quyền và phụ huynh địa phương nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Vy Thị Bích Thủy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương nói: “Trường PTDTBTTHCS là trường khó khăn nhất ngành giáo dục Tương Dương hiện nay. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, bằng tình thương và trách nhiệm, Chi bộ, Ban giám hiệu và tập thể nhà giáo ở đây đã đoàn kết và tạo được nhiều phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong cán bộ, giáo viên và học sinh đạt được kết quả rất tốt. Năm nay nhà trường tăng 8 bậc về kết quả thi học sinh giỏi cấp huyện, từ bậc 15/17 trường nay đã vươn lên bậc 8/17 đó là tín hiệu vui, một sự khởi sắc đáng trân trọng của của tập thể nhà trường trong nửa đầu năm học 2017-2018”.

Vi Hợi - Nguyễn Duy

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục