Bắc Ninh:

Con đi học, phụ huynh phải đóng tiền mua bàn ghế

(Dân trí) - Không có tiền ngân sách, nhà trường đành phải huy động phụ huynh đóng góp trên danh nghĩa “xã hội hóa” để học sinh có bàn ngồi học. Chuyện này đang diễn ra ở nhiều trường thuộc địa bàn huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).

Trường tiểu học Nguyễn Gia Thiều (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) mới chính thức được đưa vào sử dụng trong năm học mới 2013 - 2014. Với 18 phòng học, Trường tiểu học Nguyễn Gia Thiều đã khắc phục được tình trạng học 2 ca trở thành học 2 buổi/ngày.
 
Trường tiểu học Nguyễn Gia Thiều (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Trường tiểu học Nguyễn Gia Thiều (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
 
Ngôi trường được đầu tư hơn 13 tỷ đồng xây mới nhưng lại không trang bị bàn ghế nên có gần 400 phụ huynh phải tự bỏ tiền túi mua bàn ghế cho con và thầy cô. Theo phản ánh, toàn bộ 370 học sinh của khối lớp 1, 2, 3 của Trường tiểu học Nguyễn Gia Thiều đều phải tự lo bàn ghế trước thềm năm học mới 2013-2014. Để có những bộ bàn ghế cho con ngồi học, mỗi phụ huynh phải đóng góp 400.000 đồng.
 

Công việc này được nhà trường vận động ngay trong hè để kịp cho năm học mới. Kích cỡ và quy chuẩn bàn ghế sẽ do nhà trường tư vấn còn Ban phụ huynh mỗi lớp tự hợp đồng với đơn vị sản xuất để mua.

Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 11/9, bà Nguyễn Thị Long - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do trường được xây dựng mới và số phòng học tăng lên nên dẫn đến việc thiếu bàn ghế. Trường tận dụng bàn ghế cũ còn sử dụng được cho khối 4 và 5 còn đối với khối 1, 2 , 3 thì huy động phụ huynh mua bàn ghế. Sở dĩ trường phải huy động và làm công tác xã hội hóa là do không có ngân sách để mua bàn ghế. Nhiều năm nay ngân sách của xã và huyện không có danh mục mua bàn ghế lớp học, không chỉ có trường Nguyễn Gia Thiều mà nhiều trường khác cũng tình trạng trong tương tự”.

Để làm rõ thêm về vấn đề này, PV Dân trí cũng đã trao đổi với Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thuận Thành Trần Đắc Thận. Ông Thận cho hay: “Ngân sách không có khoản nào chi cho mua bàn ghế cho cô và trò. Đối với cơ sở vật chất lớp học ở bậc tiểu học và THCS là do ngân sách cấp xã chịu trách nhiệm. Nơi nào địa phương có điều kiện thì trò không phải đóng góp. Nơi nào khó khăn buộc phải huy động phụ huynh đóng góp. Nhiều năm qua, học sinh đầu cấp tiểu học (lớp 1) và THCS (lớp 6) trên địa bàn huyện bước vào năm học mới đều phải tự lo bàn ghế”.

Cũng theo ông Thận, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng một phần. Công tác xã hội hóa giáo dục là cần thiết. Ngoài phụ huynh, ngành giáo dục của huyện Thuận Thành cũng huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ. Chủ trương của ngành thì đây là khoản thu tự nguyện, không bắt buộc. Em nào có hoàn cảnh khó khăn vẫn được miễn giảm hoặc không đóng khoản tiền mua bàn ghế này.
Việc học sinh đến trường lại phải mua bàn ghế đang là một nghịch lý của
 
Việc học sinh đến trường lại phải mua bàn ghế đang là một nghịch lý củangành giáo dục Bắc Ninh.

Như vậy, theo lời của Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thuận Thành thì trách nhiệm mua sắm bàn ghế cho học sinh là do ngân sách cấp xã đảm nhận. Không chỉ riêng huyện Thuận Thành mà các huyện khác của tỉnh Bắc Ninh cũng thực hiện như vậy. Song trên thực tế, một xã thuần nông, không có nguồn thu thì việc lo bàn ghế cho HS là cả một bài toán khó, chính vì thế nhà trường đành phải xã hội hóa bằng “tiền túi” của phụ huynh.

Ông Nguyễn Đình Thường - Chủ tịch UBND xã Ngũ Thái (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) chia sẻ: “Tất cả bây giờ nhìn chung là nhà nước và nhân dân cùng làm. Xã cũng chỉ lo được cơ sở vật chất trường học ở một mức độ nào đó, phần còn lại phải có sự góp sức của người dân. Cấp trên thì không điều tiết cấp bàn ghế, xã thì lại không có nguồn thu”.

Với việc chăm lo xây dựng cơ bản trường học nhưng lại không có kế hoạch xây dựng ngân sách để mua sắm bàn ghế đi kèm cho thấy có nhiều bất cập trong công tác quản lý. Việc học sinh tiểu học đến trường phải đóng góp tiền để mua bàn ghế ngồi học đang diễn ra ở một số địa phương cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng để tránh những bức xúc không đáng có của người dân.

Nguyễn Hùng