Con đi nhà trẻ, phụ huynh phải “rắn”

(Dân trí) - Một trong những yếu tố làm cho việc đi nhà trẻ của bé trở nên khó khăn, nản giải là vì phụ huynh quá “mềm lòng”. Nhiều trẻ làm quen cả tháng trời cũng không thể hòa nhập vào môi trường mới vì chỉ cần khóc… là mẹ lao vào ôm ấp.

Chuyên viên Sở GD - ĐT TP.HCM Nguyễn Hồ Thụy Anh chia sẻ những bí quyết giúp cho việc bé đi nhà trẻ trở nên nhẹ nhàng, bớt căng thẳng hơn với các phụ huynh (PH).

Cho trẻ làm quen với trường lớp

Trước khi đi học chính thức, bố mẹ có thể dẫn trẻ đến trường vui chơi với các anh chị để tạo sự thích thú cho trẻ. Trong những câu chuyện ở nhà, hãy kể cho trẻ nghe những chuyện về trường lớp, chuyện đi học để giúp trẻ cảm nhận được niềm vui khi đi học.

Trong thời gian này, PH nên tập cho trẻ ăn uống theo thực đơn của nhà trường. Khi đến lớp trẻ sẽ không gặp khó khăn khi thực đơn ăn uống thay đổi đột ngột.

3 ngày “quyết định”

Hầu hết ở các trường mầm non, PH sẽ có ba ngày đầu giúp trẻ làm quen với lớp. Đây là thời điểm quan trọng có nhiều điều “cấm kỵ” mà rất nhiều PH mắc phải làm cho quá trình thích nghi của trẻ càng thêm nan giản, phức tạp.

Con đi nhà trẻ, phụ huynh phải “rắn” - 1

Trẻ khó thích nghi với trường lớp vì bố mẹ thấy con khóc lại cuống lên vỗ về, ôm ấp. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Nhiều bà mẹ thấy con khóc nên cứ ôm chặt lấy con, bày đồ chơi chỉ để con chơi với mình là điều không nên. Cần lôi kéo con vào cùng chơi với nhiều bạn khác để trẻ có bạn. Lâu lâu, PH có thể tìm cách lánh mặt đi ra ngoài sau khi nói với trẻ: “Đợi bố/mẹ một chút” để dần tạo khoảng cách cho trẻ chứ không phải cứ “bám riết” lấy bố mẹ.

Sang ngày thứ 4, PH thường hay nấp ở góc “trốn” con và quan sát nhưng không đành lòng nhìn con khóc lại nhào ra ôm con. Như vậy sẽ xuất hiện trong tiềm thức của trẻ “Chỉ cần khóc là mẹ đến ngay” nên càng khó làm quen với trường lớp.

Do không thể ở cùng con nên những ngày đầu, nhiều PH chỉ cho con học nửa ngày rồi đến đón con về. Điều này là không tốt cho trẻ một chút nào vì đang làm quen với trường lớp lại được trở về nhà, khi quay lại lớp trẻ sẽ bị “sốc” tiếp lần hai. Vì thế PH cần phải kiên quyết để con lại.

Có PH thường mang đồ vật, con vật trẻ yêu thích đến lớp để trẻ chơi nhưng điều này cũng có mặt trái. Trẻ sẽ tập trung chơi với đồ vật của mình mà không hòa nhập với bạn bè. Đến khi tách đồ vật ra với trẻ rất khó, chỉ cần nhìn thấy chúng là trẻ lại òa khóc.

Tuyệt đối không được nói dối trẻ

Biết con “sợ” đến lớp nên trước giờ đi học, PH hay nói dối con rằng hôm nay mình đi chơi chứ không đi học. Trẻ sẽ phản ứng dữ dội khi bố mẹ nói được đi chơi nhưng lại “tống” mình vào lớp.

Do bị lừa trẻ sẽ vô cùng thất vọng, đau đớn, thậm chí có thể bị trầm cảm. Điều cần thiết là PH tuyệt đối không được lập lờ giữa việc đi học và đi chơi. Nên nhẹ nhàng, dịu dàng những cũng phải nghiêm khắc nói với trẻ cần phải đi học, chỉ đi chơi vào ngày cuối tuần. Nếu đã hứa sau giờ học hay cuối tuần đưa trẻ đi chơi PH cần phải thực hiện.

Phát hiện kịp thời khi trẻ bị khủng hoảng

Trong những đầu đến lớp, sẽ không tránh được trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe, khủng hoảng về tâm lý. Trẻ bị giảm cân, giật mình, nóng sốt… là điều hết sức bình thường, PH không cần quá lo lắng. Nếu tình trạng mơ sảng, giật mình diễn ra liên tiếp trên 3 ngày là nghĩa có dấu hiệu trẻ bị chấn thương tâm lý. Lúc này, PH cần trao đổi với giáo viên phụ trách, hiệu trưởng để cùng tìm ra những phương án thích hợp giúp trẻ thích nghi với thầy cô, bạn bè.

Hoài Nam (ghi)