Con đường của chàng trai 7 học bổng

(Dân trí) - Ngại nói về những thành công của mình, nhưng hỏi về kinh nghiệm xin học bổng thì nói “hơi bị nhiều” và chẳng hề giấu giếm điều gì. Anh chàng “7 học bổng” <a href="http://www.dantri.com.vn/nhipsongtre/2005/8/73508.vip">Nguyễn Thái Bình</a> nói về mình thật giản đơn và tiết lộ: “Người có ảnh hưởng lớn nhất đến tôi là… cậu em trai thua tôi đến 10 tuổi đấy”.

Một mình giành 7 học bổng lớn, phải chăng bạn có “công nghệ” đi “săn”? 

“Công nghệ” thì chắc là tôi không có. Nhưng để đi “săn” hiệu quả thì phải tìm hiểu kỹ “con mồi”. Còn bí quyết thì chắc là mỏ kiến thức và những thành tích mình đạt được trong một thời gian dài phấn đấu. Nhưng giai đoạn chuẩn bị “mồi” mới thực sự là giai đoạn quyết định sự thành công cho việc “săn”. 

Bạn phải khoanh vùng và tìm hiểu kỹ những học bổng nào mình có thể xin và tiêu chí của những học bổng đó là gì. Nhờ có sự chuẩn bị này mà bạn có nhiều thời gian hơn để cố gắng thỏa mãn những tiêu chí đó.

 

Có nhiều bạn vẫn hay thắc mắc làm thế nào để chuẩn bị tốt? Câu trả lời là bạn hãy tìm kiếm những thông tin liên quan đến học bổng bạn định xin qua các trang web tìm kiếm như Google hay Yahoo hoặc vào những forum trao đổi như Sinh viên du học hay ttvnol.com. Đôi khi chỉ một thông tin nhỏ nhưng qua đó bạn có thể hiểu rõ “con mồi” và việc đi săn do đó sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

 

Từ kinh nghiệm của chính mình, theo bạn, những yếu tố quan trọng cần có trong quá trình “săn” học bổng là gì?

 

Trong quá trình đi “săn” học bổng, quan trọng nhất là làm hồ sơ và sau đó sẽ đến quá trình phỏng vấn. Hồ sơ được coi như là bộ mặt của bạn trong mắt của những người xét duyệt học bổng. Một hồ sơ đẹp cho thấy công sức cũng như sự quan tâm của bạn đến học bổng.

 

Khi nộp đơn xin học bổng, ngoài các thành tích về điểm số, thì một trong những điều giúp bạn tạo ra cho mình một bản sắc riêng để người xét duyệt hồ sơ nhận thấy bạn là một người đặc biệt và từ đó lưu ý đến hồ sơ của bạn chính là bài luận (Statement of purpose). Trong bài luận, nên nêu tất cả những gì bạn cảm thấy đó là sự nổi bật của bạn và vì thế người ta nên chọn bạn hơn là những người khác.

 

Ở nước ngoài, sự giới thiệu được đánh giá cao. Do đó nếu bạn có thư giới thiệu của những người có uy tín trong ngành mà bạn theo học thì cơ hội bạn nhận được học bổng rất cao.

 

Một bộ hồ sơ đẹp sẽ giúp bạn lọt sâu vào vòng sau, nhưng sự tự tin mới giúp bạn đạt được cái đích cuối cùng. Thông thường các học bổng có sự cạnh tranh cao thì vòng tiếp theo sẽ là phỏng vấn. Bởi chỉ có qua phỏng vấn, người ta mới có thể hiểu rõ hơn được con người của bạn và đó cũng là dịp để bạn trả lời những thắc mắc mà bộ hồ sơ của bạn chưa đề cập đến.

 

Ở vòng phỏng vấn này, điều cần nhất là bạn phải tự tin và có kiến thức vững về chuyên ngành. Một điều quan trọng nữa là bạn phải hiểu được sự khác nhau giữa các cấp học (đại học - cao học - tiến sĩ). Cuối cùng, sự tự tin và niềm đam mê sẽ quyết định bạn có thể có được một cuộc phỏng vấn thành công hay không.

 

Khăn gói từ Huế vào TPHCM, rồi sang Anh - Pháp - Mỹ, bạn có gặp “cú sốc” nào về văn hóa không?

 

Nguyễn Thái Bình - chàng trai xứ Huế 23 tuổi từng đoạt 7 học bổng lớn, trong đó có 4 học bổng tiến sĩ của các trường ĐH hàng đầu của 3 nước Anh, Pháp, Mỹ.

 

Đó là: học bổng Gates Cambrigde Scholarships của Bill Gates ; học bổng của ĐH Duke ở North Carolina (Mỹ); học bổng của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF); và học bổng Ecole Polytechnique (AMX) ở Paris, Pháp.

 

Bình chọn học bổng Gates Cambridge Scholarship và đang chuẩn bị thủ tục để nhập học ĐH Cambridge (Anh) vào đầu tháng 10 tới.

 

Hiện Nguyễn Thái Bình đang tham dự trong đội tư vấn online của SVduhoc group cho những người muốn đi du học sau đại học. Nhóm của Bình đang cố gắng duy trì tư vấn online vào mỗi thứ 7 hàng tuần, lúc 15h, bạn có thể gửi email đăng kí xin được tư vấn ở địa chỉ: graduate_svdh@yahoo.com.

Có lẽ với tôi cú sốc lớn nhất không phải là “độ vênh” về văn hóa mà chính là cái nhìn sai lệch của một số người bạn nước ngoài về đất nước mình. Nhưng cũng nhờ đó mà tôi có được cơ hội để có thể đưa đến cho họ một bức tranh mới về Việt Nam hiện tại và cũng là để họ hiểu sâu hơn về văn hóa và con người Việt.

 

Văn hóa thì mỗi nơi một khác. Những nước mà tôi qua đều có một nền văn hóa riêng biệt. Ngay từ khi đặt chân đến nước Pháp, tôi may mắn khi được ở cùng với một gia đình người Pháp trong thời gian đầu học tiếng. Ở đó, họ từ từ dạy mình cách hòa nhập với văn hóa Pháp. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của người ta trong một bữa tiệc: “Khi bạn đến nhà một người lạ, bạn không biết nên làm gì thì hãy quan sát chủ nhà và làm theo đúng như thế”. Câu nói này đã “mách nước” cho tôi trong những chuỗi ngày đi qua Anh, Mỹ và các nước khác.

 

Chịu khó quan sát sẽ giúp bạn không là “cả ngố” khi va đụng với những nền văn hóa khác. Cũng thế, nó sẽ giúp bạn bắt nhịp nhanh hơn với cuộc sống xung quanh và sớm thích nghi được với các môi trường sống khác nhau.

 

Đoạt 7 học bổng lớn, rất đáng ngưỡng mộ, nhưng nhiều bạn trẻ lại “khoái” con người rất “đời” của bạn hơn (không là mọt sách, tích cực hoạt động xã hội, rất ưu ái những cơn buồn ngủ…) bạn đã tận hưởng tuổi trẻ của mình như thế nào?

 

Người ta vẫn thường nói, phải làm sao để tuổi trẻ của mình trôi qua một cách có ích nhất. Trong cuộc sống, tôi luôn cố gắng điều hòa giữa việc học, vui chơi và sức khỏe. Hoạt động xã hội là cách giúp tôi chống lại những cơn stress và hiểu hơn những giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi vui vì cảm thấy mình có ích…

 

Tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để được ngao du đây đó, được tiếp xúc với nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

 

Ở châu Âu, nếu bạn lên kế hoạch và mua vé từ sớm thì bạn sẽ mua được vé rẻ hơn rất nhiều. “Bật mí” một chút là tôi chưa bao giờ đi du lịch với vé máy bay trên 40 euro nhờ việc lên kế hoạch du ngoạn từ rất sớm. Nhờ “mẹo vặt” này mà tôi đã có thể đặt chân qua nhiều nước (Scotland, Ireland, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Hy Lạp, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Canada .... ) với số tiền tiết kiệm từ học bổng. Chính nhờ đi nhiều, gặp gỡ nhiều, tôi tự tin hơn hẳn trong giao tiếp và điều này là một trong những yếu tố quan trọng giúp tôi đạt được nhiều học bổng như vậy.

 

Bạn có thể nói qua một chút về gia đình mình được không? Và bạn đã chịu sự ảnh hưởng nào từ các thành viên trong gia đình?

 

Ba tôi trước là giảng viên môn Toán đã về hưu, mẹ tôi giờ cũng đã nghỉ mất sức để lo cho gia đình. Nhận được sự răn dạy nghiêm khắc của ông bà, ba mẹ nên ngay từ nhỏ tôi đã tạo cho mình một ý thức học tập và tự lập khi còn học phổ thông.

 

Khác với các ông bố bà mẹ khác, ba mẹ tôi luôn ngăn cấm việc con cái học khuya. Có lẽ vì thế mà đến giờ tôi mới có được thói quen phải thu xếp công việc trong ngày, để có thể… ưu ái cơn buồn ngủ mỗi khi nó đến.

 

Chính nhờ sự động viên từ gia đình mà tôi có thể yên tâm học hành và theo đuổi những gì mình mong muốn. Ba mẹ tôi không bao giờ ép buộc tôi làm những điều tôi không thích. Nhưng nếu bị ảnh hưởng thì tôi lại phải “chịu” đứa em trai năm nay lên lớp 8 của tôi. Tôi luôn cố gắng để trở thành tấm gương cho cu cậu noi theo.

 

Tôi vẫn nhớ mãi câu lập luận cự nự của cậu khi tôi khuyên em phải học giỏi hơn nữa: “Anh Bình học giỏi sao không đi du học ở nước ngoài như các bạn của anh?”, khi đó em tôi mới lên lớp 3 và tôi đang là năm nhất của đại học và đúng thật là có khá nhiều bạn bè của tôi đã vượt đại dương đi du học. Có lẽ câu nói đó đã làm nên động lực giúp tôi quyết tâm giành học bổng để đi du học và đó cũng chính là bước ngoặt lớn của đời tôi.

 

Thanh Trầm