Con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình

(Dân trí) - Dọc theo dòng Hậu Giang thơ mộng, trải dài từ Châu Đốc đến giáp biên giới Campuchia, bên kia sông là Phũm Xoài, bên này sông là Vĩnh Trường, Đa Phước, Đồng Cô Ky, Lama, Quốc Thái, Khánh Hòa, Nhơn Hội, những làng Chăm đã tạo nên một nét văn hóa giữa lòng châu thổ, trong cộng đồng các dân tộc anh em, vừa đa dạng vừa độc đáo.

An cư lập nghiệp…

An Giang là tỉnh có các cộng đồng người Chăm cư trú khá lâu đời với trên 13.000 người sinh sống. Hiện nay, 100% ấp, xã vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, có nhà máy nước và có trên 90% hộ được lắp đặt điện kế và nước sạch sinh hoạt. Đường giao thông được nhựa hóa hoàn toàn, 8 xã vùng đồng bào Chăm có nhà văn hóa, trạm phát thanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư trên 8,2 tỷ đồng xây dựng hàng trăm cơ sở hạ tầng, thâm canh tăng vụ từ 1 lên 2,3 vụ, hỗ trợ đất ở cho gần 300 hộ, cất mới 852 căn nhà theo Chương trình 134, 135, cất 223 căn cho hộ nghèo, hỗ trợ vay trên 6 tỷ đồng để bà con nghèo làm vốn sản xuất, mua bán nhỏ...

Nhờ những chính sách này mà bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm được phát triển khởi sắc toàn diện so trước đây, đời sống có bước phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người 19.751.000đ/năm, số hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 239 hộ, chiếm 7,3%. Có 2.400 hộ/3.273 hộ, 8 ấp, 4 xã dân tộc Chăm đạt danh hiệu văn hóa, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư có đồng bào Chăm sinh sống luôn được giữ vững ổn định.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự đối với vùng đồng bào dân tộc Chăm, tình hình mới trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào. Đặc biệt, việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục được Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương cũng như chính những vị chức sắc, đồng bào dân tộc Chăm hết sức chú trọng.

Ông A Ly, Giáo cả Thánh đường Mukarromah, xã Khánh Bình, huyện An Phú cho biết, ngày nay đồng bào Chăm ở đây được quan tâm một cách đặc biệt, được hỗ trợ và tạo điều kiện để xoá đói giảm nghèo, được tự do hành lễ theo qui định Hồi giáo.

Lớp học của trẻ em người Chăm.
Lớp học của trẻ em người Chăm.

Đồng bào còn được chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp đỡ trong việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, có cả đội bóng đá, đội bóng chuyền, đội văn nghệ... Và nhất là, chính quyền đã tạo điều kiện đưa tiếng và chữ viết Chăm vào chương trình dạy song ngữ của trường tiểu học, giúp con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình.

Nhiều em đã tốt nghiệp các trường đại học, cáo đẳng, trung cấp và trở về phục vụ địa phương. Trong xóm Chăm ở ấp Bình Di, xã Khánh Bình cũng có 3 người là đảng viên, đang công tác ở Hội đồng nhân dân xã.

Con em đồng bào Chăm được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình - 2

Cộng đồng người Chăm sống tập trung thành từng xóm nhỏ ở các xã đầu nguồn giáp biên giới Campuchia và hạ nguồn giáp Châu Đốc. Ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất thủ công, đánh bắt thủy sản, một số khác đi buôn bán khắp các nơi ở miền Tây và TP Hồ Chí Minh. Cuộc sống đồng báo dân tộc Chăm tại An Giang ngày một khởi sắc.

Giữ gìn bản sắc văn hóa Chăm

Một điều rất đáng trân trọng đối với đồng bào Chăm ở vùng biên giới, đó là dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ở đây không bao giờ có các tệ nạn xã hội như bài bạc, đánh nhau, đá gà, cá độ hay buôn lậu hàng hóa qua biên giới. Lớp trẻ người Chăm cũng rất ít bị ảnh hưởng bởi các thói hư tật xấu như game, hút thuốc, rượu chè bê tha...

Giáo cả A Ly trao đổi công việc cùng bộ đội biên phòng.
Giáo cả A Ly trao đổi công việc cùng bộ đội biên phòng.

Bên cạnh đó, đồng bào Chăm luôn ý thức lưu giữ những giá trị riêng, những nét văn hóa đặc trưng của những tín đồ theo đạo Islam. Điều này thể hiện qua hàng loạt lễ hội diễn ra quanh năm như: Lễ tạ ơn, lễ cầu an, lễ hội đua ghe ngo, lễ mừng sinh nhật giáo chủ Mohammed, lễ Ramadan, lễ hội Roya...

Ông A Ly, Giáo cả thánh đường Hồi giáo Mu Ka Rro Mah ở xã Khánh Bình, huyện An Phú cho biết: ''Người Chăm theo dòng Islam ở An Giang khác với người Chăm theo dòng Balamon ở Ninh Thuận. Người Chăm An Giang xem lễ Ramadan là quan trọng nhất thì người Chăm Ninh Thuận xem lễ hội Kate là quan trọng nhất''.

Lễ Ramadan của người Chăm An Giang là lễ nhịn ăn hoặc tháng ăn chay. Ramadan kéo dài từ mùng 1 đến ngày 30 của tháng thứ 9 Hồi lịch. Bước vào tháng Ramadan, trừ trẻ em dưới 15 tuổi, mọi người Chăm còn lại phải nhịn ăn từ trước khi mặt trời mọc đến mặt trời lặn mỗi ngày. Sau giờ này, người ta có thể ăn uống thoải mái.

''Những người già cả, bệnh tật không thể nhịn ăn thì phải ''trả gạo'' mỗi ngày theo số lượng quy định để san sớt cho người nghèo. Ý nghĩa của lễ Ramadan này là sự sẻ chia, cảm thông với những người nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc trong cộng đồng để mọi người yêu thương nhau hơn; đồng thời rèn luyện cho họ sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất'' - Giáo cả A Ly cho biết thêm.

Lễ tạ ơn (Asura) thường được tổ chức vào mùng 10 tháng giêng Hồi lịch (sau âm lịch 1-2 ngày).

Phụ nữ Chăm cùng bộ đội gói bánh tét mừng Tết quân - dân.
Phụ nữ Chăm cùng bộ đội gói bánh tét mừng Tết quân - dân.

Lễ cầu an là xin thánh Allah ban cho con người sức khỏe để làm ra lúa gạo. Đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống của đồng bào Chăm An Giang, thường được tổ chức thi đấu, giao lưu giữa 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa trong tỉnh.

Lễ mừng sinh nhật nhà tiên tri - Giáo chủ Mohammed vào ngày 12/4 Hồi lịch hằng năm là dịp để con cháu người Chăm tìm hiểu về cội nguồn, về sự ra đời của đạo Hồi.

Lễ hội Roya - Tết dân tộc. Roya chia làm hai giai đoạn: Tiền Roya (Roya Fitry) và Roya chính (Roya Phik Trok hay Haji). Theo ông A Ly, Roya Fitry là thời gian để mọi người chuẩn bị nhà cửa, nuôi thúc dê, bò hoặc tranh thủ đi làm kiếm tiền về ăn Tết.

Dịp Roya, nam giới từ 15 tuổi trở lên sẽ đến giáo đường hành lễ, cầu nguyện trong một ngày, những ngày còn lại đến nhà hàng xóm thăm hỏi, chúc tụng. Nhờ đó, cộng đồng người Chăm ở An Giang rất gắn bó, thân thiết với nhau.

Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm An Giang còn gọi lễ hội này là ''Roya yêu thương''. Roya còn là dịp để người Chăm theo đạo Hồi hành hương về thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi. Ông Mách Salếs, Giáo cả thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khoi Ri Yah (ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội) cho biết ''Những người giàu có năm nào cũng hành hương về thánh địa Mecca.

Người Hồi nào chưa đến thánh địa này một lần thì chết cũng còn hối tiếc''. Vào dịp lễ Roya, nhiều du khách đến các làng Chăm An Giang tham quan, chung vui đều được các gia đình người Chăm tiếp đãi hết sức chân tình, nồng hậu.

Bên cạnh những lễ hội mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng, người Chăm An Giang còn tổ chức nhiều lễ hội khác: Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm Búng Bình Thiên ở huyện An Phú (dịp Quốc khánh 2/9) và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang, luân phiên tổ chức hai năm một lần tại các huyện có dân tộc Chăm sinh sống. Đây là hoạt động nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm; là dịp quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm An Giang.

Nguyễn Hành – Đức Thắng