Con gái hiệu trưởng dùng bằng giả để đi dạy

(Dân trí) - Năm 2001, các giáo viên của Trường Mầm non bán công Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội tình cờ phát hiện giáo viên trong hồ sơ cán bộ nhân viên của trường có một cái tên lạ hoắc là Nguyễn Thị Lệ Hằng. Thực chất trường không có ai tên như vậy.

Kiểm tra kỹ mới biết, một giáo viên khác trong trường đã dùng tên, chính xác hơn là dùng bằng cấp của Nguyễn Thị Lệ Hằng để được tuyển dụng và hưởng chế độ trong một thời gian dài. Sai phạm thì đã rõ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 

“Hồn trương ba, da hàng thịt”

 

Cái tên Nguyễn Thị Lệ Hằng trong hồ sơ, văn bằng lưu tại trường mầm non bán công Tứ Hiệp thực chất chỉ là “vỏ bọc” của giáo viên Nguyễn Thu Hà. Cô giáo Nguyễn Thu Hà về công tác tại trường từ năm 1992, suốt một thời gian dài, Hà đã lấy tên là Nguyễn Thị Lệ Hằng để được tuyển dụng và nâng cao trình độ như đi học tại sơ cấp mẫu giáo, trung cấp mẫu giáo.

 

Cuối năm 2001, dưới sự chủ trì của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Trì, Hội đồng giáo dục trường Tứ Hiệp đã tổ chức 1 cuộc họp để mổ xẻ những vấn đề trên. Tại đây, cô Hà thú nhận: Do không có bằng cấp 2 nên khi vào ngành mầm non đã lấy bằng cấp 2 của chị gái là Nguyễn Thị Lệ Hằng, tiếp đó với dùng tên này đi học sơ cấp mẫu giáo, học cấp 3 tại trường Bổ túc dân chính và Trung cấp Mẫu giáo.

 

Xem xét hình thức kỷ luật, Hội đồng giáo dục nhà trường đi đến một quyết định hết sức “trái khoáy” là: “Nhất trí để cho đồng chí Nguyễn Thu Hà ở lại trường tiếp tục công tác, đồng thời yêu cầu đồng chí Nguyễn Thu Hà đi học để hoàn thiện bằng cấp theo đúng tên tuổi của mình”.

 

Sự việc này khiến nhiều giáo viên trong trường bức xúc bởi không biết căn cứ vào đâu để Hội đồng giáo dục Trường Mầm non bán công Tứ Hiệp, dưới sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục đào tạo huyện Thanh Trì lại có thể đưa ra một cách giải quyết lạ lùng như vậy?

 

Chỉ có một câu trả lời “ngoài luồng” được hé lộ là, cô giáo Nguyễn Thu Hà chính là con gái của bà Nguyễn Thị Phú - đương kim Hiệu trưởng nhà trường.

 

Con hát mẹ khen hay

 

Sau khi có sự “nương tay” trên của Hội đồng giáo dục trường mầm non bán công Tứ Hiệp, chỉ trong khoảng thời gian từ cuối 2001 đến năm cuối 2003, Nguyễn Thu Hà đã nhanh chóng hoàn thiện đầy đủ toàn bộ các “kiến thức” và văn bằng lẽ ra cần phải có ngay từ những ngày đầu vào làm việc tại trường của mình.

 

Cụ thể, Nguyễn Thu Hà đã có đủ cả 3 tấm bằng như: Bằng THCS, THPT và bằng Trung học chuyên nghiệp trong một khoảng thời gian cực ngắn theo đúng “yêu cầu” đề ra. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều giáo viên thì việc đi học cấp 3 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Đông Mỹ của huyện vào các buổi tối (theo diện 2 năm 3 lớp) của Nguyễn Thu Hà cũng có nhiều chuyện “lình xình”.

 

Chẳng hạn như: Đến ngày thi tốt nghiệp THPT cô Hà không có bằng THCS nên đã không được dự thi lấy bằng. Và để có tấm bằng cấp 3, cô Hà đã phải quay lại ôn tập lớp 9 để thi lấy bằng cấp 2 rồi mới quay trở lại thi tốt nghiệp.

 

Lối “đi ngang về tắt” cũng được lặp lại khi cô theo học ở Trường Trung cấp Sư phạm nhà trẻ - Mẫu giáo khi trường trên đã “tế nhị” cho cô bảo lưu kết quả học tập để chờ cô thi nốt lấy bằng Tốt nghiệp THPT rồi sau đó mới cho cô thi tốt nghiệp…

 

Vậy là, chỉ cần trong khoảng một thời gian rất ngắn (2 năm), giáo viên Nguyễn Thu Hà đã “theo học” và có đầy đủ tất cả các loại bằng cần thiết, mà thông thường phải theo học tới cả gần chục năm trời.

 

Trả lời về sự việc này, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết: Sự việc trên, Phòng Giáo dục huyện có biết. Tuy nhiên, do lúc đó trường mầm non còn nhiều khó khăn, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở hạ tầng… nên Phòng đã chấp nhận cho cô Hà ở lại.

 

Khi hỏi về trách nhiệm của mình trong việc đưa người nhà, thậm chí là chấp nhận gian lận bằng cấp, bà Nguyễn Thị Phú - Hiệu trưởng đã né trách trách nhiệm cá nhân và cho rằng đó là điều không có gì “bất bình thường” bởi, lúc đó giáo viên thiếu miễn có người chịu dạy trẻ là tốt (?!).

 

Bà Phú cũng cho rằng: Bản thân Hà là người có năng khiếu, hát hay, múa giỏi có nguyện vọng thiết với nghề. Và mặc dù lấy tên người khác nhưng giáo viên Hà tỏ ra là một người có năng lực(?).

 

Trao đổi với chúng tôi, một số giáo viên của trường cho biết: Chưa cần nói đến chuyện cô Hà có thực sự theo học tại các lớp trên hay không, nhưng với kiểu học “siêu tốc” như vậy thì liệu giáo viên Nguyễn Thu Hà có đủ kiến thức, năng lực để dạy cho các cháu? Và với việc giả mạo như vậy liệu cô Nguyễn Thu Hà có còn đủ “tư cách” để đứng trên bục giảng làm “người mẹ hiền thứ 2” cho các cháu?

 

Thái Sơn - Phúc Hưng