Con gái học Công nghệ thông tin - tại sao không?

Luôn ám ảnh bởi câu nói “Con gái học Công nghệ thông tin làm sao đấu lại tụi con trai”, và với cá tính thích thử thách, Hương đã “ráo riết” lao theo CNTT để chứng minh “con trai làm được, sao con gái lại không?”.

Lao theo như bị nam châm hút

11 năm theo đuổi học CNTT nhưng Diệp Phạm Thiên Hương chỉ có thể lý giải cho đam mê của mình bằng cụm từ “lao theo như bị nam châm hút”. “Người ta nghiện game, nghiện bia, còn em nghiện code”, Thiên Hương nói vui.

Con gái học Công nghệ thông tin - tại sao không? - 1
Diệp Phạm Thiên Hương “lao theo CNTT như bị nam châm hút”

Từ năm lớp 6, Hương đã theo đuổi lập trình, phần vì đam mê, phần vì quý thầy dạy Tin học. “Hồi đó, cả khối lớp 6 chỉ có em và 2 bạn nữa đăng ký học lớp chuyên tin (lớp bổ sung năng khiếu sau giờ học). Không đủ sĩ số để mở lớp, nhưng thầy vẫn xin mở lớp và đến trường dạy tụi em. Thầy tận tình và dạy rất hay. Nhờ thầy mà một bạn vào chuyên Tin Phổ thông năng khiếu, hai bạn còn lại vào chuyên tin THPT Chuyên Lê Hồng Phong (trong đó có em)”, Hương kể lại. Nhưng có một lý do làm ngòi châm cho đam mê chính là câu nói “Con gái học CNTT làm sao đấu lại tụi con trai”. “Tính em thích thử thách, nghe mọi người nói vậy, lại càng quyết tâm theo đuổi hơn”, Hương chia sẻ.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Hương chọn khoa Toán Tin của trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hồ Chí Minh để tiếp tục theo đuổi đam mê. Trong suốt 4 năm học (2011-2015), bệnh “nghiện code” đã giúp Hương có được những thành tích đáng để học tập. Từ năm thứ 1 đến năm thứ 4, Hương luôn nhận được học bổng dành cho sinh viên có thành tích học tập tốt. Riêng năm học 2013-2014, Hương là một trong số 5 sinh viên xuất sắc của trường Khoa học Tự nhiên Hồ Chí Minh được nhận học bổng từ Quỹ học bổng Lawrence S.Ting.

Con gái học Công nghệ thông tin - tại sao không? - 2
Hương là một trong 5 sinh viên xuất sắc của trường được nhận học bổng Lawrence S.Ting

Không chỉ nổi danh với các loại học bổng, cô sinh viên 9x của trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hồ Chí Minh còn khá dày dạn kinh nghiệm chuyên môn, không chỉ về các ngôn ngữ lập trình mà còn cả về phân tích thuật toán; thiết kế phần mềm; học máy… Đây là những kinh nghiệm mà Hương có được khi tích cực tham gia vào các dự án công nghệ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh thành tích học tập “không thua nam nhi”, Hương còn là người khá năng nổ trong các hoạt động xã hội. “Ban đầu chỉ tham gia cho vui nhưng sau thấy thích. Tham gia hoạt động xã hội giúp em học bài tập trung hơn hẳn, vì học “lẹ” để còn đi chơi mà”, Hương đùa.

Và mục tiêu từ N5 lên N1 trong vòng một năm

Ra trường, Hương dự định theo hướng nghiên cứu thuật toán và thiết kế phần mềm. Nhưng cá tính “ưa thử thách” lại dẫn dắt Hương rẽ sang một ngã rẽ khác trở thành kỹ sư cầu nối (Bridge Software Engineer – BrSE, kỹ sư CNTT thông thạo tiếng Nhật). “Bạn em có ước mơ làm kỹ sư cầu nối, em thấy cũng hay hay nên tìm hiểu. Sau một thời gian tìm hiểu về nghề này em thấy cũng khá phù hợp nên quyết định đăng ký tham gia Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối và bắt đầu một thách thức mới”, Hương cho biết.

Hương cùng hơn 100 bạn học viên khác của Chương trình đã bắt đầu khóa đào tạo tiếng Nhật, tiếng Nhật chuyên ngành CNTT và các kỹ năng giao tiếp cần thiết cũng như văn hóa Nhật Bản trong vòng 12 tháng tại Nhật Bản. Kết thúc khóa học Hương và các bạn sẽ phải thi đỗ chứng chỉ N2. (Chứng chỉ tiếng Nhật dành cho người nước ngoài được chia làm 5 cấp độ từ N5 (dễ nhất) đến N1 (khó nhất).

Con gái học Công nghệ thông tin - tại sao không? - 3
Hương (đứng thứ hai từ trái sang) cùng các học viên Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối tại sân bay Nhật Bản.

Đây thực sự là một thách thức, đặc biệt là đối với những người chưa từng học qua tiếng Nhật như Hương. Vì thông thường để đạt được chứng chỉ N2 tiếng Nhật, nếu học bán thời gian tại Việt Nam người học phải mất từ 2-3 năm.

Tuy nhiên, với Hương thách thức lại chính là động lực. “Khi nhận được tin hồ sơ tham gia Chương trình được chấp nhận, em mới học cấp tốc tiếng Nhật 3 tháng để đạt trình độ N5. Để đạt trình độ N2 trong một năm thật sự phải cần nỗ lực rất lớn. Nhưng cuộc sống là như thế, mình phải đặt mục tiêu cao thì mọi thứ mới thật sự thú vị”, Hương bày tỏ quyết tâm. Hương cũng khẳng định: “Quyết định tham gia Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Em hy vọng sau một năm học tập có thể được nhận vào làm việc trong các công ty tại Nhật với vai trò là một kỹ sư cầu nối thực thụ”.