“Con không đi học thêm, sợ cô ghét...”

Chỉ sau ngày khai giảng năm học mới 2005-2006 được vài ngày, con tôi đang học lớp 5 một trường ở quận Tân Bình đã vội về xin phép: “Mẹ ơi cho con đi học thêm…”.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Sao vừa khai giảng năm học mới mà đã học thêm?”. Con tôi trả lời: “Nhiều bạn trong lớp con đều đi học thêm, cô giáo chủ nhiệm dạy mà. Con không đi học, sợ cô ghét…”.

 

Tôi không khỏi băn khoăn vì con tôi luôn đạt học sinh giỏi, chưa cần thiết phải học thêm, nếu có học thêm thì phải đợi một thời gian học tập, nếu thấy cháu học yếu môn nào, tôi sẽ cho cháu đi học thêm môn đó cũng không muộn.

 

Hơn thế nữa, được biết chính Giám đốc Sở GD -ĐT TPHCM đã chỉ đạo việc cấm dạy thêm, học thêm, vậy mà hiện nay không hiểu sao tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra rất phổ biến ở nhiều nơi, còn ngành giáo dục thì chưa có biện pháp chế tài hữu hiệu  nhằm ngăn chặn tình trạng này.

 

Trong khi ngành giáo dục chủ trương giảm thiểu áp lực học tập cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thì hầu như nhiều học sinh trong lứa tuổi cắp sách đến trường vẫn đang bận rộn với việc học thêm. Học sinh tiểu học thì sáng học bán trú, chiều về… học thêm; học sinh trung học dù học cả ngày nhưng tối vẫn đi học thêm. Nghĩa là, “sự nghiệp học hành” vẫn rất… nặng nề và tình trạng “người người học thêm, nhà nhà dạy thêm” vẫn diễn ra mọi lúc, mọi nơi.

 

Giá cả học thêm thì “bèo” nhất cũng từ 120.000 đồng/tháng đến 150.000 đồng/tháng; còn “thường thường bậc trung” giá khoảng 500.000 đồng/tháng. Đó là chưa kể những lò luyện thi hoặc những nơi có người nước ngoài dạy theo giờ thì tiền học phí tính bằng USD. Tại các “lò” dạy thêm của các giáo viên, bình quân có khoảng từ 15 đến 20 học sinh trở lên, đa số là học thêm các môn “nóng” như: toán, tiếng Việt, Anh văn, vi tính…

 

Vì sao cho tới nay, việc dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại như một khổ nạn? Theo chúng tôi, lỗi này không của riêng ai. Về phần nhà trường, ban giám hiệu các trường chưa thường xuyên nhắc nhở, thậm chí nghiêm cấm triệt để các thầy cô giáo không được “buộïc” học sinh học thêm để kiếm lợi.

 

Chính vì món lợi của việc dạy thêm, học thêm mà không ít giáo viên trẻ mới ra trường không chịu về dạy học ở các vùng sâu, vùng xa, bởi lẽ ở vùng nông thôn, các em học sinh nghèo mỗi tháng không đủ tiền học phí, có em phải xin học miễn phí thì lấy đâu ra tiền để học thêm. So sánh, giáo viên nội thành chỉ cần dạy thêm “sơ sơ” cũng thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng trở lên, trong khi giáo viên ngoại thành chỉ thu nhập tiền lương vài trăm nghìn đồng/tháng, khiến cuộc sống luôn hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ cao độ mới vượt qua nổi.

 

Về phía gia đình, nhiều phụ huynh đã bắt con mình học thêm suốt ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật, chỉ vì quan niệm rằng: cho con học thêm mới yên tâm. Học thêm như thế con mình mới giỏi! Họ không hiểu rằng, việc học giỏi hay không hoàn toàn không phụ thuộc nhiều vào chuyện học thêm, mà do chính bản thân mỗi học sinh có chăm chỉ học tập hay không, bởi thực tế, nhiều em học sinh là con nhà nghèo làm gì có tiền học thêm, chủ yếu tự học, tự rèn luyện đã đậu thủ khoa nhiều trường, trong khi đó, nhiều em con nhà khá giả học thêm suốt ngày, cuối cùng vẫn thi rớt hoặc có đậu thì điểm cũng không cao.

 

 

 Theo Ngọc Quỳnh

Sài Gòn Giải Phóng