Cơn lốc luyện thi cấp tốc vào lớp 1

Nói về việc các bậc phụ huynh đua nhau cho trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1, ông Trần Công Dũng, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Hải Phòng khẳng định: "Chương trình học định ra cho 9 tháng thì không có lý gì khi co lại trong 4 tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng."

Bố mẹ cho trẻ "chạy" trước chương trình lớp 1

Vào những ngày đầu năm mới này, đến nhiều trường mẫu giáo ở một số thành phố lớn, có thể nhận thấy sĩ số cháu ở các lớp 5 tuổi giảm một cách đột biến. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Tân, lớp 5C2, Trường Mầm non Trại Chuối, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, cho biết: "Trước khi nghỉ Tết, lớp tôi có 44 cháu, bây giờ chỉ còn… 26. Các cháu nghỉ là do bố mẹ đưa đến các lớp học trước chương trình lớp 1. Mấy năm gần đây, năm nào tình trạng các cháu bỏ học cũng diễn ra, bắt đầu từ tháng 2 dương lịch".

Chuyện trẻ ở những lớp mẫu giáo lớn bỏ trường mầm non từ đầu học kỳ 2 để đi học trước chương trình lớp 1 giờ không còn là chuyện hiếm ở các đô thị và dường như phong trào này ngày càng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Điều này bắt nguồn từ tâm lý bất an của các ông bố, bà mẹ.

Ở chương trình học lớp 5 tuổi bậc học mầm non, việc dạy nhận mặt chữ cái, chữ số và làm các phép tính đơn giản đã được đưa vào nhưng tất nhiên, chỉ ở mức đơn giản tối đa. Do nôn nóng muốn con mình bắt nhịp nhanh với chương trình tiểu học, một số phụ huynh đã tự mua sách lớp 1 về dạy cho con hoặc đưa trẻ đến các lớp học chữ tại gia, thường do giáo viên tiểu học nghỉ hưu hoặc chính các thầy cô đang dạy tiểu học mở.

Theo lời "quảng cáo" của một "chuyên gia" có thâm niên trong việc tổ chức cho các "sĩ tử" lứa tuổi… mầm non dùi mài vào lớp 1 tại Hải Phòng, chỉ trong khoảng 3 - 4 tháng theo học tại lớp của họ, trẻ đã cơ bản hoàn thành chương trình lớp 1!

Nguy cơ cho các “sĩ tử” mầm non

Trong số những bậc cha mẹ cho trẻ mầm non học trước chương trình lớp 1, không phải ai cũng không biết rằng việc này có những hệ lụy cho trẻ.

Chị Trần Hải Vân, ở đường Trần Đại Nghĩa, khu đô thị Hòa Vượng, TP. Nam Định phân vân: "Cũng biết những nguy cơ khi cho trẻ học trước chương trình nhưng nhiều người cho con học trước mà mình không cho đi thì không yên tâm. Nhỡ khi vào lớp 1, con mình học kém so với bạn bè thì sao?".

Cùng chung tâm trạng với chị Vân là anh Nguyễn Ngọc Tuấn, ở phường Cát Bi, quận Hải An, TP Hải Phòng. Có con gái nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo, vợ chồng anh đang có ý tìm cho cháu một lớp học chữ.

Anh Tuấn nói: "Tôi nghĩ rằng cho đi học trước thì cùng lắm cũng chỉ giúp cháu bắt nhịp nhanh ở đầu năm lớp 1, còn về sau thì vẫn phải theo trình tự chương trình chứ làm sao cho đi học trước mãi được. Thế nhưng nhìn mấy đứa trẻ hàng xóm bằng tuổi con tôi đã biết đọc, biết viết chữ, làm toán thì cũng hoang mang. Có lẽ nay mai tôi vẫn phải cho con đi học thôi".

Nói về vấn đề này, ông Trần Công Dũng, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Hải Phòng khẳng định: "Chương trình học định ra cho 9 tháng thì không có lý gì khi co lại trong 4 tháng mà vẫn đảm bảo chất lượng. Điều này nếu có thì quả là nguy hiểm!".

Vấn đề cho trẻ mầm non đi học trước chương trình đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện truyền thông. Các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng, không nên cho trẻ học trước nhằm tránh những nguy cơ liên quan đến các mặt: giáo dục (lợi bất cập hại khi trẻ được dạy không đúng cách, điều này thường xảy ra ở các lớp của giáo viên đã nghỉ hưu hoặc không có trình độ sư phạm tiểu học); y học (cận thị, gù lưng, vẹo cột sống… do không được học trong những điều kiện tiêu chuẩn); tâm lý học (thái độ chủ quan trong học tập có thể ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách trẻ)…

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến "cơn lốc" luyện thi cấp tốc vào lớp 1 trên của các "sĩ tử" lứa tuổi mầm non?

Ngành Giáo dục và Đào tạo chưa làm an lòng phụ huynh

Dù có cảnh báo về những nguy cơ khi cho trẻ đi học trước chương trình, cấm giáo viên tự tổ chức dạy trước chương trình, nhưng có lẽ việc giám sát lại không được ngành GD-ĐT làm đến nơi đến chốn. Trên thực tế, vẫn có những lớp dạy trước chương trình mọc thêm sau mỗi năm, trong khi những lớp cũ hoàn toàn không bị xử lý nếu không để xảy ra một sự cố thật sự đáng kể.

Nếu nói ngành GD-ĐT không biết đến sự tồn tại của những lớp học này thì quả là một điều khó tin. Hiện nay, nếu chỉ cần tỏ ý muốn cho con đi học, lập tức phụ huynh nào cũng có thể nhận được vô khối lời chỉ dẫn về địa điểm lớp học, chất lượng ra sao, thậm chí thầy cô đứng lớp là ai…

Thêm một điều bất cập nữa đang tồn tại ở các trường tiểu học, đó là nhiều giáo viên, một cách không chính thức, cũng hưởng ứng việc cho trẻ học trước chương trình bằng chính thái độ của họ. Không ít phụ huynh đã phản ánh rằng giáo viên của con em họ tỏ thái độ khó chịu với những trẻ chưa biết đọc, biết viết khi bước vào lớp 1, khiến các cháu trở nên tự ti.

Mặc dù không thừa nhận điều này nhưng cô giáo Bùi Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, tỏ ra thực tế: "Nhìn chung, dạy những học sinh đã biết đọc, biết viết khi vào lớp 1, giáo viên sẽ nhàn hơn rất nhiều. Do đó, việc họ thích dạy trẻ đã được đi học trước hơn cũng dễ hiểu".

Về thực trạng này, xin được nêu một trường hợp mà chúng tôi đã có dịp chia sẻ qua mạng Internet. Một phụ huynh có tên Ngô Thiệu Phong tại Hà Nội tâm sự rằng, con anh đã gặp nhiều khó khăn do chưa biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1.

Đặc biệt, giáo viên đứng lớp đã tỏ thái độ rất thiếu chuẩn mực khi thường xuyên chê những cháu chưa biết đọc, viết, trong đó có con anh, dẫn đến tình trạng cháu trở nên tự ti, ít hòa đồng với bạn bè và phải chịu cảnh lạc lõng giữa tập thể.

Có thể trường hợp anh Ngô Thiệu Phong nêu ra chưa phải là phổ biến nhưng như vậy, đã có lý do để lo ngại rằng khi tình trạng học sinh đi học trước chương trình chiếm đa số thì những trẻ tuân thủ đúng quy trình giáo dục sẽ phải chịu thiệt thòi.

Theo Hà Linh
CAND