Con tôi được mời vào chiếu bạc?

Nhưng đã xảy ra một việc khiến tôi phải giật mình nhìn lại. Số là tuần rồi, con tôi về xin mẹ tiền để mua vé số ủng hộ...

Con tôi đang học lớp 3 một trường tiểu học ở TPHCM. Hằng năm, nhà trường đều có nhiều đợt quyên góp trong học sinh: giúp đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn; giúp bộ đội Trường Sa; mua tăm ủng hộ hội người mù; giúp học sinh nghèo vùng sâu vùng xa, quà Cây mùa xuân...

 

Là CNVC nhà nước, tôi tự xem đây là nghĩa vụ xã hội, bản thân tôi cũng thường xuyên hưởng ứng những đợt phát động như vậy tại cơ quan mình. Là phụ huynh học sinh, tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động từ thiện, hoàn toàn không phải vì sợ ảnh hưởng đến thành tích học tập của con!

 

Điều quan trọng là vì, là một người mẹ, từng trải qua những năm tháng ấu thơ khốn khó, tôi luôn ghi tạc trong lòng bài học “nhường cơm sẻ áo” như là lời tri ân đến những mạnh thường quân đã giúp đỡ gia đình tôi năm xưa...

 

Con tôi từ thuở lên 3 lên 4 đã luôn được cha mẹ hướng dẫn và hình thành lối sống biết cảm thông, chia sẻ, vì thế cháu sớm tỏ ra là đứa trẻ biết thương người, không ích kỷ.

 

Việc cho con tham gia hoạt động từ thiện của nhà trường, với tôi, là cơ hội tốt để vun đắp lòng nhân ái, tính hướng thiện ở trẻ thơ. Và tôi tin có không ít phụ huynh cũng đã nghĩ như tôi.

 

Nhưng đã xảy ra một việc khiến tôi phải giật mình nhìn lại. Số là tuần rồi, con tôi về xin mẹ tiền để mua vé số ủng hộ... Đây không phải là lần đầu tiên nhà trường phát hành vé số cho học sinh, và tuy “dị ứng” với kiểu làm từ thiện bằng vé số, tôi vẫn không từ chối đề nghị của con.

 

Chuyện tưởng chỉ có vậy! Nhưng tối hôm sau, tôi bắt gặp cháu ngồi ở bàn học, không động đến tập vở mà chỉ săm soi xấp vé số trong tay. Thấy tôi, cháu hồ hởi bảo: “ Mẹ ơi, tụi bạn trong lớp con rủ nhau mua vé số vì mua càng nhiều càng dễ trúng thưởng. Nhà mình sắp giàu to rồi, mẹ có mừng không?”.

 

(Thảo nào cháu cứ nài nì tôi xin mua 10 tờ thay vì 5 tờ khi tôi đưa tiền cho cháu!). Nhìn vẻ mặt ngây thơ đang đắm đuối trong giấc mơ “đổi đời”, tôi không nỡ trách mắng cháu, nhưng “bà - mẹ - dạy - con - làm - từ - thiện” trong tôi đang cười như mếu! Con tôi “thực dụng” từ bao giờ thế?! Cái trò may rủi theo lối đánh bạc bằng cách nào và tự bao giờ đã len lỏi vào làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng của con tôi?

 

...Không thể trách cô giáo trong chuyện này bởi có lẽ cô chỉ thực hiện lệnh của nhà trường trong việc vận động học sinh tự nguyện mua vé số.

 

Không thể trách nhà trường trong chuyện này, bởi đến lượt họ cũng chịu áp lực về chỉ tiêu hay chương trình gì gì đó do cấp trên đưa ra. Và có lẽ cũng không thể trách phòng giáo dục, bởi trên họ lại là một cấp trên nào đó... Thế thì biết bày tỏ với ai đây?

 

Câu hỏi của tôi ngắn gọn thôi, xin hãy trả lời giúp: Làm thế nào để lòng nhân ái của trẻ thơ không bị điều kiện hóa?          

 

Theo Trần Hữu

Tuổi Trẻ