“Con tôi “lộ hàng” trên mạng, tôi phải làm sao?”

Theo ghi nhận từ dịch vụ tư vấn tâm lý của tổng đài 1080 và một số trung tâm tư vấn hôn nhân-gia đình, chuyên gia thường xuyên tiếp nhận những băn khoăn của phụ huynh kiểu như: “Con tôi “lộ hàng” trên mạng, tôi phải làm sao?”, “Con tôi muốn thành hotgirl… tôi có nên ngăn cấm?”...

Trong khi các cậu ấm, cô chiêu đang cố tìm mọi cách thể hiện độ “hot” thì không ít ông bố, bà mẹ cũng nóng không kém vì thấy mình như đang ngồi trên đống lửa!

 
Hotgirl nổi loạn!
 
Sự bất an phủ trùm lên tổ ấm của chị Vương Thị Tâm An (Tân Bình, TP.HCM) từ cách đây hơn tháng, khi chị tình cờ được một đồng nghiệp trong công ty cho hay có nhìn thấy hình nude bán thân trên mạng rất giống con bé Tuyết Anh (16 tuổi) nhà chị! Tá hoả, tối hôm ấy chị An vội tra hỏi con, song con chị một mực không nhận. Thấy thái độ của con bất thường, tranh thủ lúc con ngủ, vợ chồng chị lục tìm trên máy tính cá nhân của con và cả hai gần như “lên máu” khi thấy hàng chục bức ảnh chụp đủ các tư thế mặc bikini, nude bán thân, thậm chí có cả ảnh không mặc gì chụp từ phía sau lưng của cô con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Đánh thức con dậy hỏi, tưởng con sẽ hoảng sợ khi bị phát hiện, ai dè Tuyết Anh tỉnh bơ trả lời: “Cái này bình thường, con chụp nghệ thuật mà, tụi bạn con đứa nào cũng chụp vài tấm để đưa lên blog hết. Ở trường con là hotgirl rồi đó!” Ngay lập tức họ buộc con xoá bỏ hết những tấm hình nhạy cảm đó và cấm con tiếp tục làm như vậy. Mọi chuyện yên ấm một thời gian thì tuần rồi, chị tình cờ phát hiện con mình chỉ mặc đồ lót uốn éo tạo dáng chụp hình trước gương. Đến nước này, chị phải gõ cửa chuyên gia tâm lý để nhờ tư vấn.
 
“Con tôi “lộ hàng” trên mạng, tôi phải làm sao?” - 1
 
Những ngày đầu tháng 12 vừa qua, một diễn đàn mạng của học sinh TP.HCM rúng động trước 20 tấm ảnh khoe “ngực khủng” của một cô bé mới 15 tuổi, từng là nữ sinh thanh lịch năm 2010 của trường K.N. Trên một trang Facebook được cho là chủ nhân của những bức ảnh này, mới đây cũng xuất hiện thông báo: “Hotgirl T. sẽ tung tiếp loạt ảnh mới vào dịp Noel năm nay, các bạn nhớ đón xem”!
 
Con “nóng”, cha mẹ “sốt”
 
Gia đình chị Võ Thị Hiếu Hạnh (Bình Thạnh, TP.HCM) đang đứng ngồi không yên khi gần đây cậu con trai ăn diện nhìn chẳng khác gì diễn viên Hàn Quốc. Hỏi ra mới biết anh chàng được trong lớp phong tặng danh hiệu hotboy vì đẹp trai, hát hay. “Suốt ngày cứ thấy con chải chuốt khi ra ngoài, tôi sợ nó bị đồng tính thì khổ!”, chị Hạnh kể.
 
Tương tự, gia đình chị N.T.H. (Đồng Nai) cũng đang ít nhiều bị xáo trộn từ khi con gái đoạt giải nhất cuộc thi “Người mẫu tuổi teen qua ảnh” 2011 do một tạp chí tổ chức. Trái ngược với sự vui mừng của con, chị H. lại thấy không vui chút nào. Sợ con sớm sa ngã, chị lấy lại điện thoại di động và hạn chế con lên internet quá một tiếng mỗi ngày. Thế nhưng cũng từ đó, trung bình một ngày, chị H. phải tiếp không dưới 20 cuộc điện thoại xin gặp con gái chị, đa số đều là nam. Hỏi ra mới biết, ai đó đã lấy hình ảnh con chị và số điện thoại nhà chị đưa lên mạng! “Giờ mỗi lần con đến lớp học thêm, tôi lại đứng ngồi không yên, sợ con theo bạn bè, bỏ bê việc học, bị người ta lừa gạt”, chị H. lo lắng nói.
 
Cha mẹ có thể làm gì?
 
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, giảng viên trường đào tạo cán bộ TP.HCM cho biết nhiều bậc phụ huynh tỏ vẻ lo lắng khi nghe những từ hotboy, hot girl gắn với tên con mình. Điều này cho thấy không phải phụ huynh nào cũng theo kịp những trào lưu của giới trẻ. Vậy muốn tác động, định hướng và điều chỉnh con cái kịp thời, tất yếu cha mẹ phải quan tâm nhiều hơn đến con. “Không chỉ quan tâm đến kết quả học tập, đến chiều cao, cân nặng, mà cần phải hiểu rõ những tâm tư tình cảm của con, đời sống tinh thần, diễn biến tâm lý của con mỗi ngày trước các tác động diễn ra xung quanh chúng. Nếu làm được điều này ngay từ đầu trong quá trình trưởng thành của con, chắc hẳn cha mẹ sẽ ít gặp khó khăn hơn trong việc giám sát con”, bà Trang nói. Bà cũng đưa ra một vài gợi ý ứng xử cho các ông bố, bà mẹ có con là hotboy, hotgirl: từ bỏ thói quen “cung phụng” cho con những thứ tốt nhất. Cho con biết rõ quan điểm của mình trong chuyện “nổi tiếng” và những đề nghị, yêu cầu nếu có. Gần con nhiều hơn, trao đổi trò chuyện nhiều hơn để có thêm thông tin về con, về tính cách, xu hướng của con, về những mối quan hệ và tác động đang có quanh chúng. Cho con những bài học về giá trị sống bằng sự khuyên nhủ, bằng những câu chuyện thực tế, bằng việc tổ chức cho con tham gia các hoạt động xã hội, giao công việc cho chúng đảm trách, và bằng chính cuộc đời của cha mẹ.
 
Theo thạc sĩ tâm lý Võ Minh Trung, giảng viên khoa giáo dục đặc biệt, đại học Sư phạm TP.HCM, ở tuổi này các em có xu hướng muốn thể hiện mình, làm được điều gì đó có ý nghĩa cho nhiều người và cũng muốn được mọi người tôn trọng, đánh giá cao khả năng của các em. “Tuy nhiên, các em thường có xu hướng đánh giá khá cao về năng lực và giá trị của bản thân, do vậy, vấn đề quan trọng là phụ huynh cần giúp các em nhận định chính xác về khả năng bản thân, cũng như hỗ trợ để các em định hướng đúng trong việc xác định giá trị sống và lựa chọn con đường phát triển trong tương lai”, ông Trung nói.
 

Tự gây hại cho bản thân

“Con tôi “lộ hàng” trên mạng, tôi phải làm sao?” - 2
Bùi Ngọc Thanh Thảo, lớp 10A3, THPT Phú Nhuận, TP.HCM

Em thấy những bạn trẻ muốn trở thành hotboy, hotgirl chắc dư thời gian lắm! Trong đầu mấy bạn đó chỉ nghĩ đến chuyện nên thể hiện bên ngoài thế nào cho nổi, còn chỗ đâu mà nghĩ đến những chuyện khác nữa. Như vậy là tự gây hại cho bản thân. Không phải hotboy, hotgirl nào cũng là người dễ hư hỏng, nhưng nếu hot theo kiểu làm màu thì trước sau cũng hư thôi.

Không nên cấm đoán

“Con tôi “lộ hàng” trên mạng, tôi phải làm sao?” - 3
Nguyễn Đình Quang Khương, sinh viên đại học Kinh tế TP.HCM

Mong muốn tự khẳng định bản thân cũng là bình thường. Chỉ nên hướng cho các bạn có cách nhìn nhận đúng nghĩa về một “hotboy, hotgirl”, không nên cấm đoán, sẽ khiến các bạn càng muốn khẳng định mình bằng những cách tiêu cực khác. Việc hotboy, hotgirl dễ hư hỏng, theo em, còn tuỳ tính cách mỗi người. Hotboy, hotgirl là những bạn nổi bật về một lĩnh vực nào đó, có thể là học tập, ca hát hay trong cách đối xử với bạn bè, và đó cũng chỉ là một hiện tượng kéo dài không lâu.

Quan trọng là phải luôn đẹp trong mắt mọi người

“Con tôi “lộ hàng” trên mạng, tôi phải làm sao?” - 4
Dương Kiều Diễm, sinh viên đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Theo em thì có trở thành hotboy hay hotgirl không, không quan trọng. Cái quan trọng là phải làm sao luôn đẹp trong mắt mọi người, dù chỉ là người bình thường. Các bạn trẻ thì thường thích làm mới và trở nên nổi bật. Nhưng em nghĩ không nên chạy theo để học làm hotgirl hay hotboy vì như thế sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ, chẳng hạn như việc học tập, thêm cả những mối quan hệ xung quanh. Nếu là em thì em chỉ thích làm một người bình thường.

Đâu phải hotboy hay hotgirl đều hư hỏng, có nhiều người rất tốt và đáng yêu. Có nhiều hotboy và hotgirl còn tham gia các chương trình từ thiện vì cộng đồng. Tuy nhiên, với những bạn trẻ tìm mọi cách để được nổi tiếng, em nghĩ những bạn ấy chỉ đang làm xấu hình ảnh của mình thôi.

Ý Nhi (ghi)

 
Theo Hoàng Trinh
SGTT