Con trẻ vô cảm bởi chúng ta đã vô tâm?

(Dân trí) - Việc lớp trẻ có những biểu hiện vô cảm đang là nỗi quan tâm lớn của rất nhiều người. Các con không chỉ vô cảm với người thân, với người xung quanh mà đôi lúc còn vô cảm với chính mình. Câu hỏi “Vì sao?” luôn được thốt ra ở đầu môi. Vậy có lúc nào chúng ta nhìn lại chính mình? Mình đã vô tình, vô tâm làm chai sạn cảm xúc của các con mỗi ngày bằng những hành động tưởng như vô hại…

Cuộc sống hiện nay của một bộ phận gia đình quá đủ đầy. Không còn là nỗi khát khao “ăn no, mặc ấm” mà đã vươn lên tầm “ăn ngon, mặc đẹp”. Các con được chăm sóc “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Có những ông bố, bà mẹ chăm chút từ miếng ăn, giấc ngủ, cái áo đến cả việc soạn sách vở, chuẩn bị quà sinh nhật tặng bạn... cho những đứa con chẳng còn bé bỏng gì nữa của mình.

Yêu con, chăm con là niềm hạnh phúc vô ngần. Nhưng ôm con và bao bọc con quá mức như vậy vô tình làm con trẻ mất hết tính tự lập. Chúng quen phụ thuộc vào bố mẹ, làm gì cũng theo ý bố mẹ. Cái bát chẳng biết rửa, nồi cơm điện chẳng biết cắm và vô số việc không tên ở nhà chẳng bao giờ ngó ngàng gì đến. Quen hưởng thụ, quen được chăm lo, nuông chiều rồi, sao con có thể biết cảm nhận cơn nóng sốt của mẹ để hỏi han hay giúp bố mẹ lúc công việc ngập đầu?

Trong khi đó, áp lực học hành luôn đè nặng lên vai các con. Cả ngày học ở trường, tối về học thêm, học kèm. Thế là vô tình con bị tách rời muôn mặt cuộc sống để biết rằng còn nhiều mảnh đời bất hạnh cần sự sẻ chia, để cảm nhận nỗi đau của những số phận kém may mắn. Thế giới của con trẻ chỉ bó hẹp trong sách vở, ganh đua điểm số và giành giật thứ hạng rồi cứ thế vào đời với một trái tim khô cằn.

Chúng ta than thở con trẻ có những hành động vô cảm. Nhưng biết đâu chính cách hành xử của bố mẹ vô tình tiêm nhiễm cho con rất nhiều thói xấu.

Chở con đi trên đường, không ít bố mẹ ngang nhiên vượt đèn đỏ. Hằng ngày đưa con đến lớp với qui định trẻ ngồi sau phải đội mũ bảo hiểm, vậy mà có những bậc cha mẹ vẫn lơ là… Dẫu bài học về an toàn giao thông đã được cô giáo dạy rất kĩ nhưng len lỏi đâu đó trong tiềm thức của con là tư tưởng: Vượt đèn đỏ, không mũ bảo hiểm, có sao đâu?!

Nhà trường phát động phong trào thu gom giấy vụn, vỏ lon bia, sách vở cũ, bỏ ống heo giúp bạn nghèo vượt khó. Con về báo với mẹ thì nhận lời phán: “Để đó, gom làm gì cho mệt!” Đến hạn, mẹ ra gặp bà bán ve chai mua giấy, lon, sách và đổi ít tiền lẻ để con đem đến lớp. Bài học về tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” bỗng biến thành một cuộc mua bán nhỏ với vai trò to lớn của đồng tiền.

Nói con không biết sẻ chia ư? Vậy bố mẹ đã sẵn sàng chia sẻ chưa? Mỗi ngày, chúng ta vẫn gặp những người già đi ăn xin, trẻ đánh giày, những người mẹ địu con đi bán báo. Chúng ta đã dừng lại để chìa ra một tờ tiền lẻ giúp đỡ chưa, hay mua giúp tờ báo để bước chân họ đỡ nặng nề lê từng bước? Ít lắm. Huống hồ gì là đưa tiền bảo con cầm đến cho ông, cho bà và kiên nhẫn giải thích, khơi gợi lòng thương cảm của con trước số phận kém may mắn?

Trẻ con tinh khôi như tờ giấy trắng. Cách giáo dục, sự uốn nắn và từng hành động của chúng ta sẽ in hằn lên trang giấy. Sống trong tình yêu thương, chắc chắn trái tim con sẽ giàu cảm xúc. Nếu người bố, người mẹ vô tâm thì con trẻ sẽ vô cảm!

Ngọc Nguyễn

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!