Việt Nam đứng thứ 59 thế giới về công bố quốc tế lĩnh vực khoa học và công nghệ:

"Công bố rồi lại bị cất vào “ngăn kéo” thì chẳng có tác dụng gì"

(Dân trí) - Việt Nam xếp 59 thế giới về công bố quốc tế khoa học và công nghệ, sau Thái Lan và Malaysia… Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu bài báo, công trình đó chỉ được công bố nhưng sau đó lại bị cất vào “ngăn kéo” thì chẳng có tác dụng gì.

Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia vừa thông báo những số liệu về công bố khoa học và công nghệ (KH&CN) năm 2014. Theo đó, tổng số công bố KH&CN của Việt Nam trong CSDL Web of Science (một hệ thống cơ sở dữ liệu trắc lượng thư mục được sử dụng sớm nhất và rộng rãi trên thế giới, trước đây được gọi là cơ sở dữ liệu ISI) giai đoạn 2010 – 2014 là 9.976 bài báo.

Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam đã có số công bố khoa học được xử lý vào CSDL Web of Science vượt ngưỡng 2.000 bài/ năm và đạt đến 2.427 bài (tăng 24,97% so với năm trước đó. Số lượng công bố KH&CN của Việt Nam năm 2014 là trên 2.640 bài. Các ngành có số lượng công bố quốc tế cao nhất là Toán, Lý, Hóa - chiếm 1/3 công bố quốc tế của Việt Nam.

So sánh với các nước khác thì Việt Nam xếp 59 thế giới về công bố quốc tế, sau Thái Lan (xếp thứ 43), Malaysia (xếp thứ 38), nhưng cao hơn Indonesia (xếp thứ 62) và Philippines (xếp thứ 66). Được biết, trên thế giới, căn cứ vào cơ sở dữ liệu Web of Science của Thomson Reuters thì ở giai đoạn 2010 - 2014, nước Mỹ đống góp gần 29% công bố quốc tế. Tiếp sau là Trung Quốc (gần 11%), Anh (gần 7%), Đức (6,6%), Nhật (5%), Pháp (4,5%)... Việt Nam ở giai đoạn này chỉ đóng góp 0,106% số công bố quốc tế, tính trên toàn cầu.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố nhưng không có điều kiện triển khai vào thực tế

Mừng và lo

GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết: “Trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới là một tin vui vì Việt Nam đã trải qua thời gian chiến tranh rất dài và rất nghèo. Đời sống người dân hiện nay mới vượt mức trung bình thấp về thu nhập đầu người. Hiện nay, đầu tư vào lĩnh vực khoa học của chúng ta chưa được nhiều nhưng các nghiên cứu được quốc tế công nhận như vậy là đã đạt tiêu chí chung của thế giới, đồng thời đây cũng là một tiêu chí của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước”.

Tuy nhiên, theo GS Hạc, một bài báo, công trình được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thì sẽ có nhiều người đọc và giới nghiên cứu biết đến. Nhưng nếu bài báo, công trình đó chỉ được công bố nhưng sau đó lại bị cất vào “ngăn kéo” thì chẳng có tác dụng gì. Hiện nay, ở nước ta, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố rất hoành tráng nhưng đều bị “đắp chiếu” để đấy, không nhận được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để các GS, PGS, Tiến sĩ mở rộng nghiên cứu, ứng dụng trên thực tế cuộc sống nên chẳng có tác dụng phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

PGS.TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cho biết, công bố trong lĩnh vực Toán, lý, hóa chiếm 1/3 không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì trong lĩnh vực này chúng ta vẫn giỏi từ xưa và đến nay thế giới vẫn thừa nhận sinh viên chúng ta giỏi về toán lý hóa. Nhưng vấn đề Toán, Lý, hóa của chúng ta chỉ là toán lý hóa mà thôi nó không thiết lập được mối liên hệ với các lĩnh vực khoa học khác để giúp các lĩnh vực này phát triển. Lấy 1 ví dụ đơn giản sách toán dùng cho sinh viên đại học kỹ thuật chỉ có con số mà không gắn được với các bài toán của kỹ thuật cũng như không có các đại lượng vật lý, hóa học … trong các vấn đề toán học.

 PGS.TS Phan Quang Thế cho rằng, công bố về khoa học và công nghệ cũng nhiều nhưng công bố cũng chỉ là công bố. Các công bố của chúng ta không thành hệ thống hay các hướng nghiên cứu của đất nước để phát triển thành công nghệ của chúng ta, mà thường tản mạn do cá nhân nghiên cứu sinh đem về từ nước ngoài về và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn sau đó thiếu thiết bị không phát triển được nữa.

Khoa học vị khoa học chứ chưa phải khoa học vị nhân sinh.

Dẫn chứng cụ thể hơn về nghiên cứu khoa học trong nước, PGS.TS Phan Quang Thế cho biết, ở lĩnh vực ô tô, tàu hỏa, chúng ta không sản xuất được phụ kiện, tất cả ô tô của chúng ta hầu hết đem phụ kiện từ nước ngoài. Dự án ô tô lớn được đưa ra nay chỉ còn là những cánh đồng cỏ lau trắng toát. Chúng ta không chế tạo được tàu điện, tàu thủy hiện đại mà chỉ chế tạo được tàu đánh cá thông thường không đáp ứng được yêu cầu của Hải quân.

Hay như lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, máy tính chúng ta chẳng có dây chuyền công nghệ cũng chẳng có sản phẩm nào cạnh tranh được với nước ngoài. Hệ thống điện thoại tiên tiến thật nhưng do chúng ta nhập về mà thôi. Lĩnh vực mỏ, địa chất từ than đến khoáng sản quí hiếm đều chỉ xuất khẩu ở dạng quặng…

PGS.TS Phan Quang Thế cho rằng: “Khoa học của chúng ta là khoa học vị khoa học chứ chưa phải khoa học vị nhân sinh. Chúng ta cũng xây dựng nhiều định hướng nghiên cứu khoa học nhưng kết quả lại không phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công bố quốc tế nhiều nhưng tản mạn, phần lớn do cá nhân học từ nước ngoài còn lại chút kết quả mang về chứ không phải từ các hướng nghiên cứu khoa học phát triển bền vững phục vụ trực tiếp sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cũng không phủ nhận một số Tiến sỹ có tâm huyết vẫn phát triển được hướng khoa học họ nghiên cứu ở nước ngoài trong điều kiện Việt Nam, nhưng không nhiều. Đặc biệt những công bố này phần lớn không tạo ra được công nghệ và sản phẩm cho đất nước”.

GS Hạc chia sẻ thêm, nếu công trình khoa học được công bố nhưng lại bị để trong “ngăn kéo”, “đắp chiếu” ở một chỗ nào đó thì sự đầu tư của Nhà nước là quá đắt. Còn ngược lại, công trình đó thực sự mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thì sự đầu tư của Nhà nước lại là quá rẻ và chưa trả tiền xứng đáng cho những tác giả nghiên cứu, phát hiện ra chúng.

Trong giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý của Nhà nước phải biết sử dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng có học hàm, học vị cao bằng cách quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để những công trình nghiên cứu khoa học của họ có thể phục vụ mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống nhân dân ở tất cả các vùng, miền trên cả nước.

Nhiều nhà khoa học đặt ra một câu hỏi, công bố khoa học quốc tế đứng thứ 59 nhưng nền kinh tế của Việt Nam có đứng thứ 59 của Thế giới hay không? Nếu không phải như vậy thì chính phủ cần có ngay những chính sách mới để đưa nghiên cứu khoa học thực sự đi vào cuộc sống.

Hồng Hạnh