Công khai danh mục các khoản thu ngoài học phí: “Thuốc” trị “bệnh” lạm thu

Ngày 22/11/2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, áp dụng từ tháng 12 tới. Văn bản này được cho là giải pháp góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu tại các nhà trường.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Hànộimới.


Công khai danh mục các khoản thu ngoài học phí: “Thuốc” trị “bệnh” lạm thu
Hà Nội sẽ có quy định về thu và sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. (Ảnh: Bá Hoạt)


- Thưa bà, đây là lần đầu tiên Hà Nội có văn bản quy định về các khoản thu ngoài học phí?

- Ngày 11-9-2012, Hà Nội đã có văn bản (VB) số 8568/SGD&ĐT- KHTC quy định về các khoản thu ngoài học phí. Việc tổ chức triển khai được thực hiện thống nhất tại các trường với cùng một danh mục các khoản thu, trong đó có quy định về mức trần cụ thể (tiền chăm sóc bán trú ở mầm non là bao nhiêu, ở tiểu học là mức nào…). Điều đó đã góp phần chấn chỉnh công tác thu - chi ở nhiều trường học, làm giảm sự bức xúc từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, đây là hướng dẫn tạm thời do Sở GD-ĐT ban hành để áp dụng trong năm học 2012-2013. Yêu cầu thực tế quản lý công tác thu - chi tại các nhà trường đòi hỏi có một văn bản pháp lý cao hơn, mục tiêu là tạo cơ sở cho việc tổ chức thực hiện ở các trường cũng như công tác kiểm tra, giám sát. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định mới này, áp dụng từ năm học 2013-2014.

- Nội dung và mức thu của các khoản thu khác được quy định trong VB mới có điều chỉnh gì so với VB hiện hành, thưa bà?


- Sở GD-ĐT đã kiến nghị và được UBND thành phố chấp thuận giữ nguyên mức thu của các khoản thu khác. Điểm mới là bổ sung quy định thực hiện khoản thu về đồng phục, tránh để phụ huynh và dư luận xã hội bức xúc. Theo đó, đồng phục HS phải được thiết kế giản dị, phù hợp với lứa tuổi và văn hóa địa phương, được phụ huynh đồng thuận, dễ tìm mua hoặc may. Các nhà trường không được thay đổi, thêm, bớt các chi tiết trên đồng phục hằng năm.

- Quy định mức trần của các khoản thu được hiểu là mức thu mà các trường không được vượt quá. Với sự khác biệt nhất định, các nhà trường sẽ tính toán mức thu của đơn vị mình như thế nào, thưa bà?

- Việc thực hiện thu - chi đối với các khoản thu khác của nhà trường phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân trên từng địa bàn. Mức thu được xây dựng trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, được thỏa thuận bằng VB với phụ huynh, có sự thống nhất của ban giám hiệu trường và phải được cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD-ĐT- theo phân cấp quản lý) phê duyệt.

- Thưa bà, nhiều phụ huynh muốn tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị để các con được học tập tốt hơn, nhưng nhà trường không dám nhận, vì không được phép. Điều này đúng hay không?

- Trong trường hợp ngân sách và các khoản thu học phí chưa đáp ứng được nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm thiết bị thì các trường được huy động sự đóng góp tự nguyện từ phía phụ huynh và các tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, việc huy động phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không được ép buộc hoặc bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh, không phân biệt mức đóng góp cao hay thấp. Phụ huynh nào có điều kiện thì góp nhiều, con em của những phụ huynh khó khăn, không có tiền đóng góp cũng được hưởng thụ điều kiện giáo dục như mọi HS khác.

- Nhưng, thưa bà, làm thế nào để hạn chế việc phụ huynh "buộc phải tự nguyện" như đã từng xảy ra?

- UBND thành phố đã quy định rõ quy trình 4 bước trong quản lý, sử dụng các khoản thu tự nguyện của phụ huynh. Theo đó, ngoài việc thống nhất kế hoạch triển khai trong ban giám hiệu, hội đồng trường và đại diện cha mẹ HS, nhà trường phải lập kế hoạch công việc, dự trù kinh phí, trong đó nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động, chất lượng công trình… và niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu ý kiến từ phụ huynh. Nhà trường có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp để xin chủ trương thống nhất bằng VB và chỉ được tiến hành vận động sau khi đã được chấp thuận. Khi hoàn thành công việc, nhà trường phải niêm yết công khai, báo cáo quyết toán kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí. Đây không phải là những yêu cầu mới, nhưng là điều mà trong thời gian qua một số trường đã "làm tắt" hoặc làm ngược quy trình, dẫn đến sự bức xúc của phụ huynh. Nếu thực hiện đúng, đủ quy trình 4 bước, tôi tin rằng phụ huynh sẽ tin tưởng và sẵn sàng góp sức nhằm tạo điều kiện dạy - học tốt hơn.

- Theo Quyết định của UBND thành phố thì VB sẽ được áp dụng từ tháng 12-2013. Vậy, với một số khoản đã thu cho cả học kỳ (như học phẩm, nước uống) thì phải xử lý thế nào?

- Như trên tôi đã nói, mức thu của các khoản thu tại VB mới vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành nên không làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai. Nội dung được bổ sung nằm ở mục chi, nhằm tạo căn cứ cho các trường thu đúng, thu đủ và chi đúng, chi đủ, đồng thời công khai để phụ huynh biết khoản kinh phí mà mình đóng góp được dùng vào việc gì. Đơn cử như tiền trang thiết bị phục vụ bán trú sẽ được dùng để mua giường, chiếu, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, cốc, bếp ga… Tiền học 2 buổi/ngày không phải chỉ để chi cho giáo viên, mà còn để phục vụ quản lý, mua văn phòng phẩm, trả tiền điện, nước, vệ sinh…

- Xin cảm ơn bà!

Mức trần của các khoản thu khác:

- Chăm sóc bán trú: Không quá 150 nghìn đồng/HS/tháng (ở cả ba cấp: mầm non, tiểu học, THCS).
- Trang thiết bị phục vụ bán trú: Không quá 150 nghìn đồng/HS/năm học ở cấp mầm non; không quá 100 nghìn đồng/HS/năm học ở cấp tiểu học, THCS.
- Học 2 buổi/ngày: Không quá 100 nghìn đồng/HS/tháng ở cấp tiểu học; không quá 150 nghìn đồng/HS/tháng ở cấp THCS.
- Học phẩm: Chỉ có ở cấp mầm non với mức thu không quá 150 nghìn đồng/HS/năm học.
- Nước uống: Không quá 12 nghìn đồng/HS/tháng.

(trích Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND)


Theo Thống Nhất

Hà Nội Mới