Công tử, tiểu thư tỉnh lẻ thi đại học

(Dân trí) - KTX dư chỗ, làng sinh viên cho trọ giá rẻ mở rộng cửa đế đón thí sinh. Nhà trọ bình dân cũng không “khan”, “cháy” như mọi năm. Nhưng công tử, tiểu thư đã lặn lội từ tỉnh đi thi thì phải “chơi trội”, phải đạt đẳng cấp “pờ-rồ”.

Quý tử… “5 sao”

H đi thi bằng ô tô riêng hiệu “Mẹc” do tài xế của bố đánh từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Cậu thuê khách sạn ở, máy lạnh mát rượi cả ngày đêm. Nháy mắt một cái căn phòng đã thành quán bar, thuốc, rượu đủ cả, kể các các em nhảy múa. Với H, bày vẽ chuyện đi thi chỉ là “cái cớ logic” để đốt bớt tiền của bố mẹ.

Phụ huynh thí sinh T.Đ (Quảng Ninh) tặc lưỡi với tâm lý cả đời mới đi thi lần, “thi vài ngày tội gì phải khổ”. Vì vậy, Đ đi thi với tâm trạng rất thoải mái: “10 người đi thi mới có 1, 2 người đỗ”. Sẵn điều kiện dư giả về kinh tế, phụ huynh vung tay cầm chục triệu để chi trong vài ngày con đi thi. “Bố mẹ làm được thì cho con cái chứ cho ai. Đây là kỳ thi quan trọng, phải đầu tư ngay từ đầu” - bố Đ phân trần cách “chiều” con của mình.

Tiểu thư… “thi bói”

BS.TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phân tích: “Bậc phụ huynh có “xử sự lạ” so với số đông, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của thí sinh. Khi con đã 17, 18 tuổi mà vẫn được chăm bẵm, nuông chiều thì luôn có tâm lý chờ đợi bị động, không có khả năng chịu được khó khăn”.

M, tiểu thư con một, được chiều chuộng từ bé. Trước đợt thi Đại học, mẹ dẫn M đến một ông thầy bói “có số có má” tiếng tăm nổi như cồn trong tỉnh Hà Nam. Sau một hồi thầy “phán”, M rất hợp với chị họ tên K đang học Đại học trên Hà Nội. Thầy bảo muốn đỗ keo này, M phải được K “kèm” trong một tháng mới chắc đỗ.

Vận số đã nói thế, thầy khẳng định chắc như đinh, bà mẹ lặn lội lên tận Hà Nội cạy cục K (SV trường ĐHKHTN HN) nhờ giúp đỡ. K đang ôn thi cuối kỳ nhưng vẫn nhiệt tình giúp đỡ M. Chỉ khi biết được sẽ “tù giam lỏng” học ôn với em họ một tháng, K mới ngã ngửa. Theo ông thầy nọ, chỉ có cách ôn thi “đặc biệt” ấy thì cơ hội vào Đại học mới mở ra.

Một tháng ròng rã, K kèm em học trong điều kiện thiếu ánh sáng và bị cách ly với thế giới, chỉ nhìn thấy ánh nắng mặt trời qua ô cửa che rèm của khách sạn đắt tiền. Mọi liên lạc với bên ngoài đều phải “alô”.

Quy tắc “thầy bói” quán triệt tuyệt đối không được gặp người lạ trong khoảng thời gian đang ôn thi. Học khổ sở, cả hai chị em mệt lả người, mở mắt là nhìn thấy mặt nhau, quanh quẩn trong bốn bức tường với điều hòa lạnh nổi da gà. M học lực trung bình, không có ý chí cao. K rất ái ngại khi cô em bước ra phòng thi với gương mặt tiu nghỉu.

Nhiều bậc phụ huynh có biểu hiện quan tâm thái quá, thậm chí “lạ đời” với con em. Như H, quê Ninh Bình, đi thi với ba bốn người “chăm”. Cả thảy có 3 “ôsin” được bố mẹ H kỹ lưỡng tuyển chọn trông coi việc ăn uống và học hành. H coi mọi người như kẻ dưới, thoải mái hạch sách. Ngay cả “mama, papa” cũng bị cô “hành”.

Học hành thuộc loại kém, cũng xác định “chẳng nhẽ 12 năm đèn sách lại không đi thi cho biết Đại học” nên H tiểu thư chả màng đến sách vở. Gia đình H cũng xác định từ đầu: “Không thi đỗ Đại học thì nộp Cao đẳng, không thì học Trung cấp; Miền Bắc cao thì nộp miền Nam, kiểu gì cũng phải kiếm cho em nó một chỗ trên giảng đường”.

Lưu Vân