“Cọp” kiến thức ở… siêu thị sách

(Dân trí) - Là nơi kinh doanh sách nhưng không ít siêu thi, nhà sách tại TPHCM còn là điểm lý tưởng cho nhiều học sinh, sinh viên “cọp” kiến thức - một cách gọi của người trẻ về việc đọc sách không mất tiền ngay tại nơi bán sách.

Giữa trưa, khu vực gian hàng sách tại nhà sách Nhân Văn (đường Quang Trung, Q. Gò Vấp) vắng khách ra vào nên nhìn ngoài rất vắng lặng. Nhưng khi “đột nhập” vào trong không khỏi bất ngờ khi ngay lối đi lại giữa các kệ sách, nhiều bạn trẻ ngồi la liệt với cuốn sách của mình.

Đối tượng đọc sách “cọp” nhiều nhất là các bạn sinh viên, tuy nhiên nhiều học sinh phổ thông cũng có mặt ở đây để thỏa sức với các loại sách mình yêu thích. Ai nấy đều nhẹ nhàng đi chọn sách, tìm chỗ ngồi thích hợp… để không gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến người xung quanh.

Siêu thị, nhà sách Nhân Văn chẳng khác nào... thư viện.

Siêu thị, nhà sách Nhân Văn chẳng khác nào... thư viện.

Bạn Nguyễn Thị Hương, SV trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho hay, ngoài giờ lên lớp thì việc đến nhà sách đọc “cọp” đã trở thành thói quen lâu nay của bạn. Nhiều hôm có thời gian, Hương có mặt ở đây từ lúc nhà sách mở cửa cho đến khi… tiếng loa đóng cửa của siêu thị vang lên mới chịu ra về.

Theo kinh nghiệm của Hương, chỉ từ 5 - 6 giờ chiều trở về đêm mọi người đi mua sắm thì ồn ào một chút, còn trong ngày giờ nào cũng yên tĩnh, thích hợp với việc đọc.

Theo Hương, siêu thị sách là nơi đọc sách lý tưởng nhất cho sinh khi khi giải quyết bài toán “muốn đọc sách nhưng không cần tiền”. Khác với khi đến thư viện, không cần thủ tục, giấy tờ gì mà vẫn được đối đãi như khách hàng dù không phải là “thượng đế”.

“Nói sinh viên bỏ vài trăm nghìn mua sách là quá khó, cũng không thể nào mua được thường xuyên. Còn gì sướng bằng không mất tiền mà luôn được “đón đầu” các đầu sách mới nhất trên thị trường”, Hương nói.

Nếu như các anh chị sinh viên thường tìm đến cách loại sách kinh tế, làm giàu, kỹ năng, văn học cổ điển… thì kệ sách truyện tranh, văn học thiếu nhi là thiên đường của các em nhỏ.

Siêu thị, nhà sách Nhân Văn chẳng khác nào... thư viện.

Thay vì lang thang hay chơi game, mỗi ngày em Trần Đăng Khôi dành 2 giờ đồng hồ đến siêu thị đọc sách.

Dựa thoải mái vào kệ sách, đọc say mê tập Conan mới nhất, em Trần Đăng Khôi (học sinh Trường tiểu học Hermann Gmeiner Gò Vấp) cho biết, dịp hè, ngoài việc học và phụ bố mẹ ở nhà, vào buổi trưa em lại đạp xe đến siêu thị để đọc sách, truyện, dành thời gian 2 giờ đồng hồ ở đây.

“Ở đây có máy lạnh, ngồi đọc sách rất mát. Em hay đọc truyện tranh và các loại sách khám phá về thiên nhiên, vũ trụ. Nếu không đến đây em cũng chỉ quanh quẩn ở nhà hoặc chơi điện tử”, Khôi nói.

Việc đọc sách ở các siêu thị sách như Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ, Phương Nam… trở thành thói quen của rất nhiều người dân tại TPHCM, đặc biệt là các bạn trẻ. Điểm đến này không chỉ lành mạnh mà với chi phí bằng 0 để được tiếp nhận kiến thức quả là quá lý tưởng. Tìm được môi trường thú vị mà không kém phần bổ ích, nhiều phụ huynh đã chủ động dẫn con đến nhà sách để làm quen với hoạt động này.

Từ các anh chị sinh viên cho đến các thiếu nhi đều thích thú với môi trường lành mạnh này.

Từ các anh chị sinh viên cho đến các thiếu nhi đều thích thú với môi trường lành mạnh này.

Chị Nguyễn Ngọc Thảo (ngụ ở Q.5) cho hay, vào ngày cuối tuần chị thường dẫn hai con đến nhà sách Phương Nam, khuyến khích con đọc sách. Mới đầu, hai cháu cũng cự nự không hào hứng nhưng một hai lần thì bắt đầu nghiện, lúc nào cũng đòi đến nhà sách.

Chị Thảo bày tỏ: “Nếu để mua được sách cho con đọc thường xuyên thì điều kiện gia đình không cho phép nên còn gì bằng khi được thả sức đọc các loại sách mà không mất tiền. Nhờ vậy mà tôi hạn chế cho con tiếp xúc quá nhiều với máy tính, chơi trò chơi điện tử. Tôi cũng hướng con đến những loại sách hay, bổ ích… Còn nhiều loại truyện tranh thì lâu lâu mới đọc để giải trí thôi”.

Anh Trần Văn Thọ, quản lý nhà sách Nhân Văn (Gò Vấp) cho hay, tất cả mọi người có thể vào nhà sách đọc thoải mái từ sáng đến tối, lúc nào đèn cũng sáng và máy lạnh cũng bật. Đội ngũ nhân viên nhà sách cũng được nhắc nhở có thái độ vui vẻ và tạo điều kiện tối đa cho người đọc sách.

“Tuy nhiên, bạn đọc cũng phải thực hiện một số quy định như không làm ồn, giữ sách cẩn nhận, lấy sách ở đâu thì để vào vị trí cũ, không ném lung tung giữa nền và nếu làm rách thì phải đền”, anh Thọ lưu ý.

Một góc thú vị của văn hóa đọc.

Một góc thú vị của văn hóa đọc.

Trong khi tính trạng văn hóa đọc đang ngày càng bị lấn án bởi văn hóa nghe - nhìn, bạn đọc lại không dễ dàng sở hữu những cuốn sách thì việc các siêu thị sách phát triển mô hình đọc sách miễn phí phần nào thú đẩy văn hóa đọc. Đó cũng là một môi trường trong lành, hữu ích dành cho các bạn trẻ khi xung quanh bị vây bủa bởi các sân chơi thiếu lành lành lạnh, an toàn.

Hoài Nam