Cử nhân “đổi đời” từ công việc bảo vệ, giúp việc

(Dân trí) - Gác bằng cử nhân đi làm bảo vệ, anh Phương được quản lý để ý rồi nhận vào làm việc. Từ đây Phương nhận ra thế mạnh của mình và giờ anh đang làm chủ một công ty về công nghệ.

“Gặp may” vì chịu thương chịu khó

Anh Nguyễn Đức Phương, tốt nghiệp chuyên ngành về xã hội mà trước đây do theo học khối C, chẳng biết thi gì nên "chọn đại". Bốn năm đại học, có lúc anh Phương hoang mang vì lựa chọn của mình nhưng tuổi sinh viên ham chơi, bay bổng lại nghĩ đơn giản ra trường kiếm chút việc là xong. Nào ngờ khi có bằng ĐH, cuộc sống của anh thật sự lận đận.

Khi va chạm với thực tế, anh mới nhận rõ mình không hề yêu thích và không có khả năng về ngành nghề mình theo học. Cũng có lúc anh muốn buông vì không tìm được việc phù hợp nhưng không làm việc lấy gì để sống, anh gác “ảo mộng” bằng cấp sang một bên đi làm bảo vệ cho một công ty về công nghệ. Lương lúc đó chỉ hơn một triệu đồng, anh vẫn xin thêm tiền của bố mẹ.

Nhiều cử nhân khởi đầu bằng những công việc phổ thông
Nhiều cử nhân khởi đầu bằng những công việc phổ thông

Anh Phương tâm sự: “Khoảng hơn một năm làm bảo vệ, anh quản lý của công ty gọi tôi vào và đưa ra đề nghị nhận tôi vào làm ở phòng kinh doanh. Tôi cũng bất ngờ lắm và nhờ vậy tôi tìm thấy được đam mê và biết khả năng của mình ở đâu”.

Từ một nhân viên “trái ngành”, anh Phương dần dần làm quen với lĩnh vực mà xưa nay chưa hề biết tới. Rồi thích rồi đam mê, làm việc hiệu quả, chỉ ba năm anh trở thành một nhân viên kinh doanh sành sỏi. 5 năm sau, anh được giám đốc ủng hộ ra riêng, hiện giờ đang làm chủ một công ty buôn bán về công nghệ, phần mềm.

Cuối năm 2014, đã quá mệt mỏi và bế tắc kiếm việc theo chuyên ngành kế toán được đào tạo, nữ cử nhân Hoàng Thị Nhung quyết định đi giúp việc nhà. Cô nhận trông em bé cho một gia đình ở đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Nhờ đi giúp việc mà Nhung nhận ra sở thích thật sự của mình là vui chơi và dạy dỗ trẻ nhỏ. Điều mà đủ loại thành tích, giấy khen bao năm đi học cô vẫn "mù tịt".

Khi biết cô giúp việc có bằng đại học và dự định sẽ học thêm về nghiệp vụ sư phạm mầm non, chủ nhà “giữ chân” người làm bằng các tạo điều kiện cho cô vừa học vừa làm. Hiện tại, Nhung vẫn làm “ô sin” với mức lương 6 triệu đồng tháng, còn buổi tối đi học nghiệm vụ sư phạm, được chủ nhà lo toàn bộ học phí.

Không ngừng học hỏi

Ngay khi nhận ra sở trường của mình, anh Phương lập tức thi tại chức học buổi tối. Ngoài ra, anh cũng theo học các khóa đào tạo về kinh doanh, quản lý ngắn hạn để bổ sung thêm kiến thức.

Theo anh Phương, vốn là dân “tay ngang” nên càng phải học nhiều. Khi theo đúng lĩnh vực mình yêu thích thì động lực để tìm hiểu, học tập rất lớn.

Nói về việc “gặp may” từ công việc bảo vệ của mình, ông giám đốc trẻ chia sẻ khi đã làm việc gì, kể cả làm bảo vệ, giúp việc, phát tờ rơi… mỗi người cũng cần thái độ nghiêm túc, hết lòng, thể hiện sự hoạt bát và các kỹ năng sống một cách tốt nhất.

Cử nhân cần trau dồi các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và ngoại ngữ khi thất nghiệp để đón cơ hội
Cử nhân cần trau dồi các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và ngoại ngữ khi thất nghiệp để đón cơ hội

“Không phải ai cũng có thể đi lên từ công việc phổ thông, tạm bợ. Tuy nhiên, công việc nào cũng sẽ cho mình thêm những kinh nghiệm, kỹ năng… mà mỗi người cần tận dụng để học hỏi. Bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải học”, anh Phương nói.

Tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý, trong lúc bế tắc vì công việc, nữ cử nhân Trần Thu Thảo, 24 tuổi xin vào làm ở phòng tiếp tân tại một tập đoàn sản xuất bánh kẹo. Hàng ngày Thảo tiếp đón khách đến cơ quan, trả lời điện thoại… lúc nào cô cũng vui vẻ, nhiệt tình.

Với thái độ làm việc tích cực, hiệu quả, Thảo gây được thiện cảm cho mọi người khi tiếp xúc. Sau đó, cô lễ tân được cân nhắc vào phòng nhân sự của tập đoàn hai năm sau, Thảo trở thành Phó trưởng phòng nhân sự.

Thảo chia sẻ kinh nghiệm điều quan trọng nhất để tìm được công việc tốt là cần có suy nghĩ tích cực và làm việc hết mình trong mọi hoàn cảnh. “Một điều không được từ bỏ là không ngừng học hỏi. Học từ cách ăn nói, cách xã giao, các kỹ năng mềm… để có thể nắm bắt ngay khi có cơ hội.

“Nhiều bạn có bằng cấp khi buộc phải làm những công việc phổ thông cho rằng công việc không xứng đáng nên bất mãn, ức chế, làm việc một cách đối phó. Điều này cản trở bạn bước tiếp vào những vị trí cao hơn”, Thảo bộc bạch.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TPHCM, cử nhân đừng ngại ngần bắt đầu những công việc, những vị trí thấp trước hết là để tránh thất nghiệp. Đồng thời, khi làm việc có thái độ làm việc tích cực, không ngừng trau dồi kỹ năng, ngoại ngữ… thì dần dần sẽ tìm được công việc phù hợp.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp