Cử nhân tài năng Việt Nam được quốc tế công nhận

(Dân trí) - Sinh viên hệ cử nhân tài năng của Việt Nam được đánh giá trình độ đạt ngang tầm quốc tế. Đó là khẳng định của GS.TS Mai Trọng Nhuận, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội tại Hội thảo “10 năm hệ đào tạo cử nhân khoa học tài năng 1997-2007” tổ chức sáng nay.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội là nơi đầu tiên trong cả nước tổ chức đào tạo cử nhân khoa học tài năng (CNKHTN) thu hút được nhiều sinh viên giỏi được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Kết quả 10 năm đào tạo thí điểm CNKHTN cho thấy chất lượng của hệ đào tạo này rất cao, được quốc tế thừa nhận; nhiều sinh viên được một số ĐH lớn trên thế giới tiếp nhận học chuyển tiếp và tiếp tục học giỏi ở trường bạn.

Mục tiêu của chương trình đào tạo tài năng bậc đại học là tổ chức đào tạo những sinh viên đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản thông qua việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giảng viên giỏi để thực hiện một chương trình đào tạo đặc biệt ngang tầm quốc tế. Hệ này dành cho các ngành khoa học cơ bản cốt lõi để tạo nguồn nhân tài.

Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, chất lượng và sản phẩm đào tạo hệ cử nhân tài năng của ĐHQG Hà Nội được quốc tế công nhận. Nhiều sinh viên ngay sau khi học hết năm thứ nhất đã được gửi đi học ở nước ngoài. Đến nay đã có 162 sinh viên các khóa đi học nước ngoài chủ yếu ở các nước Pháp, Úc, Nga, Nhật bản, Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc... Trong số đó, nhiều em đã học tập tốt đạt thứ hạng cao và được tiếp tục đào tạo Thạc sỹ, Tiến sỹ tại các nước này.

Tính đến tháng 8/2007, đã có 10 sinh viên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, sinh viên Ngô Đức Thành (khóa I) tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp (tháng 9/2005) và được tặng thưởng huy chương Bạc của Viện Hàn lâm Nông nghiệp Pháp dành cho 10 luận án xuất sắc nhất. Ngoài ra, hệ CNKHTN còn có  20 sinh viên được chuyển học tiếp tại ĐH Pari; 20 sinh viên được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại các trường ĐH Hoa Kỳ, Nhật Bản… các nhà sử dụng sản phẩm đào tạo đều khẳng định điều đó.

Hiện, ĐHQG Hà Nội đã và đang tổ chức đào tạo 5 ngành cử nhân khoa học tài năng và 20 ngành cử nhân chất lượng cao. Tính từ năm 1997 đến tháng 10/2005 có 1.698 sinh viên, trong đó cử nhân tài năng là 568, chất lượng cao là 1.130 và đã có 230 sinh viên xuất sắc tốt nghiệp với 172 sinh viên loại giỏi. Năm 2004, 100% sinh viên tốt nghiệp được chuyển tiếp sinh đào tạo thạc sỹ và tiến sĩ. 40 sinh viên hiện đang là cán bộ giảng dạy tại trường.

Được biết, hàng năm các học sinh được tuyển vào các lớp đào tạo tài năng gồm: Học sinh đọat giải Olympic quốc tế  hoặc giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12; Những học sinh đạt học lực loại giỏi trong năm học lớp 11 - 12 và đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vào ĐHQG Hà Nội, sau đó tham gia 2 xét tuyển về chỉ số IQ, CQ và kiến thức hiểu biết xã hội.

Theo GS Nhuận, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, không đủ khả năng tăng năng suất đầu tư/một sinh viên như các nước phát triển, chúng tôi mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết sự hụt hẫng đội ngũ cán bộ kế cận, muốn cung cấp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội những nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi không thể đầu tư dàn trải mà cần đầu tư có trọng điểm, có chọn lọc để tạo sức mạnh. Thay vì đào tạo đại trà, ĐHQG Hà Nội đã chọn lựa các sinh viên có tiềm năng để tập trung đào tạo họ trở thành những cán bộ có chất lượng cao, trình độ cao, đủ sức đảm đương các nhiệm vụ và yêu cầu đòi hỏi của thị trường lao động.

Hồng Hạnh