“Cú sốc” điểm số

(Dân trí) - Một cô bé học trò lớp 3 khi bị điểm 7 đã đòi... chết vì thấy nhục nhã với bạn bè. Và mới đây, hàng ngàn học sinh giỏi đối diện với áp lực khi bị điểm dưới trung bình, thậm chí điểm 1, 2 khi tham gia xét tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM).

Mới đây, khi gửi kết quả điểm khảo sát vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa cho báo chí, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đính kèm một dòng yêu cầu: Đề nghị anh chị xử lý đưa lên trang báo, không đăng nguyên file điểm (có số điểm của từng thí sinh).

Có thể hiểu, đây chỉ là một đề nghị mang tính đề xuất, không phải là quy định cấm nên file điểm của học sinh tham gia kỳ khảo sát vẫn tràn trên các mặt báo. Trong thời đại cạnh tranh thông tin, chạy đua từng cú nhấp chuột, biết rằng sẽ mất đi một lượng truy cập đáng kể vào xem điểm số nhưng chúng tôi đã quyết định không đăng file điểm.

Yêu cầu bắt buộc đối với học sinh tham gia kỳ khảo sát vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa là các em phải đạt điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt và Toán đạt từ 9 điểm trở lên của năm học lớp 5. Nhiều ông bà, cha mẹ đều rạng lên niềm tự hào với những “chiến binh” đua vào trường Trần Đại Nghĩa: Con cháu mình giỏi nhất nhì ở trường tiểu học.

Đối diện với điểm thi thấp, điểm dưới trung bình, điểm 1 - 2 đã là việc rất khó khăn đối với các em và cả phụ huynh. Nhưng còn nặng nề hơn gấp bội là việc mọi người xung quanh biết điểm số này.

Một nhà giáo ở TPHCM kể, năm con gái học lớp 3, khi có điểm 7 môn Toán, cháu buồn chán đến nỗi không muốn đi học và... đòi chết vì thấy nhục nhã với bạn bè. Chị không khỏi sợ hãi, nhất là khi gia đình xác định sau này con sẽ đi du học nên không áp lực với điểm số ở trường của con.

Có lẽ không ai lý giải nổi tâm lý của học trước áp lực điểm thấp. Nhất là học sinh giỏi, các em và cả phụ huynh vốn đã quen với điểm 9, điểm 10. Và khi điểm số không như ý, thậm chí mức điểm rất thấp, không ít người cả trẻ và phụ huynh bị sốc.

Trong vòng xoáy thành tích, được tập tành với “hoa điểm 10” từ bé, chưa cần kỳ vọng của bố mẹ, trẻ đã đủ căng thẳng. Chưa kể đến việc rất nhiều em “vác” cả những khát khao, ước mơ của bố mẹ. Mà dường như phụ huynh chỉ quen mỉm cười, hân hoan với chiến thắng của con mà không nhiều người biết cách dắt tay con đi qua thất bại - dù là thất bại tạm thời.

Học sinh cần được bí mật về điểm số
Học sinh cần được bí mật về điểm số

Như chia sẻ của một phụ huynh có kinh nghiệm đi trước, khi con không vào được trường chuyên, vợ chồng chị vô tư mà con buồn suốt suýt bị trầm cảm. Theo chị, đã quết định thi là phải có sự chuẩn bị, đừng nghĩ cho con thi thử sức mà đã đẩy con vào chỗ tranh đua, khi con đậu thì mình ăn mừng, nhưng con rớt bố mẹ có gánh được nỗi buồn cho con hay không?

Bà Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ cho biết, sau khi biết kết quả các kỳ thi, nhất là kỳ thi vào trường Trần Đại Nghĩa, Hội quán lại đón “khách” ra vào nhiều hơn, đó các bạn nhỏ buồn, suy sụp cần ổn định tâm lý.

Mới đây, Luật Trẻ em cấm phụ huynh “khoe” bảng điểm của con lên mạng. TPHCM cũng có chủ trương các trường tiểu học không được công bố điểm số của học trò trong các buổi hợp phụ huynh, các buổi sinh hoạt lớp. Đó cũng là những nỗ lực nhằm bảo vệ trẻ trước áp lực điểm số nhưng thứ cần trên hết chính là sự đồng hành của phụ huynh.

Hoài Nam