Cử tri Đà Nẵng: Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ trước khi cải cách, đổi mới giáo dục

(Dân trí) - Tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sáng 9/5, cử tri ở Đà Nẵng nêu ý kiến bức xúc và đề nghị Bộ Giáo dục & đào tạo cần nghiên cứu kỹ trước khi cải cách, đổi mới giáo dục. Cử tri nói: “Năm nào cũng thấy cải cách, đổi mới, nhất là tuyển sinh đại học. Bộ GD-ĐT đừng có năm nào cũng hù các cháu!”.

Cải cách, đổi mới trong giáo dục - đào tạo, cần nghiên cứu kỹ!

Phát biểu trước Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV sắp tới, cử tri Lê Minh Quốc (ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) bày tỏ bức xúc trước việc năm nào cũng thấy thay đổi phương án tuyển sinh đại học, không có sự ổn định, khiến cho thí sinh lo lắng.

Cử tri Quốc nói: “Năm nào cũng thấy cải cách, đổi mới, nhất là tuyển sinh đại học. Bộ GD-ĐT đừng có năm nào cũng hù các cháu! Tôi mong ĐBQH chuyển ý kiến của nhân dân đề nghị Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ khi cải cách, đổi mới giáo dục, có lộ trình rõ ràng!”.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu sáng 9/5
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu sáng 9/5

Cử tri ở Đà Nẵng cũng bày tỏ lo ngại với cách tuyển sinh đại học như hiện nay, 13 điểm cũng đậu đại học, kiểu gì cũng đậu đại học, thì các trường đào tạo nghề sẽ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Cử tri đồng tình với chủ trương của Chính phủ là giao cho Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội quản lý các trường nghề. Và đề nghị để việc đào tạo nghề cần nghiên cứu nhu cầu của xã hội, đáp ứng lao động có trình độ nghề mà xã hội cần.

Về đào tạo nghề, ông Thái Đình Hoàng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có mặt tại buổi tiếp xúc chia sẻ: “Thực hiện chủ trương giao các trường nghề cho Sở LĐ-TB&XH quản lý, hiện nay Sở đang tiến hành khảo sát để quy hoạch lại hệ thống các trường đào tạo nghề trên địa bàn thành phố. Sở cũng đồng thời phối hợp với Sở GD-ĐT của thành phố phát hành cẩm nang định hướng nghề nghiệp đến các em học sinh để các em có thêm nhiều thông tin tư vấn.

Ông Hoàng cũng nhìn nhận hiện trạng đào tạo nghề hiện nay là đào tạo những nghề đã có sẵn chứ chưa đào tạo nghề mà xã hội cần. Do đó, sẽ nghiên cứu để đào tạo nghề phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội.

Vì sao trường học cho tư nhân sử dụng đất đầu tư xây sân bóng đá?

Băn khoăn về vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, cử tri Ngô Thị Kim Trinh đặt câu hỏi vì sao Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho tư nhân đầu tư xây sân bóng trong khuôn viên trường học, mà không để đầu tư mở mang cơ sở trường lớp?

Cử tri ở Đà Nẵng đặt nhiều câu hỏi băn khoăn với các vấn đề của ngành giáo dục - đào tạo
Cử tri ở Đà Nẵng đặt nhiều câu hỏi băn khoăn với các vấn đề của ngành giáo dục - đào tạo

Ghi nhận ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố cho đây là vấn đề của thành phố, nên sẽ có các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có mặt tại buổi tiếp xúc tiếp nhận và có câu trả lời với cử tri.

Liên quan trường hợp Trường Tiểu học Phan Phu Tiên, trao đổi với PV Dân trí, Nguyễn Hỷ - Hiệu trưởng Trường TH Phan Phu Tiên xác nhận đúng có việc nhà trường đã cho tư nhân thuê khu đất phía sau dãy phòng học 3 tầng trong khuôn viên trường để đầu tư xây 2 sân bóng mi ni.

Ông Hỷ lý giải do hiện tại trường đã có 34 lớp, nhiều hơn số lớp của Bộ GD-ĐT quy định ở một trường tiểu học (30 lớp); và ở cùng một địa điểm, không thể có hai trường Tiểu học, nên không thể xây thêm trường ở đây. Tổng diện tích khuôn viên trường hiện có 11.000 m², chưa kể diện tích các dãy lớp học ở tầng trên.

Hiện ở trường có 1.318 học sinh, theo tiêu chuẩn trường học ở thành thị phải đảm bảo diện tích học tập, vui chơi cho học sinh là 6m2/học sinh, thì cần khoảng gần 8.000 m².

Như vậy, diện tích trường vẫn còn thừa, và thực tế phần đất nằm phía sau dãy lớp học này lâu nay cũng không để làm gì, nên theo chủ trương xã hội hóa, UBND Quận đã giao cho trường ký kết với tư nhân để đầu khu thể thao. Học sinh ở trường có thể vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao ở đây trong giờ hành chính.

Ngoài ra, tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH thành phố, cử tri Đà Nẵng cũng đề nghị trong đầu tư trang bị cơ sở vật chất trường lớp, cần khảo sát để đầu tư trang bị hợp lý. Cử tri nêu ví dụ như ở tỉnh Quảng Ngãi, cũng như ở nhiều địa phương, theo báo chí nêu thì bàn ghế theo chuẩn của Bộ hiện nay chưa phù hợp với thực tế thể trạng học sinh, khiến học sinh không thoải mái khi ngồi trong lớp học.

Tâm An