Cử tri Hà Nội lo lắng về các chương trình liên kết

(Dân trí) - Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài ngày càng phát triển rầm rộ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người học khiến cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm, lo lắng.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, cử tri Hà Nội đã gửi đến Bộ 2 kiến nghị về các chương trình liên kết với nước ngoài. Cụ thể là:

1. Đối với toàn bộ nền GD, nhà nước cần thực thi chủ quyền GD, không nên cho phép người nước ngoài thành lập các trường mầm non, trường phổ thông, kể cả khi họ cam kết dạy theo chương trình Việt Nam, bởi vì rất khó có thể kiểm soát được nội dung chương trình giảng dạy.

2. Việc định tên các trường phải sử dụng tiếng Việt, ngoại ngữ chủ yếu sử dụng khi giao dịch quốc tế, tránh tình trạng đặt tên một cách lai căng như thời gian gần đây.

Đối với 2 kiến nghị này, Bộ GD-ĐT đã trả lời:

1. Với chính sách mở rộng quan hệ quốc tế và thu hút đầu tư của Nhà nước ta, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn ngày càng đông. Việc cho phép mở các cơ sở GD mầm non, cơ sở GD phổ thông dành cho người nước ngoài là cần thiết. Trong tương lai, ta có thể xem xét để cho nhà đầu tư Việt Nam được mở trường cho người nước ngoài nếu đáp ứng được các yêu cầu tổ chức giảng dạy cho người nước ngoài.

Tương tự như vậy, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể mở trường cho trẻ em, HS Việt Nam và phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Chương trình giảng dạy tại các cơ sở GD mầm non, cơ sở GD phổ thông của Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật GD. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định các cơ sở này được dạy theo chương trình của nước ngoài.

2. Theo quy định hiện hành, cơ sở GD của nước ngoài được đặt tên bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt Nam. Cơ sở GD của Việt Nam đặt tên theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, tiểu học và trường trung học.

Được biết, hợp tác quốc tế đã được Bộ GD-ĐT xác định là một trong bảy nhóm nhiệm vụ quan trọng để đổi mới và phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH với định hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy thực tế đã cho thấy hợp tác quốc tế trong giáo dục mặt tốt có nhưng hạn chế, bất cập cũng có nhưng quan điểm của Bộ là bên cạnh việc xử lý được những mặt tiêu cực thì phải phát huy được những mặt tích cực chứ không thể vì có hạn chế, sai sót mà đóng chặt cửa, không khuyến khích hợp tác đào tạo.

Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng một nghị định về hợp tác đầu tư với nước ngoài, có một chương quy định chi tiết về việc liên kết đào tạo với nước ngoài đặt ra các yêu cầu về điều kiện liên kết như: đối tác nước ngoài phải là trường được kiểm định hoặc được các cơ quan nước ngoài công nhận, các bên liên kết còn phải thỏa mãn các điều kiện của Việt Nam về giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất…

M.M