Đại sứ Canada Deanna L.Horton:

Cửa du học Canada ngày càng rộng mở

(Dân trí) - Giáo dục và đào tạo là ưu tiên hàng đầu của tôi cũng như là của Chính phủ Canada trong quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là đào tạo nghề cho giới trẻ.

Đó là lời khẳng định của Đại sứ Canada tại Việt Nam, bà Deanna L. Horton trong cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi vào chiều 25/6 tại Hà Nội.   

Cửa du học Canada ngày càng rộng mở - 1

Bà Đại sứ tại buổi lễ khánh thành Trường Nghề Việt Nam - Canada tháng 2/2009
 
Hợp tác giữa  các trường đại học

Được biết trong chuyến về Canada vừa qua, một trong những lí do chính của bà là việc đào tạo nghề ở Việt Nam. Điều đó phải chăng vì quan tâm nhiều đến vấn đề này?

Đúng là như vậy. Ở Canada hiện nay, người ta rất quan tâm tới vấn đề giáo dục đào tạo nghề ở Việt Nam. Về phía mình, tôi đang cố gắng hết sức để giới thiệu thật nhiều sinh viên Việt Nam sang Canada và sinh viên Canada sang Việt Nam cũng như tăng cường trao đổi về giáo dục giữa hai nước nhiều hơn nữa.

Du học Canada cũng đang là vấn đề được các phụ huynh và đặc biệt là bạn trẻ Việt Nam quan tâm. Theo bà thì ưu điểm các chương trình giáo dục & đào tạo ở Canada là gì?

Đối với cấp tiểu học, theo xếp loại của Chương trình quốc tế về theo dõi các thành tựu đạt được của học sinh thì học sinh Canada luôn dẫn đầu về các môn: Tập đọc, Toán và Khoa học. Truyền thống của giáo dục Canada là đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu và chuẩn bị tốt nhất cho tương lai nhờ vào kết quả học tập của các em. Đối với các trường cao đẳng, Canada nổi tiếng thế giới về giảng dạy chất lượng cao và sự công nhận rộng rãi bằng cấp.
 
Các trường đại học của Canada mỗi năm thu hút hơn 70.000 sinh viên quốc tế, với 22.000 sinh viên trong các chương trình sau đại học. Thế mạnh của giáo dục Canada là đào tạo theo nhu cầu của thị trường và một mô hình trên cơ sở định hướng như vậy đã được một công dân Canada gốc Việt là ông Nguyễn Hoài Bắc đầu tư xây dựng Trường Nghề Việt Nam - Canada ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trường này có thể đào tạo mỗi năm từ 3-5 ngàn học viên. Hiện ông Bắc đang quay lại Canada tìm hiểu các giáo trình để giảng dạy.

Theo bà, cần phải làm gì để những sinh viên Việt Nam tiếp cận gần hơn nữa với giáo dục & đào tạo của Canada?

Chúng tôi đã có những chương trình đối tác hợp tác giữa  các trường đại học và đã có nhiều đồng nghiệp Canada đến Việt Nam tham gia giảng dạy từ năm 1994 theo dự án của cơ quan phát triển CIDA. Viện khoa học và công nghệ ứng dụng Saskatchewan (SIAT) đã cung cấp các giáo trình giảng dạy nghề cho 9 trung tâm đào tạo nghề tại Việt Nam. Họ cũng có dự án với Đại học Trà Vinh.
 
Vào tuần thứ 4 của tháng 10 tới, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm về giáo dục tại Hà Nội và TPHCM với sự tham dự của trường đại học Canada trong đó có trường Đại học Alberta, nơi đã kí 3 hiệp định với Chính phủ Canada tài trợ học bổng cho sinh viên Việt Nam.
 
Một nhân vật nữa cũng góp phần tích cực vào mối quan hệ giáo dục & đào tạo giữa hai nước là giáo sư Võ Văn Trường - Nguyên hiệu phó trường Đại học Concordia - Chủ tịch Mạng lưới giáo dục Việt Nam - Canada. Theo dự kiến, vào tháng 12 năm nay, ông sẽ tổ chức một hội thảo chuyên đề về giáo dục tại Việt Nam. 

Việc cấp visa sẽ nhanh chóng được khắc phục

Một vấn đề mà tôi nghĩ có lẽ rất nhiều người quan tâm là học bổng, thưa Bà?

Canada hiện có 8 chương trình học bổng. Đó là Chương trình học bổng Pháp ngữ, Chương trình học bổng Canada Vanier, Chương trình học bổng hàng hải, Chương trình học bổng Sauvé, Chương trình học bổng sau đại học của tỉnh Ontario, Chương trình học bổng xuất sắc dành cho học sinh nước ngoài của tỉnh Québec, Chương trình miễn giảm học phí dành cho sinh viên quốc tế, Học bổng các trường thế giới liên kết tại Trường Pearson.

Thưa bà, chúng tôi được biết là Sứ quán đang nỗ lực hết sức để các sinh viên Việt Nam sang Canada du học nhưng theo phản ánh, thủ tục cấp visa cho các du học sinh lại rất lâu so với các nước cùng điều kiện, ví dụ như Anh hay Mỹ?

Chúng tôi cũng nhận ra điều này và trên thực tế cũng đã nỗ lực hết mình để có thể giảm thiểu thủ tục cấp visa cho những người sang học ở Canada. Minh chứng cho điều này là năm 2008, số được cấp visa là 590 người, tăng 125% so với năm 2007. Hiện, chúng tôi đã có một chương trình cập nhật tin tức trong quá trình xét đơn, visa và sau đó, thông báo qua điện thoại hoặc bằng văn bản để người cần visa biết tiến trình đang xử lý đến đâu. Mặt khác, chúng tôi đang có chương trình nâng cao năng lực của các nhân viên để tư vấn cho quá trình làm thủ tục được tiến hành nhanh chóng hơn. Trước đây, việc cấp visa rất mất nhiều thì giờ nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Căn cứ vào những gì chúng tôi đang làm để giảm thiểu thủ tục, chắc chắn số visa trong năm tới sẽ còn  tăng lên. Và tôi hoàn toàn tin tưởng, đây không còn là vấn đề lớn nữa.   

Nhiều người Việt sang Canada và ngược lại

Cửa du học Canada ngày càng rộng mở - 2

Bà Đại sứ khẳng định, chắc chắn sang những năm tới, số du học sinh Việt Nam sang Canada sẽ tăng lên.
Hiện tượng chảy máu chất xám đang là mối lo ngại ở các nước đang phát triển như chúng tôi. Theo bà, làm thế nào để giữ chân các nhà khoa học?

Chúng tôi cũng từng có hiện tượng chảy máu chất xám như anh nói nhưng theo quan điểm của chúng tôi, người ta thường chuyển nơi định cư của mình vì lí do chất lượng cuộc sống thôi. Ví dụ như là có thể tạo điều kiện cho họ phát triển và có thể đảm bảo cuộc sống cho họ được tốt thì tất nhiên là họ sẽ yên tâm mà cống hiến. Ví dụ như cũng có những người từ Canada sang Mỹ sống nhưng ngược lại cũng có những người từ Mỹ sang Canada. Có cả những người Canada gốc Việt quay về Việt Nam như ông Nguyễn Hoài Bắc mà tôi nhắc đến ở trên chẳng hạn bởi vì họ nhìn thấy ở Việt Nam cơ hội và có thể phát triển được tài năng của họ.

Mô hình mà ông Bắc đang thực hiện là rất mới mẻ đối với cả hai nước. Sứ quán Canada đã làm gì để hỗ trợ ông ấy?

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của bản thân ông Bắc và Trường VCS của ông, giúp ông Bắc tìm đối tác có uy tín tại Canada như Viện Công nghệ ứng dụng Bắc Alberta (NAIT) và một số trường khác để liên kết đào tạo dạy nghề giữa hai nước và hợp tác xuất khẩu lao động và sẵn sàng giúp các cơ sở giáo dục khác quan tâm đến vấn đề này.

Hiện nay tiềm năng của hai nước còn rất nhiều nhưng năm vừa rồi mới chỉ có 590 sinh viên Việt Nam sang du học ở Canada. Trong khi đó, theo chúng tôi biết thì con số này ở Mỹ là trên 10 ngàn. Theo bà, cần làm gì để đẩy nhanh con số ấy lên và có một lịch trình cụ thể, ví dụ chúng ta có thể đặt một cái mốc rằng bao giờ đạt được con số 1 ngàn, 5 ngàn, 10 ngàn người/năm…?

Trên thực tế, chúng tôi không có một chương trình dài hạn nào như thế. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa và chắc chắn sang những năm tới, số du học sinh Việt Nam sang Canada sẽ tăng lên. Cụ thể là chúng tôi có hẳn một chương trình chiến lược cho việc này và những ai quan tâm có thể đến Đại sứ quán tại Hà Nội hay văn phòng ở TPHCM để tìm hiểu thông tin.  

Mô hình kết hợp nhà trường - doanh nghiệp

Bà có nói việc đào tạo của Canada là theo nhu cầu của thị trường. Đây lại là vấn đề mà Việt Nam rất yếu. Bà có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?

Cụ thể là như thế này, những doanh nghiệp trong khu vực có các trường đại học sẽ nói chuyện với các cơ sở đại học vùng đó về những nhu cầu mà họ cần. Ví dụ như Viện công nghệ ứng dụng Bắc Albreta (NAIT), Canada mà theo dự định, tuần tới họ sẽ đến Việt Nam chẳng hạn. Alberta là vùng có nhiều nhà máy liên quan tới ngành dầu khí và họ đã trao đổi với các cơ sở đào tạo để sinh viên có thể đến ngay cơ sở để thực tập và làm việc.
 
Điều này rất thuận lợi vì nó có thể giải quyết được một vấn đề là các công ty khi tuyển dụng nhân sự cần những người có kinh nghiệm và đây là cơ hội rất tốt cho họ tích lũy. Một điều tốt nữa là trong quá trình đào tạo ở công ty, nếu họ làm tốt thì có thể được tuyển dụng luôn. Vì vậy, mô hình kết hợp này rất được phổ biến ở Canada.
 
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo cũng phải xác định được nhu cầu thị trường là gì, kĩ năng cần thiết như thế nào để có hướng đi phù hợp. Một mô hình nữa là ngày càng có nhiều trường ở Canada cho các sinh viên học cao đẳng hai năm, sau đó cho học đại học hai năm. Đây là hình thức bổ sung cho nhau. Người ta có thể học ở trường cao đẳng kĩ năng về nghề, sau đó lên bậc đại học để học lý thuyết. Việc này cần có sự thỏa thuận giữa các trường cao đẳng và đại học.

Nhân Quốc khánh Canada (1/7), bà có điều gì muốn nhắn nhủ tới những sinh viên Việt Nam đang có mong muốn được du học ở Canada?

Vâng, một điều thôi. Tôi hy vọng rằng họ có cơ hội sang Canada để học tập trong một ngày nào đó. 

Xin trân trọng cám ơn bà!
 
Bùi Hoàng Tám
(Thực hiện)