Báo cáo Flexner:

Cuộc cách mạng trong đào tạo y khoa Mỹ và bài học cho Việt Nam

Nhìn lại hơn 100 năm qua từ khi Báo cáo của Flexner ra đời, mặc dù cũng còn những điểm chưa phù hợp nhưng báo cáo này đã tạo ra cuộc cách mạng trong đào tạo Y khoa của Mỹ và tạo ra một nền Y tế chất lượng cao tại đây. Cuộc cách mạng này vẫn là bài học lớn cho Y tế Việt Nam hiện nay.

Do tình trạng giảng dạy ở một số trường thuần túy chỉ là truyền đạt kinh nghiệm giữa các thế hệ thầy thuốc, không gắn với tư duy khoa học nên giai đoạn này đã sản sinh ra những trường phái y học phi khoa học như Liệu pháp vi lượng đồng căn (uống chất độc nồng độ thấp), Niệu liệu pháp (cho bệnh nhân tự uống nước tiểu của mình) hay các liệu pháp nhịn ăn, cấm tắm để chữa bệnh mà dư âm của nó còn lưu hành đến bây giờ và lan truyền sang cả Việt Nam.


Vơ vét sinh viên

Nước Mỹ ban đầu như một vùng thuộc địa của Anh. Những thế hệ thầy thuốc Mỹ đầu tiên di cư từ Châu Âu sang hoặc đi học từ Châu Âu trở về. Để đảm bảo nhu cầu y tế cho xã hội, những thầy thuốc này tuyển mộ học trò và giảng dạy trong những khóa đào tạo tại địa phương. Tình hình này cũng giống như nền Y học cách mạng Việt nam: Các thầy thuốc hầu hết đều được đào tạo tại Pháp hoặc trường Thuốc Đông Dương lên chiến khu mở lại trường Đại học Y Hà Nội đào tạo bác sĩ phục vụ cho kháng chiến. 

Việc đào tạo y học chuẩn mực đầu tiên bắt đầu từ trường Đại học Philadenphia. Năm 1765 John Morgan là người đặt ra nguyên lý đào tạo y khoa phải kết hợp cả lý thuyết và thực hành lâm sàng trên người bệnh với nền tảng là bệnh viện Pennsylvania đã được xây dựng từ trước đó 13 năm.

Kế đến là giai đoạn phát triển các khoa Y ở nhiều trường đại học lớn khác. Mô hình phối hợp giảng dạy lý thuyết, thực hành lâm sàng và nghiên cứu Y học do John Hopkins thiết lập từ 1889 ở Trung tâm Y tế mang tên ông. Đây được coi là điểm khởi đầu của xu thế đào tạo và thực hành theo y học thực chứng. 

Trong giai đoạn này, chưa có một tiêu chuẩn quản lý nào đối với đào tạo y khoa. Bất kỳ thầy thuốc nào cũng có quyền tuyển mộ học viên. Việc đào tạo y khoa thuần túy do mục tiêu lợi nhuận nên số trường Đại học Y mọc lên như nấm.

Tính riêng từ năm 1840 đến 1876 đã có 47 trường y được thành lập mới. Tính chung cả Hoa Kỳ và Canada trong vòng chưa đến một thế kỷ đã sản sinh ra 447 trường Đại học Y. Có những trường chỉ sống sót được vài năm rồi tự giải tán. Rất nhiều trường y không có bệnh viện thực hành. Môi trường cạnh tranh khốc liệt dẫn đến tình trạng nhiều trường vơ vét sinh viên.

Thậm chí ngay cả những người chưa tốt nghiệp phổ thông cũng có thể vào học trường y, và đương nhiên chất lượng các thầy thuốc được đào tạo ra không có gì đảm bảo ngoài uy tín của nhà trường.

Và cũng do tình trạng giảng dạy ở một số trường thuần túy chỉ là truyền đạt kinh nghiệm giữa các thế hệ thầy thuốc, không gắn với tư duy khoa học nên giai đoạn này đã sản sinh ra những trường phái y học phi khoa học như Liệu pháp vi lượng đồng căn (uống chất độc nồng độ thấp), Niệu liệu pháp (cho bệnh nhân tự uống nước tiểu của mình) hay các liệu pháp nhịn ăn, cấm tắm để chữa bệnh mà dư âm của nó còn lưu hành đến bây giờ và lan truyền sang cả Việt Nam.


Aflexnerg

Aflexnerg

5 điểm cải tiến trong đào tạo y khoa

Tình hình hỗn loạn đã đến mức xã hội không thể chấp nhận nổi. Năm 1847, các thầy thuốc tâm huyết của nước Mỹ đã đứng ra thành lập Hiệp Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association AMA) và năm 1904 AMA thành lập ra Hội đồng đào tạo y tế (Council on Medical Education - CME). Tại cuộc họp đầu tiên CME đã đặt ra 2 tiêu chuẩn của đào tạo Y khoa: Tiêu chuẩn sinh viên đầu vào và Tiêu chuẩn đào tạo bao gồm quy định về thời gian học lý thuyết cơ bản, cơ sở, bệnh học và thời gian thực hành lâm sàng tại bệnh viện.

Đến 1908, CME với sự tài trợ của Quỹ phát triển Giáo dục Carnegie đã đề xuất Abraham Flexner khảo sát các trường Y. Abraham Flexner tiến hành khảo sát 155 trường Đaị học Y và đã chỉ ra những khiếm khuyết nghiêm trọng của đa số trường Y là vấn đề sinh viên hầu như chỉ được giảng lý thuyết, sinh viên những trường này không có đủ thiết bị thí nghiệm và cơ hội thực hành tại bệnh viện cũng như thiếu hụt giảng viên dạy lâm sàng có chất lượng. Báo cáo của Flexner đề xuất 5 điểm cải tiến trong đào tạo y khoa bao gồm 5 điểm:

1. Giảm số lượng các trường y tế (từ 155 xuống 31) hạn chế đào tạo bác sĩ ồ ạt.

2. Tăng điều kiện đầu vào của sinh viên y.

3. Tăng cường đào tạo bác sĩ về kỹ năng thực hành nghiên cứu và giảng dạy.

4. Tạo cơ chế cho các trường y kiểm soát giảng dạy lâm sàng tại các bệnh viện

5. Tăng cường quy chế cấp phép hành nghề y tế của nhà nước

Đồng thời với báo cáo và đề xuất của Flexner, năm 1902 nước Mỹ đã thành lập Liên đoàn y khoa liên bang (Federation of State Medical Boads – FSMB). Công việc đầu tiên của FSMB là công bố công khai các bác sĩ có vi phạm về chuyên môn, y đức hay hành nghề trái phép và ban hành Hệ thống đánh giá trước khi cấp phép (tiền thân của hệ thống đánh giá lừng danh USMLE hiện nay).

Dưới áp lực của các hệ thống này, hàng loạt các bác sĩ tốt nghiệp các trường Y không được cấp chứng chỉ hành nghề và những trường này phải đóng cửa. Năm 1904 tại Mỹ có 160 trường Y với 28,000 sinh viên, nhưng đến 1935 chỉ còn lại 66 trường hoạt động và hàng năm chỉ cho tốt nghiệp khoảng 2000-4000 bác sĩ.

Vẫn là bài học lớn cho Việt Nam

Đào tạo y khoa có những điểm khác biệt rất lớn so với đào tạo nhiều ngành nghề khác, đó là thời gian thực hành bệnh viện rất dài. Ngoài các yêu cầu cần có về cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm thì môi trường thực hành bệnh viện là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quyết định chất lượng chuyên môn và y đức của các thầy thuốc tương lai.

Trường y không chỉ cần các giáo sư đứng giảng trên giảng đường mà vô cùng cần những giảng viên trực tiếp làm và giảng dạy lâm sàng cho sinh viên qua thực tế khám chữa bệnh của mình.

Chính vì vậy quan điểm của các nhà Sư phạm y học nổi danh như John Hopkins là phải đảm bảo môi trường đạo tào y khoa không hướng tới lợi nhuận, các giảng viên phải được đảm bảo đời sống tốt và sinh viên phải được thực hành ở những bệnh viện tốt nhất.

Thực tế tại Việt Nam cũng đã chứng minh: Những sinh viên trường Y được thực hành tại các bệnh viện tốt như Y Hà Nội, Y Dược TP Hồ Chí Minh thường có chất lượng cao hơn nhiều trường khác.

Nhìn lại hơn 100 năm qua từ khi Báo cáo của Flexner ra đời, mặc dù cũng còn những điểm chưa phù hợp nhưng báo cáo này đã tạo ra cuộc cách mạng trong đào tạo Y khoa của Mỹ và tạo ra một nền Y tế chất lượng cao tại đây.

Tinh thần của Flexner về việc hạn chế mở trường và đào tạo bác sĩ ồ ạt, tăng cường chất lượng đầu vào của sinh viên, ưu tiên cơ hội thực hành lâm sàng tại bệnh viện tốt và tăng cường quản lý cấp phép đầu ra theo tiêu chuẩn quốc gia thống nhất để thiết lập sàn tối thiểu chung cho bác sĩ tốt nghiệp ra hành nghề vẫn là bài học lớn cho Y tế Việt Nam hiện nay.

Theo ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương

(Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ nội trú)

TLTK
1. Flexner Report: http://archive.carnegiefoundation.or...ner_Report.pdf
2. The Flexner Report ― 100 Years Later:http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3178858/
3. Flexner’s Impact on American Medicine: http://01f21cf.netsolhost.com/flexner.htm