“Cuộc chiến” chọn trường cấp 3 cho con

Hà Nội trong những ngày tháng 6 nóng như lửa cũng là lúc cuộc đua vào các trường chuyên ở Hà Nội sôi sục. Nhưng phụ huynh sốt sắng bao nhiêu, con em áp lực khổ sở bấy nhiêu. Trong số này vẫn có những đứa trẻ may mắn không bị ép học và đi thi theo nguyện vọng phụ huynh.

Năm 2016, Hà Nội lấy 1.750 chỉ tiêu hệ chuyên vào các trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây. Các thí sinh sẽ trải qua 2 vòng sơ tuyển và thi đầu vào với học sinh đã qua vòng 1. Điểm sơ tuyển căn cứ kết quả xếp loại học lực 4 năm THCS, kết quả thi học sinh giỏi, thi tài năng các cấp và kết quả tốt nghiệp THCS. Cuộc đua vào trường chuyên tại thủ đô bước vào giai đoạn gay cấn, “nóng” hơn cả chảo lửa bởi nó quyết định giấc mơ, khát vọng của nhiều phụ huynh đặt cho con cái.

“Mơ” học trường chuyên từ nhỏ, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Mai (Đống Đa, Hà Nội) đã không thể toại nguyện vì nhiều lí do. Khi có con, chị dồn mọi nỗ lực để con có thể thay mình đạt được mục tiêu ngày nào. Thuê gia sư, cạy cục xin cho con học ở các trung tâm luyện gà có tiếng, lên thời khoá biểu học tập như “luyện siêu nhân”... Chị làm tất cả để con đạt được ước mơ từ nhỏ của chị, dù con gái ngày ngày ủ rũ, nhắc đến trường chuyên là chực rớt nước mắt.


Hà Nội trong những ngày tháng 6 nóng như lửa cũng là lúc cuộc đua vào các trường chuyên ở Hà Nội sôi sục. (Ảnh minh họa: Ngọc Thành)

Hà Nội trong những ngày tháng 6 nóng như lửa cũng là lúc cuộc đua vào các trường chuyên ở Hà Nội sôi sục. (Ảnh minh họa: Ngọc Thành)

Cùng quan điểm, anh Lê Văn Hùng (Cầu Giấy - Hà Nội) hướng con thi vào một trường cấp 3 chuyên ở Hà Nội để “sau khi tốt nghiệp gia đình sẽ cho cháu đi du học luôn. Phải học trường chuyên mới đi nước ngoài được”. Để chuẩn bị, anh đầu tư cho con học tiếng Anh từ sớm, theo học thêm một thầy nổi tiếng luyện thi “mát tay” từ lâu. Con anh học cũng khá, nhưng gần như cháu không có bạn vì thời gian học thêm kín mít, cùng vẻ “gà tồ” do chẳng bao giờ phải tự làm gì.

“Đến tự sang đường bạn ấy cũng lóng ngóng” là câu đùa cợt của các bạn cùng học về “người ngoài hành tinh” - con trai anh. Kỹ năng sống của con thiếu trầm trọng, nhưng anh Hùng không mấy quan tâm. “Cháu học tốt, điểm số cao, thi đỗ chuyên là được”, anh kiên quyết.

Hiện tại, những người mẹ, người cha như chị Mai, anh Hùng không hiếm. Họ tin rằng, các lớp chọn, trường chuyên là môi trường tốt nhất để con phát triển trong học tập. Nơi ấy, có những học sinh “được chọn”, ngoan, giỏi, “chuẩn”, được học đủ kiến thức mở rộng, nâng cao… và hơn thế, đó còn là sự “đánh dấu” đầy vinh dự, tự hào cho cha mẹ.

Tuy nhiên, không hiếm học sinh trường chuyên, vì áp lực học tập, đã không thể vào đại học hay đi du học như bố mẹ kì vọng. Có em, sau khi vào được đúng trường mơ ước, vì áp lực, học lệch, chán nản đã buông xuôi, phản kháng trở nên ham chơi, thậm chí phản ứng tiêu cực lại với bố mẹ. Hay có những học sinh “đầu to mắt cận”, xa lạ với đời sống thường ngày, vụng về trong giao tiếp và ích kỉ trong lối sống. Có những em, thậm chí còn bị ảnh hưởng đến tâm lý, phải đi điều trị, tạm dừng việc học.

Không cùng quan điểm “phải vào trường chuyên mới tốt” như nhiều phụ huynh truyền thống, chị Dương Thị Tơ – phụ huynh em Trần Anh Duy – học sinh trường THPT FPT đã bỏ công tìm kiếm một ngôi trường cấp 3 “lý tưởng”. Theo chị, đó là nơi con không phải chỉ được học kiến thức, mà còn được chơi, học những kĩ năng sống, ứng xử xã hội cần thiết. Chị cho rằng ở lứa tuổi cấp 3 con cần được học cách tự chăm lo mình, quan tâm tới mọi người; và quan trọng là phải được trường bố trí khối lượng học và chơi phù hợp với lứa tuổi, để con tự phát triển đam mê và lựa chọn tương lai. “Con cần sống cuộc đời của con, không phải cuộc đời của bố mẹ”, chị khẳng định.


Học sinh THPT FPT được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ sở thích.

Học sinh THPT FPT được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ sở thích.

“Tôi cho con vào học tại Trường Trung học Phổ thông FPT, đúng vào thời điểm trường mới mở, tuyển sinh khóa đầu tiên với hy vọng con sẽ sớm trưởng thành. Sau 3 năm học, niềm tin ấy được chứng minh: Ở trường nội trú, con rất chịu khó tham gia các hoạt động, trải nghiệm tham gia các hoạt động tập thể. Con rất chững chạc trong ứng xử với mọi người, chủ động, biết giao tiếp từ điều nhỏ như trong bàn ăn, biết rót nước mời, đến biết tự nhiên nói lên nguyện vọng của mình trong tương lai… Có thể nói, đó chính là hành trang quý giá cho cuộc sống của con sau này. Đến nay, khi con tốt nghiệp cấp 3, thì gia đình đã thực sự toại nguyện.” – chị Dương Thị Tơ cho biết.


Cùng học tập, sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa, không chỉ bồi đắp kiến thức học sinh nội trú có nhiều trải nghiệm sống, biết yêu thương và hoàn thiện nhân cách.

Cùng học tập, sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa, không chỉ bồi đắp kiến thức học sinh nội trú có nhiều trải nghiệm sống, biết yêu thương và hoàn thiện nhân cách.

Quả thật, những thành tích rồi cũng mờ dần theo năm tháng. Người làm cha mẹ chỉ thực sự toại nguyện khi con “thành người”. Và cuộc sống của những đứa trẻ, hẳn sẽ hạnh phúc, may mắn hơn khi được bố mẹ thương yêu, đủ quan tâm, lắng nghe và định hướng đúng đắn: Hướng con trở thành một con người đúng nghĩa: Biết ứng xử, biết ước mơ, biết yêu thương, sống có ích, làm chủ tư duy và cuộc sống của mình.