Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT:

“Cuộc chơi” đã thật công bằng?

(Dân trí) - Kết quả kỳ thi tốt nghiệp đang được xem như thành quả đầu tiên của ngành giáo dục kể từ khi bắt đầu thực hiện cuộc vận động “Hai không...”, nhưng bên cạnh đó dư luận vẫn băn khoăn với câu hỏi tính công bằng của kỳ thi đã đạt được đến mức nào?

Hà Tây, Nghệ An, Bạc Liêu, ba tỉnh đã phải vào vị trí “đầu bảng” trong danh sách “đen” của ngành giáo dục vì những sự vụ nổi đình nổi đám mà các tỉnh này đã gây ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006. Vì thế, cũng rất dễ hiểu khi tại cả ba địa phương này, tỷ lệ tốt nghiệp đã sụt giảm đến mức thảm hại.

 

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Nghệ An chỉ là 44,9%, Bạc Liêu là 40%, còn Hà Tây, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 57,2%, giảm tới 42% so với năm ngoái. Trong ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT này, đích thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đi thị sát một loạt trường tại Hà Tây. 

 

Trong khi đó, hàng chục địa phương khác không vướng vào vòng “tai tiếng” như ba địa phương trên, tỷ lệ tốt nghiệp giữ được khá “hài hoà” với con số trên 70%. Luồng gió nóng của cuộc chiến “Hai không” dường như chỉ mới thổi tổng lực vào những vùng tâm điểm?

 

9 tỉnh miền núi phía Bắc phải chịu khá nhiều thiệt thòi về điều kiện giáo dục, cũng là những tỉnh có vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng tỷ lệ tốt nghiệp. Đó là Lai Châu với tỷ lệ tốt nghiệp là 48,40%, Điện Biên 46%, Hoà Bình 33%, Hà Giang 31.8%, Cao Bằng 27.7%, Yên Bái 26.7%, Sơn La 24.4%, Bắc Kạn 20.3%, Tuyên Quang 14,1%.

 

Nhận xét về tình hình này, Cục trường Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Nguyễn An Ninh cho rằng: Kết quả thi năm nay phản ánh rất rõ khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, những năm trước thì không rõ lắm bởi kỳ thi của những năm trước tồn tại nhiều yếu tố “giả tạo”, thực chất không phải như những gì họ đạt được. Qua đây, cả hệ thống giáo dục nhận ra thực chất của việc dạy và học. Những kết quả thực cho chúng ta một bức tranh cụ thể của hệ thống dạy học ở các vùng miền, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

 

Đồng ý với nhận xét này của ông Ninh. Tuy nhiên, đồng thời cũng nên nhìn lại công cuộc chuẩn bị cho kỳ thi này của Bộ GD-ĐT. Để phục vụ cho mục tiêu hạn chế đến mức cao nhất các hình thức gian lận, Bộ GD-ĐT áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với 3/6 môn thi.

 

Ông Ninh có khẳng định rằng đối với thể loại thi trắc nghiệm, số học sinh mắc lỗi kỹ thuật rất ít và không ảnh hưởng đến kết quả thi, chủ yếu điểm thấp là do học sinh thiếu kiến thức để làm bài trắc nghiệm. Cũng không thể đổ lỗi cho vấn đề chưa chuẩn bị kịp tâm lý vì bài thi trắc nghiệm đòi hỏi kiến thức của học sinh.

 

Nhưng, một điều đơn giản mà tất cả ai cũng có thể nhìn nhận ra là: Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong vòng 3 tháng, thí sinh của 9 tỉnh miền núi kể trên chắc chắn cũng chính là những thí sinh ít được tiếp xúc với hình thức thi trắc nghiệm nhất, do hoàn cảnh địa lý với những hạn chế về thông tin cho cả giáo viên và học sinh THPT nơi đây. Và cuối cùng cũng chính các em là những người chịu thiệt thòi nhất.  

Mai Minh