Cuộc đua “nước rút” vào trường điểm

Tháng 5, khi học sinh đang miệt mài ôn thi kỳ thi tốt nghiệp, cũng là lúc cuộc đua vào trường điểm của các phụ huynh đến hồi gay cấn. Các mối quan hệ được tận dụng tối đa. Giá một suất học tại các trường THCS, tiểu học danh tiếng của Hà Nội đã lên đến 400 USD và tiếp tục tăng.

Dịp 30/4 này, cả gia đình chị Hồng Hạnh, phố Hòa Mã, quận Hoàn Kiếm quyết định không đi du lịch để ở nhà lo chạy trường cho cậu con trai sắp tốt nghiệp tiểu học. Trường THCS mà chị Hạnh định cho con theo học cũng thuộc quận Hoàn Kiếm, nổi tiếng về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp loại giỏi.

 

"Vợ chồng tôi thay phiên nhau chực chờ gần 1 tuần ở nhà cô hiệu trưởng. Nhiều hôm tôi đi theo cô về tận nhà, nhưng khi bấm chuông gia đình lại nói là cô đi vắng. Vất vả, tốn kém nhưng vợ chồng tôi quyết tâm phải cho cháu vào trường điểm. Phường tôi ở cũng có trường THCS nhưng cơ sở vật chất không tốt lắm", chị Hạnh nói.

 

Cũng giống như gia đình chị Hạnh, anh Thanh, cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cũng đang chạy đôn chạy đáo lo cho cậu con trai vào trường tiểu học Thăng Long. "Cô bạn thân của tôi đang dạy trường này nhưng nghe chừng cũng khó lắm. Cô ấy nói thời điểm này mới đi xin học thì quá muộn, các suất học trái tuyến đều đã kín chỗ. Nếu cố xin vào trường thì giá sẽ không dưới 5 vé", anh Thanh cho biết.

 

Theo luật bất thành văn của các trường, mỗi cô giáo sẽ có 1-2 suất trái tuyến, dành cho người nhà. Phần lớn suất học còn lại do hiệu trưởng quyết định. Đến 1/7, các trường mới bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh nhưng các suất trái tuyến tại các trường tiểu học Tràng An, tiểu học Bình Minh, THCS Trưng Vương... gần như đã an bài. Theo nhiều phụ huynh giá "chạy trường" khối THCS thường cao hơn bậc tiểu học 2-3 "vé". Lý do là nếu học trường THCS có chất lượng cao thì con em họ sau này dễ trúng tuyển vào các trường THPT danh tiếng. Cơ hội vào đại học cũng sẽ nhiều hơn.

 

Tình trạng "hâm mộ" quá mức của phụ huynh đã khiến nhiều hiệu trưởng lâm vào cảnh "dở khóc dở cười". Cô Trần Thị Thảo, Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm), tâm sự, những ngày này bà không dám nghe điện thoại nếu cuộc gọi từ số máy lạ. Năm nay, trường tiểu học Bình Minh chỉ được tuyển 120 học sinh lớp 1 nhưng đến nay lượng hồ sơ xin học đã lên đến gần 300.

 

Còn cô H., hiệu trưởng một trường THCS quận Đống Đa, cho biết, đến cuối tháng 4, cô đã nhận được hơn 50 "đơn đặt hàng". Trong đó có gần một nửa là bạn bè, họ hàng hoặc những quan chức của thành phố, quận... "Cả tháng nay tôi không dám bật máy điện thoại di động. Khách đến hỏi thì chồng, con bảo là đi vắng. Chỉ tiêu tuyến sinh trái tuyến của trường có hạn trong khi nhiều quan chức, bạn bè thân nhờ vả, khó từ chối lắm", cô H. nói.

 

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho con học trường điểm trái tuyến đang là mốt đối với những gia đình có điều kiện kinh tế. Tiêu chí chọn trường của phụ huynh hiện nay là trường chất lượng cao và có cơ sở vật chất tốt, sau đó mới đến gần nhà. Hiện nay, số học sinh đúng tuyến (học sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn trường) chỉ chiếm khoảng 70% chỉ tiêu. Sau khi đã tuyển xong học sinh đúng tuyến, những trường còn chỉ tiêu được phép tuyển học sinh trái tuyến. Một số trường do lượng hồ sơ xin học trái tuyến quá lớn, dẫn tới tiêu cực.

 

"Trường nào cũng chỉ có vài lớp mũi nhọn, giáo viên giỏi. Không phải cứ xin học vào trường danh tiếng thì con em sẽ được học cô giáo tốt. Nếu chỉ được học các lớp đại trà thì chất lượng cũng không hơn các trường khác", ông Tiến nói. Tuy nhiên, vị Trưởng phòng Giáo dục tiểu học cũng phải thừa nhận, đang có sự chênh lệnh chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất giữa các trường trong thành phố.

 

Có một thực tế là các trường cũng rất thích nhận học sinh trái tuyến từ những gia đình quyền thế hoặc có điều kiện kinh tế. Ngoài khoản lệ phí "chạy" trường, phụ huynh những em này rất "quan tâm" đến các thày, cô giáo và thường hào phóng đóng góp tiền ủng hộ nhà trường. Họ cũng rất tích cực cho con em đi học thêm.

 

Theo VnExpress