“Cuộc đua” trường chuyên

(Dân trí) - Cuộc đua để tìm được một suất vào trường chuyên đang vắt kiệt sức nhiều cô cậu học trò tuổi ăn tuổi lớn. Các em học, lao vào một “cuộc chơi so kè điểm số” để tìm “cái danh” mà đôi khi các em không biết vì lẽ gì?

Từ lâu kỳ thi vào lớp 6 chuyên THPT Trần Đại Nghĩa, TPHCM là cuộc chạy đua khủng khiếp với tỷ lệ "chọi" hàng năm trung bình 1/10. Sự căng thẳng không chỉ nằm ở số lượng mà rất đông các em tham dự kỳ thi được gia đình đầu tư, ôn luyện để trở thành “gà chọi” trước vài năm, thậm chí ngay khi vừa bước chân vào lớp 1 học chữ. Đừng nói một mùa hè, nhiều em nhiều mùa hè liên tục chỉ biết học và học.

Năm nay, Bộ GD-ĐT cấm thi tuyển vào lớp 6. Nhưng với số lượng thí sinh đăng ký vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa quá đông, chưa có một phương thức xét tuyển nào khả quan nên TPHCM chọn hình thức bài khảo sát năng lực tiếng Anh để chọn đầu vào.

Cuộc đua không hề hạ nhiệt. Gia đình, các trung tâm luyện thi lập tức chạy theo hình thức xét đầu vào mới để ôn luyện cho trẻ nhỏ. Và rồi nhiều đứa trẻ vẫn quay cuồng vùi đầu trong lò luyện, trong sách vở với mục tiêu… được bố mẹ đặt ra là phải vào Trường Trần Đại Nghĩa bằng được.

Học sinh chen chân vào lớp 6 chuyên được xem là cuộc đua của phụ huynh.
Học sinh chen chân vào lớp 6 chuyên được xem là "cuộc đua" của phụ huynh. Trong ảnh: Phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào lớp 6 chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM.

Phải nói Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã rất sòng phẳng khi “cảnh báo” trước sự khốc liệt trong môi trường học tập ở đây. Trong hồ sơ đăng ký dự tuyển năm nay, trường đã nêu rõ HS trúng tuyển nhưng trong quá trình học nếu không đạt yêu cầu trung bình trở lên chương trình tăng cường Ngoại ngữ các em sẽ phải chuyển trường.

Phụ huynh có thể kêu ca, có thể cho rằng bất công, áp lực nhưng… quyền lựa chọn hoàn toàn ở trong tay họ khi con trẻ đặt bút ký vào cam kết này.

Với nhiều gia đình, con vào được lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa được coi là mục tiêu hàng đầu của việc học, là lẽ sống của cha mẹ. Điều chắc chắn là không thuộc về lựa chọn của những đứa ở tuổi 11, 12 mà được bố mẹ chọn thay. Trẻ đang học, đang đua không phải vì mình mà đây là cuộc đua của các phụ huynh. Chỉ có điều con trẻ thay họ “đấu đá” và “chịu trận”.

Một nhà giáo ở TPHCM cho rằng, hầu hết phụ huynh chỉ mới nhìn thấy “ánh hào quang” của trường chuyên là con mình có môi trường rèn luyện tốt, học tập tốt đi với một tương lai xán lạn, cuộc đời thay đổi… mà chưa hình tới những mặt trái, những áp lực.

Với “cuộc chơi” thành tích học tập ở trường chuyên, đôi khi mục tiêu, ước mơ của các em trở nên hạn hẹp khi tất cả mục tiêu tập trung cho việc học để chiến thắng, để thi đấu. Trong guồng máy đó, nhiều em không còn biết mình mong muốn, khát khao điều gì cho dù các em phải đánh đổi rất nhiều.

Ông bố của cậu học trò từng đưa về thành tích vang dội cho TPHCM ở cuộc thi Olympic quốc tế chia sẻ, điều ông dằn vặt nhất với con chính là… việc thúc ép con thi và học chuyên từ bậc THCS. Bây giờ cháu là một tài năng triển vọng, là nhân tài của nước nhà nhưng có hơn thế đi nữa cũng không đáng để phải đánh đổi bằng cả tuổi thơ với nhiều điều ý nghĩa hơn ngoài việc chỉ học và học.

“Ở trường chuyên, lớp 6, lớp 7, việc học đến 1 - 2 giờ sáng là chuyện hàng ngày. Học miệt mài, học vật vờ, học đến mức chẳng còn thiết tha gì ngoài học. Cháu bị tước đi quá nhiều thứ không bao giờ lấy lại được. Và trước hết là lỗi ở tôi”, người bố bộc bạch.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần xoá bỏ mô hình trường chuyên, nhất là ở bậc THCS để giảm áp lực cho trẻ, để tránh bất bình đẳng giữa các học sinh. Song có điều phải thừa nhận, “sân chơi” khốc liệt này dù ai tạo nên đi nữa thì quyền quyết định trước hết nằm trong tay phụ huynh!

Hoài Nam