Cuộc gặp gỡ cuối cùng của tôi với PGS Văn Như Cương

(Dân trí) - Lần cuối tôi gặp PGS Văn Như Cương là một ngày đầu xuân, thời tiết không còn lạnh, trái lại mát mẻ dễ chịu như trời thu Hà Nội hôm nay. Lần đó, thầy Cương vừa mới từ bệnh viện trở về nên còn rất mệt...

Ông nằm nghỉ ngơi trong căn phòng phía sau Trường Lương Thế Vinh. Tuy đôi tay gầy guộc khẳng khiu còn bị cắm đủ thứ kim tiêm, dây chuyền nhưng thấy thấy khách vào, ông trở dậy, vẫn với chất giọng Nghệ bao nhiêu năm không thay đổi: A! Chào nhà báo đồng hương.

So với lần gặp trước đó nữa, trông ông gầy hơn. Tuy nhiên, bất cứ lúc nào, mệt hay khỏe thì khuôn mặt ấy vẫn toát lên vẻ bình thản và lối nói chuyện thẳng thắn, dí dỏm.

GS Văn Như Cương với học trò Trường Lương Thế Vinh trong năm học mới
GS Văn Như Cương với học trò Trường Lương Thế Vinh trong năm học mới

Tôi thấy hiếm có ai đối mặt với trọng bệnh lại lạc quan và bản lĩnh như thầy Văn Như Cương. Không hề có ý định giấu diếm, ông rất dễ dàng chia sẻ rắc rối lớn về sức khỏe của mình với tôi: “Câu chuyện đó bắt đầu từ cách đây hơn 2 năm. Bác sỹ nói với người nhà của tôi: Thầy bị ung thư gan, chỉ có thể trụ được 3-5 tháng thôi. Gia đình chuẩn bị tinh thần. Tôi không biết điều này nhưng thấy vợ con có thái độ khác thường liền yêu cầu nói thật. Lúc đó, cả nhà mới nói mình bị ung thư. Tôi nghe xong cười và nói: Không, không! Không đúng đâu. Bởi tôi thấy thể trạng mình khá bình thường. Mình tự đọc được cơ thể của mình mà. Rồi tôi lại phải động viên ngược người thân, dẫu có thế đi chăng nữa ta cũng phải chiến đấu, đã 78 tuổi, cũng nhiều rồi. Lúc ấy, có đi cũng chẳng phải lo nghĩ gì nữa. Sống được ngày nào làm việc ngày ấy”.

Đó là dấu mốc ông bước vào cuộc chiến với căn bệnh ung thư gan.

Ông chia sẻ, cho dù là đang nằm viện, thậm chí đang truyền thuốc nhưng cứ đúng ngày khai giảng, Tết Trung thu, ông lại xin phép về với học sinh của mình. “Bệnh viện không cho, tôi bảo không cho mình trốn về. Ngày khai giảng, tôi muốn có mặt để căn dặn đôi điều với các em, ngày trung thu muốn có mặt để ăn bánh cùng các em”…

Ngày khai giảng, tôi muốn có mặt để căn dặn đôi điều với các em...
"Ngày khai giảng, tôi muốn có mặt để căn dặn đôi điều với các em"...

Cuộc gặp gỡ mùa xuân ấy, không ngờ là mùa xuân cuối cùng của tôi với ông, mùa xuân ông tròn 80 tuổi. 80 tuổi đời, bạo bệnh vận vào người nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, làm việc không ngơi nghỉ.

Tôi hỏi ông, Đã có lúc nào thầy nghĩ đến việc nghỉ ngơi chưa ạ?

Ông bảo, tôi còn sức khỏe là còn làm việc. Với tôi đó là đam mê và niềm vui. Với người thầy, đến đến tuổi hưu có nhiều cách cống hiến.

Thật thú vị, lời căn dặn: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lao động xuất sắc, những chính khách uyên bác… nhưng nhất thiết phải làm người tử tế. Làm bất cứ công việc gì, nếu không phải là người tử tế thì xã hội sẽ loạn” của ông đối với học sinh nhân ngày khai trường về làm người tử tế. Về sau cụm từ “người tử tế” trở nên nổi tiếng, thậm chí nó đã vào đề thi nghị luận môn Văn của trường cấp 3.

Ông chia sẻ, bản thân cũng thấy rất thú vị: “Sau khi căn dặn học trò những điều trên trong lễ khai giảng, trên vô tuyến xuất hiện chương trình có tên “Việc tử tế”, không biết người ta có lấy câu này của mình hay không? Nhưng chương trình đó, tôi rất thích. Những tấm gương người tử tế phải được nhân rộng trong xã hội này”.


Trong suốt quá trình làm việc vinh quang của mình, kể cả những năm tháng cuối đời khi sức khỏe yếu dần đi sự trăn trở về giáo dục nước nhà luôn thường trực trong ông.

Trong suốt quá trình làm việc vinh quang của mình, kể cả những năm tháng cuối đời khi sức khỏe yếu dần đi sự trăn trở về giáo dục nước nhà luôn thường trực trong ông.

Trong suốt quá trình làm việc vinh quang của mình, kể cả những năm tháng cuối đời khi sức khỏe yếu dần đi sự trăn trở về giáo dục nước nhà luôn thường trực trong ông, thậm chí câu hỏi lớn đó nhiều lần len vào tận những giấc ngủ trên giường bệnh. Ông buồn buồn: “Nền giáo dục của chúng ta đang gặp vấn đề lớn. Nền giáo dục chúng ta không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của xã hội. “Chúng ta đặt câu hỏi “Học để làm gì?”. Hiện chúng ta đang trả lời: “Học để đi thi”. Đó là câu trả lời chưa đúng! Học để làm việc chứ không phải học để đi thi. Hiện học cấp 1 để thi lên cấp 2, cấp 2 để thi cấp 3, cấp 3 thi vào đại học. Đại học lại thi lên nữa. Một nền giáo dục ứng thí”…

Những câu chuyện vui buồn về nghề giáo, ngành giáo là mạch nguồn bất tận đối với PGS Văn Như Cương. Rất tiếc vì lý do sức khỏe của ông mà cuộc nói chuyện của chúng tôi phải dừng lại.

PGS Văn Như Cương với thầy cô giáo và học trò Trường Lương Thế Vinh.
PGS Văn Như Cương với thầy cô giáo và học trò Trường Lương Thế Vinh.

Sáng nay, nhà báo Hồ Bất Khuất sau khi biết tin người bạn lớn của mình ra đi đã chia sẻ trên Facebook câu chuyện vài năm trước, “khi biết thầy mắc trọng bệnh, tôi an ủi: Những việc lớn cần làm trong đời, anh đã hoàn thành xuất sắc rồi! Bây giờ anh cứ vui vẻ sống”.

Nhưng đối với một người như PGS Văn Như Cương có lẽ sẽ còn rất nhiều dự định, nhiều kế hoạch. Sáng nay, mọi kế hoạch đã phải gác lại. Ông đã ra đi. Xin thành kính vĩnh biệt ông, một người cả đời tử tế.

Hà Thành

(Ảnh: Gia đình cung cấp)