Đồng Tháp:

Cựu giáo chức lập “ngân hàng” cho vay không lãi dành cho GV về hưu

(Dân trí) - “Ngân hàng” Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) vẻn vẹn khoảng 200 triệu đồng. Do nguồn vốn nhỏ, Hội chỉ cho giáo viên về hưu khó khăn vay và mỗi lần giải ngân từ 5 - 10 triệu đồng/trường hợp nhưng bù lại trong suốt thời gian vay, “ngân hàng” không tính lãi.

Một ngày cuối tuần tháng 12/2015, PV Dân trí có dịp gặp lại một cựu giáo chức hết lòng với các hoạt động xã hội, từ thiện trên mảnh đất Sa Đéc đó là thầy giáo Nguyễn Văn Mốt. Gặp lại thầy Mốt hôm nay với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc, sở dĩ chúng tôi phải nói rõ như vậy, bởi vì hiện nay dù ở tuổi thất thập nhưng thầy Mốt giữ nhiều chức vụ, như: Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP Sa Đéc; Phó Trưởng ban, ủy viên thường trực Tổ từ thiện Bệnh viện đa khoa TP Sa Đéc; ủy viên thường trực Hội Khuyến học TP. Sa Đéc…

Từ sự hỗ trợ của nhiều người, Chủ tịch Hội cựu giáo chức TP Sa Đéc Nguyễn Văn Mốt quyết định thành lập quỹ hỗ trợ giáo viên làm kinh tế mà không lấy lãi trong suốt hơn 18 năm qua.
Từ sự hỗ trợ của nhiều người, Chủ tịch Hội cựu giáo chức TP Sa Đéc Nguyễn Văn Mốt quyết định thành lập quỹ hỗ trợ giáo viên làm kinh tế mà không lấy lãi trong suốt hơn 18 năm qua.

Thầy Mốt cho biết về cơ duyên Hội thành lập “quỹ hỗ trợ giáo viên làm kinh tế” mà nhiều người nói vui là "ngân hàng từ thiện": “Khoảng năm 2007, tôi và mấy anh em trong BCH Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc thấy có nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn; họ có sức khỏe nhưng không có vốn để làm kinh tế… Từ những trăn trở này, tôi nói với một số người quen và họ đồng ý tài trợ cho tôi một số vốn khá khá để lập một ngân hàng kiểu nhỏ, có nghĩa là cho vay, có lãi. Nhưng tôi không đồng ý, tôi nói: “Tôi cũng lập ngân hàng nhưng ngân hàng này không tính lãi”. Và từ hỗ trợ của nhiều người, “quỹ hỗ trợ giáo viên làm kinh tế” của Hội đã ra đời với nguồn vốn ban đầu chỉ trên 100 triệu đồng”.

Về điều kiện được vay, thầy Mốt cho biết, điều kiện tiên quyết phải là giáo viên về hưu; kinh tế khó khăn; cần vốn để làm ăn, phát triển kinh tế… Do nguồn vốn hạn hẹp nên mỗi trường hợp chỉ được Hội giải ngân từ 5 -10 triệu đồng trong thời gian 1 năm. Hết thời hạn này, người vay trả vốn và nếu có nhu cầu vay tiếp Hội sẽ giải ngân lần 2, lần 3… Tất cả các lần vay, Hội đều không tính một đồng lãi nào, trái lại còn thường xuyên cử người đến hỗ trợ trong việc tính toán làm ăn. Theo thầy Mốt, đa phần các cựu giáo chức cần vốn là những trường hợp lãnh lương hưu một lần, lại có hoàn cảnh đơn chiếc, bệnh tật... nên rất khó khăn.

Sau khi cho cô Nguyễn Kim Phượng hay các cựu giáo chức khác vay vốn làm kinh tế, ông Mốt cũng như các thành viên khác trong hội thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các hội viên vay vốn tích cực làm ăn.
Sau khi cho cô Nguyễn Kim Phượng hay các cựu giáo chức khác vay vốn làm kinh tế, ông Mốt cũng như các thành viên khác trong hội thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các hội viên vay vốn tích cực làm ăn.

Giải thích về lí do vòng vay ngắn, thầy Mốt cho biết: “Trong Hội có nhiều hội viên khó khăn, họ cũng cần vốn xoay sở do vậy Hội ấn định thời gian mượn tối đa là 1 năm để san sẻ cơ hội thoát nghèo cho các trường hợp khác. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp, họ chỉ cần vốn trong vòng 3 - 6 tháng, nhất là các cựu giáo viên về hưu có nghề trồng hoa tết, họ mượn để lo tiền phân, thuốc trong khoảng thời gian 3 hoặc 6 tháng cuối năm khi bán hoa xong là họ trả lại vốn cho Hội”.

Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình cô giáo - Nguyễn Kim Phượng (cựu giáo viên Trường tiểu học Hòa Khánh, TP Sa Đéc) một trong nhiều cựu giáo chức nhờ đồng vốn ít ỏi của Hội, gia đình cô Phượng sớm ổn định cuộc sống. Cô Phượng kể: “Năm 2006, vợ chồng cô về Long Hải (Vũng Tàu) cất nhà sinh sống. Căn nhà mới chưa được bao lâu thì cơn bão số 5 đi qua, cuống phăng căn nhà, vợ chồng tôi về lại Sa Đéc trong cảnh nợ nần chồng chất. Trong lúc quẫn trí, lo nghĩ nhiều thứ, ông nhà sinh bệnh rồi mất. Trong lúc khó khăn đó, Hội đã đến động viên, an ủi và cho tôi vay vốn, nhờ đó tôi có tiền mua các thiết bị làm nhan. Một lần vay, hai lần rồi ba lần vay… công việc làm nhan của tôi ổn định, khách hàng nhiều hơn và cuộc sống hiện nay của tôi đã ổn định”.

Nhờ có đồng vốn và sự hỗ trợ tận tâm của Hội cựu giáo chức Tp Sa Đéc mà cô Kim Phượng có đủ sức gượng dậy sau khi gia đình gặp nhiều biến cố. Hiện nay, cuộc sống cô Phượng đã ổn định nhờ nghề làm nhang quế.
Nhờ có đồng vốn và sự hỗ trợ tận tâm của Hội cựu giáo chức Tp Sa Đéc mà cô Kim Phượng có đủ sức gượng dậy sau khi gia đình gặp nhiều biến cố. Hiện nay, cuộc sống cô Phượng đã ổn định nhờ nghề làm nhang quế.

Được biết, thời gian trước đây công việc làm nhang của cô Phượng vô cùng thuận lợi, mỗi ngày cho ra 5 -10 thiên nhang (nhang quế), kiếm lời từ 200.000 – 300.000 đồng. Nhưng về sau này, sức khỏe cô Phượng không còn tốt như trước nên hiện nay cô Phượng chỉ làm từ 4 - 5 thiên nhang quế, kiếm lời 80.000 – 120.000 đồng/ngày. Cô Phượng cũng bày tỏ, nếu Hội cựu giáo chức lập cơ sở sản xuất nhang quế, cô sẽ tự nguyện đứng ra truyền lại kinh nghiệm làm nhang cho các giáo viên khác.

Theo thầy Mốt cho biết, tổng số hội viên hiện nay trên 532 hội viên. Mỗi tháng, mỗi hội viên chỉ đóng 2.000 đồng và khi trong Hội có người qua đời, mỗi hội viên đóng thêm 5.000 đồng để góp chút đèn, hoa… trong tình cảm của anh em trong Hội. Riêng những trường hợp giáo viên khó khăn khi qua đời, Hội hỗ trợ 2 triệu đồng và nếu khó khăn về nơi chôn cất, Hội sẽ hỗ trợ luôn phần hỏa táng.

Thấy “quỹ hỗ trợ giáo viên làm kinh tế” của Hội Cựu giáo chức TP Sa Đéc tuy nhỏ nhưng có hiệu quả thiết thực nên nhiều người góp vốn cho quỹ, nhờ đó số quỹ tăng lên 200 triệu đồng. Tính từ ngày quỹ ra đời đến nay, Hội đã giải ngân trên 200 lượt mà chưa hề bị nợ xấu một trường hợp nào. Sắp tới, Hội cựu giáo chức TP Sa Đéc sẽ nghiên cứu mô hình làm nhang quế của cô Phượng, nếu xét thấy về nhân lực, tài chính…, Hội sẽ thành lập tổ sản xuất nhang để tạo việc làm cho các giáo viên khó khăn và những lao động ở địa phương.

Nguyễn Hành - Nguyễn Trần