Đà Nẵng đề nghị trả hơn 300 nghìn đồng/tiết học cho giáo sư dạy học sinh giỏi

(Dân trí) - Theo đề nghị của Sở GD-ĐT Đà Nẵng về chính sách cho giáo viên và học sinh tham gia các lớp bồi dưỡng để dự thi học sinh giỏi từ cấp quốc gia trở lên, mức chi trả cho giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sẽ ở mức hơn 300 nghìn đồng/tiết học.

Ngày 23/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, tại cuộc họp thường kỳ UBND TP Đà Nẵng hôm 22/3, Sở đã có tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố để thông qua chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn; hỗ trợ mức khen thưởng và giải thưởng cho học sinh và giáo viên các trường phổ thông đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực quốc tế và quốc tế.

Cụ thể, theo tờ trình của Sở GD-ĐT, đối với giáo viên và học sinh tham gia các lớp bồi dưỡng để dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, mức hỗ trợ chi trả cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sẽ bằng 25% mức lương cơ sở, tương đương hơn 300 nghìn đồng/tiết. Chi trả cho thạc sĩ, giảng viên bằng 20% mức lương cơ sở/tiết; chi trả cho cử nhân bằng 15% mức lương cơ sở/tiết. Mức lương cơ sở hiện hành là 1.210.000 đồng/tháng; và dự tăng lên 1.300.000 đồng/ tháng từ ngày 1/7 tới.


Theo đề nghị về chính sách dành cho giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, mức chi trả cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sẽ hơn 300 nghìn đồng/tiết học (ảnh minh họa)

Theo đề nghị về chính sách dành cho giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, mức chi trả cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ sẽ hơn 300 nghìn đồng/tiết học (ảnh minh họa)

Đối với học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp khu vực quốc tế, quốc tế và các kỳ thi khác tương đương, trước đây mức thưởng cho học sinh đạt giải nhất là 50 triệu đồng, nay đề nghị bằng 50 lần mức lương cơ sở; giải nhì bằng 25 lần và giải ba là 20 lần mức lương cơ sở.

Đối với giáo viên có học sinh đạt giải, mức thưởng tăng lên tương đương các giải nhất, nhì, ba là 20 lần, 15 lần và 10 lần mức lương cơ sở.

Riêng đối với trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng chế độ chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên, học sinh của trường quá ưu ái so với các trường khác. Cụ thể, theo bà Cao Thị Huyền Trân - Phó ban Văn hoá xã hội HĐND TP Đà Nẵng, chính sách ưu đãi cho giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của thành phố ban hành từ 2005 cộng với quy định của Bộ GD-ĐT từ 2007 quy định giáo viên trường chuyên được hưởng thêm 70% mức lương hiện hưởng, thì giáo viên trường này hiện hưởng thêm tới 270% lương. Trong khi đó, ở các trường khác cũng có đội ngũ giáo viên giỏi và dạy các học sinh giỏi nhưng lại không được hưởng chính sách này.

Bà Trân đề nghị nên chỉ cho giáo viên trường chuyên Lê Quý Đôn được hưởng mức lương thêm theo quy định của trung ương là 70%. Còn chính sách hỗ trợ thêm mà lâu này TP ưu ái cho trường này thì nên nhân rộng hỗ trợ trực tiếp cho những giáo viên có thành tích, học sinh đạt giải trong các kỳ thi.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tich UBND TP. Đà Nẵng, việc thành phố đầu tư mỗi năm hàng chục tỷ đồng cho trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đổi lại nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của thành phố, của đất nước cần phải ghi nhận. Theo đó, lãnh đạo chính quyền thành phố nêu ý kiến vẫn giữ nguyên các chính sách ưu đãi đối với trường này, tăng các khoản thưởng như đề xuất của Sở GD-ĐT, song song với tăng đầu tư về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất đối với các trường khác.

Tâm An