Đà Nẵng ưu tiên ngân sách xây bể bơi ở trường học vùng khó khăn

(Dân trí) - UBND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng bể bơi di động ở các trường học ở vùng khó khăn trên địa bàn thành phố.

Thông tin vừa được ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay tại lễ phát động phòng trào dạy - học bơi hè 2016 vừa diễn ra trong ngày 2/6.

Lễ phát động phong trào dạy-học bơi Hè 2016 tại Đà Nẵng vừa diễn ra hôm nay 2/6
Lễ phát động phong trào dạy-học bơi Hè 2016 tại Đà Nẵng vừa diễn ra hôm nay 2/6

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động trọng tâm của Tháng hành động vì trẻ em (1/6 - 30/6) tại Đà Nẵng với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”

Theo đó, Đà Nẵng đã thống nhất ưu tiên đầu tư ngân sách để xây dựng bể bơi di động ở các trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Hòa Vang, các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu), Hòa Phát và Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ).

Học trò vùng sâu, vùng xa ngoài trung tâm thành phố được Đà Nẵng ưu tiên ngân sách xây bể bơi di động cho các em
Học trò vùng sâu, vùng xa ngoài trung tâm thành phố được Đà Nẵng ưu tiên ngân sách xây bể bơi di động cho các em

Trên toàn thành phố, Đà Nẵng phát động phong trào dạy - học bơi mạnh mẽ trong học sinh toàn thành phố, tập trung ở các em học sinh bậc tiểu học, ngay từ kỳ nghỉ hè 2016 này. Lãnh đạo chính quyền thành phố chỉ đạo ngành Giáo dục tích cực tổ chức triển khai dạy - học bơi cho học sinh tại các bể bơi trên toàn địa bàn; trong đó, lưu ý quan tâm học sinh con em gia đình chính sách, hộ nghèo... để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em tham gia học bơi. Các điểm dạy - học bơi thông báo lịch học cụ thể để phụ huynh học sinh đưa con em đến học. Nếu số bể bơi hiện có ở các trường không đủ đáp ứng số lượng học sinh đăng ký học bơi, thì ngành GD ký kết với các đơn vị ngoài ngành có bể bơi để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu học bơi của học sinh.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, ngoài 14 bể bơi cố định hiện có ở 14 trường tiểu học trên địa bàn, ngành đã ký kết hợp đồng với 8 bể bơi của các đơn vị ngoài ngành để học sinh được đến học bơi. Đồng thời, ngành GD kêu gọi liên kết đầu tư xây dựng khoảng 14 bể bơi di động, cùng với 10 bể bơi di động được đầu tư từ nguồn ngân sách của thành phố như nói trên cho học trò ở các trường học vùng khó khăn ngoài trung tâm thành phố.

Khánh Hiền