Đại học Ấn Độ thiếu trầm trọng giảng viên

(Dân trí) - Giáo dục đại học dường như chưa bắt kịp xu hướng chung. Do các trường đại học công của Ấn Độ thường có mức học phí thấp và chủ yếu dựa vào ngân sách của chính phủ, nên mức lương của các giáo sư, giảng viên chỉ tăng với tốc độ con rùa...

Sinh viên Ấn Độ đang vật lộn với tình trạng lớp học quá đông trong khi ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng như các học giả đổ xô đầu quân cho các công ty tư nhân đang phát triển mạnh mẽ.

 

Tất cả các trường đại học của Ấn Độ đang phải chịu đựng tình trạng thiếu giảng viên đủ năng lực, thậm chí một số trường có chưa đến 35% đội ngũ giảng viên cần thiết. Từ các Học viện Công nghệ hàng đầu đến các trường kỹ thuật địa phương, tình trạng thiếu giáo sư, giảng viên đã dẫn đến thực trạng lớp học quá đông, sự bất mãn của sinh viên và mối lo ngại sâu sắc về cách thức chính phủ Ấn Độ phát triển hệ thống giáo dục đại học.

 

Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên là thành công kinh tế của Ấn Độ. Việc chính phủ Ấn Độ xoá bỏ chính sách bảo hộ đã tạo thêm hàng triệu cơ hội việc làm. Sức mạnh của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng được khẳng định, nhưng sự phát triển nhanh như vũ bão của lĩnh vực truyền thông, giải trí, thời trang, quảng cáo, du lịch và ngân hàng đầu tư cũng đang thu hút rất đông các sinh viên tốt nghiệp đại học - những người đã từng cân nhắc việc trở thành giảng viên trong các trường đại học.

 

Giáo dục đại học dường như chưa bắt kịp xu hướng chung. Do các trường đại học công của Ấn Độ thường có mức học phí thấp và chủ yếu dựa vào ngân sách của chính phủ, nên mức lương của các giáo sư, giảng viên chỉ tăng với tốc độ con rùa.

 

Ashok Misra, giám đốc Học viện Công nghệ ở Bombay, cho biết, theo quy định, mức lương của một giáo sư giỏi tại các Học viện hàng đầu không được phép vượt quá 15.000USD/năm. Trong khi đó, một kỹ sư tốt nghiệp có thể kiếm được mức lương cao hơn ít nhất 2 lần trong vài năm khi làm việc cho một công ty tư nhân.

 

Tình trạng thiếu giảng viên đã làm tăng số giờ giảng và áp lực đối với các giáo sư, gây rất nhiều khó khăn cho họ trong việc duy trì công tác nghiên cứu. Và chính việc này khiến nghề nghiệp trong lĩnh vực hàn lâm ngày càng kém hấp dẫn.

 

Kết quả là nhiều trường đại học đang phải đối mặt với tình trạng các giáo sư được đào tạo sơ sài. Báo cáo gần đây của chính phủ Ấn Độc cho thấy 57% giảng viên tại các trường đại học và cao đẳng của nước này thiếu bằng M.Phil (Master of Philosophy) - bằng cấp cần thiết để tiếp tục học nghiên cứu sinh và có được học vị tiến sĩ ở Ấn Độ, hoặc thiếu bằng Ph.D.

 

Tình trạng thiếu giảng viên trở nên xấu đến mức tháng 6/2007 Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã phải lên tiếng phê phán hệ thống giáo dục đại học là “bất thường”.

 

Tuy nhiên, ông Singh đang có kế hoạch mở thêm 5 Học viện Giáo dục và Nghiên cứu Khoa học, 8 Học viện Công nghệ, 7 Học viện Quản lý và 20 Học viện Công nghệ Thông tin - gần gấp đôi số học viện hàng đầu ở Ấn Độ. Thủ tướng cũng muốn thành lập thêm 16 trường đại học và hơn 350 trường cao đẳng, bất chấp việc chính phủ thiếu kế hoạch tổng thể để giảm bớt tình trạng thiếu giảng viên.

 

Chính phủ Ấn Độ từ lâu đã bày tỏ sự lo ngại khi chưa đến 10% thanh niên nước này đi học đại học và các giảng viên cho hay các học viện mới sẽ không thể hoạt động đúng chức năng khi tình trạng thiếu giảng viên xảy ra ở tất cả 350 trường đại học của Ấn Độ.

B.B. Bhattacharya, Phó hiệu trưởng trường Đại học Jawaharlal Nehru, ở New Delhi, cho biết “Khi tôi nhìn vào tương lai tôi nhìn thấy nhiều vẫn đề đang ngày càng xấu hơn. Những sinh viên tài năng thậm chí không phải đi học đại học để lấy bằng Ph.D ở những môn học như kinh tế, luật, công nghệ thông tin và vật lý và thay vào đó là để đi làm việc cho các công ty.”

 

“Thảm họa đang hình thành”

 

Báo cáo của Ủy ban Quốc hội năm 2006 đã đưa ra một số nét cơ bản về mức độ của cuộc khủng hoảng thiếu giảng viên đại học và cao đẳng. Ở 16 trường đại học cấp liên bang - vốn được coi là những trường tốt nhất Ấn Độ - tính đến tháng 3/2005 thiếu đến 1,988 giảng viên. Ủy ban cho rằng tình trạng này tại các trường đại học của các bang thậm chí có thể xấu hơn và “cần có biện pháp quyết liệt để sinh viên không bị thiếu hướng dẫn đầy đủ từ giáo sư”.

Tình hình dường như thay đổi rất ít từ thời điểm trên. Ví dụ, Học viện Công nghệ ở New Delhi vẫn thiếu 29% vị trí giảng viên. Tại lễ tốt nghiệp gần đây, V.S. Ramamurthy, Chủ tịch Học viện, đã gọi tình trạng này là “thảm hoạ đang hình thành” và cần được giải quyết ngay lập tức.

 

Các học viện thuộc nhóm thấp hơn như các trường cao đẳng kỹ thuật địa phương cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giảng viên khiến nhiều khoá học rơi vào tình trạng dở dang.

 

Tháng 6/2007, một số sinh viên năm thứ 3 ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Jalpaiguri, ở bang Tây Bengal, đã tuyệt thực biểu tình và tuyên bố họ không được chuẩn bị cho các kỳ thi vì trường đã không có các lớp học suốt 6 tháng qua. Theo quy định, những sinh viên này phải nhận được sự hướng dẫn của 20 giáo sư, nhưng thực tế chỉ có 1 giáo sư hướng dẫn họ. Các nhà quản lý trường cũng đã có gắng tuyển thêm giảng viên từ các học viện khác nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng nhiều học viện cũng không có đủ giáo sư, giảng viên để đáp ứng nhu cầu.

 

Để giải quyết tình trạng thiếu giảng viên, một số trường đại học đang sử dụng sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các phòng thí nghiệm và các khoá học phụ đạo. Mặc dù việc này rất phổ biến ở Mỹ, nhưng không được tán thành ở Ấn Độ. Một giảng viên đề nghị không nêu tên cho biết, năm nay một trong số các Học viện Công nghệ của Ấn Độ bắt đầu sử dụng sinh viên tốt nghiệp để hướng dẫn phụ đạo, nhưng nỗ lực chính thức hoá quy phạm này bị nhiều giáo sư bác bỏ vì theo họ, chỉ những sinh viên đang cố gắng học lên Ph.D mới được phép làm việc này.

 

Các giáo sư và nhà quản lý cho biết, cần nhiều thời gian để giải quyết tình trạng thiếu giảng viên, nhất là dùng biện pháp định mức lương phù hợp cho các giáo sư vì hệ thống giáo dục đại học vốn khét tiếng quan liêu của Ấn Độ đang bị bó buộc bởi nhiều quy định theo đó các giáo sư bất kể trình độ cao đến đâu đều bị đối xử như những công chức thông thường.

 

C.N.R. Rao, cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Ấn Độ, cho biết, “Thậm chí nếu bạn giành được 5 giải Nobel, bạn cũng không thể có mức lương cao hơn một thư ký ...  [một vị trí văn phòng] - khoảng 45.000 rupi/tháng (1.120 USD). Và một công chức thường có nhiều hơn đặc quyền và quyền lực so với một giáo sư.

 

Do không được công nhận thành tựu đã đạt được, tất cả các phó giáo sư, bất kể số lượng công trình đã được công bố, đều có mức lương bằng nhau.

T.A. Abinandanan, người từng là giáo sư tại Học viện Khoa học Ấn Độ tại Bangalore trong 14 năm, cho biết, “Nên có một số cách tính và xác định năng lực của một người và phải sử dụng một phương pháp hoàn toàn mới để xây dựng cơ chế này”.

 

Các nhà quản lý cho rằng cần cải tiến tình hình tài chính và việc quản lý nghiên cứu vì chúng đang bị cản trở bởi sự quan liêu vốn đang tạo gánh nặng lên hệ thống giáo dục đại học.

 

“Các trường đại học của Ấn Độ không hề có cái gọi là “ngân sách nghiên cứu” và thực trạng này cần được thay đổi vì lợi ích của quốc gia”, C.N.R. Rao, cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Ấn Độ, cho biết.

 

Ủy ban Tri thức Quốc gia Ấn Độ, cơ quan tư vấn, đã đề xuất nhiều chương trình cải cách, một số có thể giúp cải thiện tình hình về đội ngũ giảng viên đại học. Ví dụ, Ủy ban đề xuất khuyến khích sự tham gia của các công ty vào lĩnh vực giáo dục đại học và tăng học phí. Nếu các trường đại học có thêm nguồn thu, lương của giảng viên sẽ tăng lên.

 

Thủ tướng Singh cũng bày tỏ sự ủng hộ việc cho phép các công ty tham gia vào giáo dục đại học cũng như tăng học phí, nhưng vẫn cần xem liệu chính phủ có thể làm đến cùng các biện pháp bất thường về mặt chính trị này hay không.

 

Báo cáo của ủy ban quốc hội đề xuất việc áp dụng cơ chế thưởng để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên bằng việc cung cấp cho họ “một loạt các điều kiện tiên quyết hấp dẫn và sự hỗ trợ cho các hoạt động học thuật” cùng với việc công nhận các thành tựu đáng chú ý. Nhưng những hành động này sẽ phải do chính phủ thực hiện vì các trường đại học không được phép đưa ra những khích lệ này.

 

Quá ít hành động

 

Đến nay động thái duy nhất mà chính phủ đã thực hiện để phần nào giảm bớt tình trạng thiếu giảng viên đại học là tăng độ tuổi về hưu đối với đội ngũ này và cho phép một số học viện hàng đầu tuyển dụng giáo sư nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu xét đến việc ngày càng nhiều người Ấn Độ quan tâm đến các nghề mang tính học thuật đang có xu hướng tìm việc làm với mức lương tốt hơn ở nước ngoài, thì chưa rõ kế hoạch tuyển dụng giáo sư nước ngoài có phát huy tác dụng hay không.

 

Misra từ Học viện Công nghệ Ấn Độ tại Bombay cho biết, một số người Ấn Độ định cư ở nước ngoài đã bày tỏ mối quan tâm nhưng ông cũng không chắc chắn có bao nhiều người thực sự muốn về nước giảng dạy với mức lương như hiện nay.

 

Ủy ban Công nhận Đại học, cơ quan quản lý giáo dục đại học của Ấn Độ, gần đây đã đề xuất tăng cường hơn nữa việc công nhận tư cách thành viên cho các sinh viên đang học nghiên cứu sinh nhằm giải quyết tình trạng thiếu giảng viên đại học.

 

Viện Công nghệ Ấn Độ đã cho phép các giáo sư giữ lại tỷ lệ phần trăm cao hơn từ mức phí họ thu được khi làm cố vấn cho các công ty. Hơn nữa, nhiều công ty và các cựu sinh viên cũng tham gia vào việc tạo ra nhiều chức vị đặc biệt tại các học viện nhằm thúc đẩy nghiên cứu và làm cho việc ở lại trường giảng dạy trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với sinh viên tốt nghiệp.

 

Tuy nhiên, việc có thêm nguồn thu cũng gây ra không ít phiền toái cho các trường đại học khi họ sẽ phải đối mặt với tình trạng cắt giảm ngân sách nếu họ thành công trong việc tăng nguồn quỹ.

 

“Nếu tôi quyên được tiền từ ngành công nghiệp và cựu sinh viên, giả sử khoảng 100.000 rupi, thì chính phủ sẽ cắt đi một vài khoản hỗ trợ cho trường của tôi”, Deepak Pental, phó hiệu trưởng trường Đại học Delhi, cho biết.

Rõ ràng, nạn quan liêu đang cản trở bước tiến của các trường đại học Ấn Độ.

 

Nguyễn Anh

Theo The Chronicle of Higher Education