Đại học chất lượng thấp và “lò mổ tú tài”: Đốt đuốc tìm cơ sở đào tạo tốt (Bài 3)

(Dân trí) - Như đã chỉ ra trong hai phần viết trước, tỷ lệ cử nhân (đại học và cao đẳng) trong lực lượng lao động của Việt Nam không hề cao. Vì thế việc tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao trong nhóm này không phải do lý do “thừa thày thiếu thợ” như nhiều người lầm tưởng. Nó đến từ một lý do khác!...

…đó là chất lượng quá tệ của hệ thống đại học, cao đẳng của Việt Nam, tình trạng loạn thông tin, và văn hóa chuộng bằng cấp khiến các tân tú tài của chúng ta dù biết chất lượng và thực trạng của hệ thống này hay không thì vẫn lao vào như con thiêu thân để mong có được mảnh bằng (dù sau đó là đi kèm với bi kịch thất nghiệp).

 

Pha loãng chất lượng

 

Đáng tiếc là hiện tượng tệ hại này chắc chắn sẽ không khá hơn, thậm chí ngày càng tệ hại đi trong những năm tới. Các xu hướng của những năm vừa qua cho thấy điều đó. Nặng nhất có lẽ là xu hướng “pha loãng chất lượng” của hệ thống đại học/ cao đẳng (vốn đã tệ) thông qua việc liên tục tăng số trường và hạ tiêu chuẩn tuyển sinh.

 

Theo số liệu của Tổng cục thống kê từ năm 2002 đến năm 2012, số trường cao đẳng đại học tăng từ 202 trường lên tới 424 trường (tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm). Bên cạnh đó, các trường đang hoạt động cũng mở rộng quy mô đào tạo một cách tùy tiện để tranh thủ “múc cháo” càng nhiều càng tốt. Với công nghệ quản trị đại học của Việt Nam được coi là lạc hậu, nhiều trường vẫn tăng cường vét sinh viên và tăng sĩ số lên tới cả trăm ngàn em như Đại học Đà Nẵng (gần 100.000 em) hoặc Đại học Công nghiệp Tp.HCM (xấp xỉ 130.000 em).

 

Trong khi đó, dân số Việt Nam đã qua thời cực thịnh của dân số trẻ và đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Số học sinh THPT từ năm 2007 đến 2012 đã giảm 12,9% từ 3,1 triệu xuống còn 2,7 triệu học sinh. Xu thế này sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn do số học sinh THCS đã giảm 25,8% từ năm 2005 đến 2012.

 

Cung (kém chất lượng) tăng vọt và cầu thì đang giảm dần, vì thế các yêu cầu về đầu vào tất yếu ngày càng kém để cung có thể tìm đủ khách hàng. Nhưng chưa hết, để giữ sinh viên, các trường phải “chiều” sinh viên hơn, vì thế việc quản trị chất lượng giảng dạy và học tập tại trường buộc phải buông lỏng để sinh viên có thể dễ dàng lên lớp. Đó là các bản chất nguy hiểm của xu thế “pha loãng chất lượng”.

 

Không dễ để các trường cưỡng lại được xu thế này, và nếu cưỡng lại, thì khó tránh được là công tác tuyển sinh sẽ khó khăn và tuyển được rồi thì tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng cũng sẽ cao. Trường đại học Broward College (Hoa Kỳ) phân hiệu tại Việt Nam là một thí dụ. Áp đặt quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt theo đúng chuẩn của tổ chức khiểm định SASC (hiệp hội các trường đại học và phổ thông miền Nam Hoa Kỳ) khiến việc xét tuyển đầu vào của trường chặt chẽ hơn nhiều so với các chương trình đại học quốc tế khác có mặt ở Việt Nam. Học sinh bắt buộc phải đủ chuẩn tiếng Anh và chuyên môn mới được vào học (thi qua kỳ thi PERT, tương tự kỳ thi SAT). Vì thế tỷ lệ nghỉ học giữa trừng trong giai đoạn học dự bị tiếng Anh tại Broward College có lúc lên tới hơn 50%. Con số này chỉ giảm khi gần đây uy tín của trường Broward College được quảng bá rộng rãi hơn và chất lượng đầu vào của các sinh viên nộp hồ sơ tăng lên đáng kể.

 

Đốt đuốc đi tìm cơ sở đào tạo tốt

 

Để giải được bài toán này thì cần rất nhiều thay đổi mang tính cách mạng, đặc biệt là về phía nhà nước. Thí dụ như việc siết tiêu chuẩn kiểm định (kiểm tra tư cách kiểm định định kỳ nhiều lần trong năm) hay việc hình thành các danh sách xếp hạng trường chi tiết, khách quan, và cập nhật. Tuy nhiên, những thay đổi này nằm trong tay nhà nước và khó có thể hiện thực quá trong tương lai gần. Vì thế, các tân tú tài và phụ huynh của họ phải tự đốt đuốc đi tìm các cơ sở đào tạo tốt, nếu không muốn biến mình thành các nạn nhân.

 

Để làm được điều đó, trước hết phải xác định được hai quan điểm mang tính bản lề khi chọn trường. Thứ nhất, học là để đi làm, vì vậy, quan trọng khi đi học là tìm được nơi dạy những gì thực chất, dễ xin việc, chứ không quan trọng là bằng cấp thuộc loại gì. Thứ hai, muốn học trường tốt thì phải đắt, trừ một số trường công thuộc nhóm top dẫn đầu (như y, dược, bách khoa, luật, ngoại thương) vì giáo dục cũng là một sản phẩm dịch vụ.

Với vấn đề thứ nhất, hiện tượng “liên thông ngược” diễn ra khi hàng loạt các cử nhân, thạc sĩ đổ xô đi học trung cấp tại Saigon Tourist hay thí sinh chen nhau thi học bổng và đăng ký tại Cao đẳng Nghề Việt Mỹ cho thấy ít nhiều thay đổi trong cách tư duy của thanh niên. Đáng tiếc nhiều khi sự thay đổi này chỉ xảy đến khi đã có trả giá. Hiệu trưởng trường trung cấp Saigon Tourist, ông Trần Văn Hùng chia sẻ thẳng “phần lớn các em có bằng cấp học ở trường đều do không thể xin được việc, chỉ khi đó các em mới nhận ra rằng giá trị cốt lõi của mỗi con người để đi làm được là có nghề gì chứ không phải là có bằng cấp gì”. Nếu những thay đổi này được bắt đầu sớm hơn, ngay khi rời ghế THPT, thì các em có thể tiết kiệm cho mình nhiều năm học tại các “lò mổ” kèm theo chi phí khủng khiếp về thời gian, tiền bạc, và cơ hội.

 

Nhưng làm sao biết được trường nào đào tạo thực chất, hướng đến các cơ hội nghề nghiệp thực tế? Đây là một câu hỏi khó. Để trả lời, cần phải nhìn từ góc độ nhà cung cấp giáo dục. Muốn có một sản phẩm tốt, thì cần phải chi phí cao, bất kể chi phí này được nhà nước bao cấp (như các trường công) hoặc được bù đắp bởi học phí cao (như các trường tư). Đây là điều kiện cần (chứ không đủ). Không đầu tư thì sẽ không có cơ sở vật chất tốt, phương tiện tốt, giáo viên tốt, chương trình tốt, và cơ hội kết nối doanh nghiệp để có việc làm tốt. Đây là quy tắc bất biến và là vấn đề thứ 2 mà chúng tôi muốn đề cập.

 

Nếu có điều kiện tài chính đủ mạnh, phụ huynh nên gửi con đi du học. Hãy chọn những trường có kiểm định bởi các tổ chức kiểm định uy tín nhất để tránh ra đến nước ngoài mà vẫn ăn phải bằng giả, vẫn nạp mạng vào các “lò mổ” ngoại quốc. Việc du học cũng không nhất thiết phải quá tốn kém. Thí dụ có thể kết hợp mô hình học cao đẳng cộng đồng trước rồi chuyển tiếp đại học sau (có tới 60% du học sinh Việt Nam qua Mỹ tận dụng cách này). Giải pháp thậm chí còn cách mạng hơn là học theo mô hình 2+2, tức là học 2 năm ở một cơ sở đào tạo tại Việt Nam (thí dụ phân hiệu quốc tế của Đại học Broward College tại Tp.HCM, hay Đại học Quốc tế thuộc ĐH Quốc Gia TP.HCM), sau đó chuyển tiếp 2 năm còn ở nước ngoài để lấy bằng đại học.
 

Nếu điều kiện tài chính eo hẹp hơn, phụ huynh có thể lựa chọn cho con mình học tại các trường đại học và cao đẳng quốc tế tại Việt Nam… Để tránh thành nạn nhân, thông tin quan trọng nhất mà phụ huynh và các tân tú tài phải tìm hiểu là tư cách về kiểm định và uy tín của tổ chức kiểm định của các cơ sở này. Thí dụ, nếu một trường có xuất xứ từ Mỹ, thì chỉ nên vào học khi đó là trường có kiểm định vùng.

 

Nếu không có đủ điều kiện tài chính để vào các chương trình quốc tế, khi đó buộc phải tìm hiểu các trường đại học/cao đẳng thuần Việt Nam. Rất khó để tự các phụ huynh và học sinh phân loại và xếp hạng các trường này. Thế nhưng một số gợi ý có thể giúp quá trình chọn lọc này dễ dàng hơn. Thứ nhất, nếu là trường tư mà học phí quá thấp sẽ là vấn đề lớn cần tránh xa. Thứ hai, có thể hỏi nhà trường về tỷ lệ học sinh trên đầu giáo viên để xem mức độ “nhồi nhét giảng đường” tại các cơ sở này ít hay nhiều. Thứ ba, độ tuổi trung bình của giáo viên và lãnh đạo trường cao hay thấp (nếu quá cao hoặc quá thấp thì đều không ổn). Thứ tư, chất lượng của giáo viên, phản ánh qua tỷ lệ giáo viên có bằng cấp cao (tốt nhất là bằng cấp quốc tế). Thứ năm, địa điểm của trường, tránh xa các trường nằm ở các vùng hẻo lánh vì sẽ không học được gì ngoài các kiến thức trên ghế nhà trường. Thứ sáu, số liệu về việc làm sau khi ra trường (phần lớn các trường sẽ nói tốt về mình vì thế nên tìm hiểu nhiều hơn qua những người đã từng học tại trường nếu được).

 

 

TS. Trần Vinh Dự - TS. Đàm Quang Minh (*)

 

(*) TS. Trần Vinh Dự là Tổng Giám đốc TNK Capital. TS. Đàm Quang Minh là Giám đốc Điều hành của Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) – Đơn vị sở hữu Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (American Polytechnic College - APC), Phân hiệu Quốc tế của Đại học Broward College (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, và Hệ thống Anh ngữ Việt Mỹ VATC.