Đại học FPT nghiên cứu giải pháp chống cháy rừng

Trước tình trạng cháy rừng hiện rất nghiêm trọng và phức tạp ở VN cũng như thế giới, Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện nghiên cứu ĐH FPT đã làm việc với đội dự án UNIFORM của Nhật Bản về khả năng hợp tác chế tạo chùm vệ tinh nhỏ phục vụ phát hiện cháy rừng sớm.

Trong những năm gần đây, cháy rừng đã trở thành vấn nạn lớn của thế giới. Tình trạng cháy rừng xảy ra ở tất cả các nước trên do những biến đổi phức tạp của khí hậu. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ cháy, thiêu hủy hàng ngàn ha rừng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn sinh thái.  

Trước tình hình đó, trong tháng 3 vừa qua, anh Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng Nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ, Đại học FPT đã sang Nhật Bản theo lời mời của giáo sư Nakasuka Shinichi, Khoa Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học Tokyo nhằm hợp tác với đội dự án UNIFORM của Nhật Bản về chế tạo chùm vệ tinh nhỏ phục vụ phát hiện cháy rừng sớm. Đây cũng là dự án nghiên cứu, chế tạo một chùm vệ tinh chuyên biệt cho mục đích phát hiện cháy rừng đầu tiên trên thế giới.

Đại học FPT nghiên cứu giải pháp chống cháy rừng
Anh Vũ Trọng Thư bên cạnh động cơ tên lửa H-IIA tại Trung tâm vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản.

Từ trước tới nay, các vệ tinh quan sát Trái đất truyền thống thường là những vệ tinh lớn, đa chức năng có thể phục vụ nhiều mục đích như viễn thám, dự báo thời tiết, nghiên cứu bầu khí quyển… Mặc dù hình ảnh của các vệ tinh này cũng có thể được sử dụng cho mục đích cảnh báo cháy rừng, tuy nhiên thời gian tái thăm đối với vị trí bất kỳ trên mặt đất là khá dài, vào khoảng mấy ngày. Vì vậy, việc phát hiện cháy rừng sẽ là quá muộn. Đối với dự án mà FSpace và UNIFORM đang hợp tác nghiên cứu, việc sử dụng chùm 4 vệ tinh sẽ giúp làm giảm thời gian tái thăm, có thể quan sát liên tục các điểm nóng về cháy rừng trên Trái đất với thời gian tái thăm chỉ vài giờ.

Dự án này do Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản khởi xướng năm 2010 nhằm khai thác thế mạnh về thời gian tái thăm nhanh; độ phủ sóng rộng; chi phí và thời gian phát triển ít của vệ tinh nhỏ so với các vệ tinh truyền thống nặng hàng trăm, hàng ngàn kg. Mục đích cụ thể của dự án UNIFORM là chế tạo chùm 4 vệ tinh nhỏ cỡ 50kg trang bị camera hồng ngoại có độ phân giải 200m, dải quét 100km, nhằm phát hiện sớm các đám cháy. Dự kiến vệ tinh đầu tiên UNIFORM-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo cuối năm 2013. Các vệ tinh tiếp theo sẽ được phóng lên trong năm 2014 và 2015 để hoàn thành chùm vệ tinh này. 

Đại học FPT nghiên cứu giải pháp chống cháy rừng
Mô hình vệ tinh F-1 của phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ, Đại học FPT.

Với những đánh giá cao cho những nỗ lực của nhóm FSpace trong dự án chế tạo vệ tinh F-1 khi điều kiện nghiên cứu tại Việt Nam còn hết sức khó khăn, phía Nhật Bản mong muốn FSpace gửi kỹ sư sang tham gia chế tạo và thử nghiệm vệ tinh UNIFORM cùng với các kỹ sư Nhật. Trong dự án này, Việt Nam có thể tham gia ở phần thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất thu tín hiệu từ vệ tinh và hệ thống lưu trữ, phân phối thông tin đến người sử dụng một cách nhanh chóng. Từ đó, phát triển phần mềm xác định điểm nóng cháy rừng và tự động, nhanh chóng truyền tải thông tin sớm nhất đến lực lượng phòng chống cháy rừng. Đặc biệt, khi liên kết hợp tác trong dự án này, Việt Nam sẽ không phải trả phí cho những dữ liệu thu được từ vệ tinh UNIFORM. Đây vừa là cơ hội để gia tăng các phương tiện cảnh báo cháy rừng cho Việt Nam, vừa là thời cơ hiếm có để các kỹ sư nước ta có thể tiếp cận công nghệ chế tạo vệ tinh lớp microsatellite nặng 50kg, tiến đến làm chủ công nghệ để có thể tự chế tạo các vệ tinh tương tự ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác.

Anh Vũ Trọng Thư, Trưởng Phòng Nghiên cứu Không gian FSpace (Đại học FPT) cho biết: “Công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ (cỡ <50kg) đang là một xu hướng mới trên thế giới và tôi tin rằng đây là một cơ hội để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu trong một lĩnh vực công nghệ cao qua việc hợp tác với Nhật Bản. Sau khi tham gia dự án, các kỹ sư Việt Nam có thể nắm được công nghệ chế tạo vệ tinh lớn 50kg, đặc biệt sau này có thể ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, không chỉ là cảnh báo cháy rừng”.

Ngoài ra, anh Thư cũng bày tỏ sự chào đón của Viện nghiên cứu, Đại học FPT đối với các bạn sinh viên có kiến thức và đam mê khoa học vũ trụ đối với dự án này: “Bất kỳ bạn sinh viên nào quan tâm cũng có thể tham gia và tôi tin tưởng các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội sáng tạo và đem các kiến thức trên ghế nhà trường của mình để áp dụng cho một bài toán thực tế”.